Truyện Trạng Quỳnh Hay Nhất


TRẢ NỢ ĐÒ NGANG

Nhiều lần Quỳnh đi đò ngang qua sông, thường chịu tiền anh lái. Nợ mãi chưa trả, lâu quá hóa nhiều, Quỳnh lấy đâu tiền mà trả một lần cho xuể. Một lần bị anh lái hỏi tiền đò, Quỳnh liền nghĩ ra một mẹo, bảo anh lái cứ yên tâm, chỉ vài hôm là xong nợ. Nói rồi, Quỳnh vuốt lại khăn áo ra đi như không có chuyện gì xảy ra, bình tĩnh tính toán mọi việc trong đầu.
Giữa sông có một cồn cát, bỗng sớm nọ thấy nổi lên ở đó một cái nhà nho nhỏ, dựng bằng tre nứa, lợp lá gồi. Không biết ai đã làm nhà ở đó, chỉ biết chiều hôm trước chưa thấy gì, sáng sớm hôm sau đã thấy nó xuất hiện từ tinh mơ. Thế là người ta tò mò, bảo nhau ra xem, lời đồn thổi khắp các đường thôn, lối chợ.
Muốn ra cồn cát chỉ có đường sông, anh lái đò chở khách mệt nghỉ. Mới đầu có mấy người ra trước thăm dò. Lạ thật, tịnh không thấy ai, hay là chủ nhân đóng cửa nằm trong nhà. Ngoài cửa, một cái biển viết mấy chữ bằng vôi trắng treo ngay ngắn: “Trạng đang lột… Cha đứa nào kể với đứa nào”. Thế là họ về phao tin, rằng Trạng đang lột ngoài cồn cát, lại dặn nhau bảo kỹ lưỡng: “Cha đứa nào kể với đứa nào!”. Ai cũng sợ bị chửi, nhưng chẳng ai giữ được miệng.
Người ra xem ngày một đông. Nhiều khi chả có chuyện gì cũng xúm đông xúm đỏ, đằng này lại là chuyện “Trạng lột” chứ phải bỡn. Hết lượt này đến lượt khác đi đò ra xem, mới đầu còn là người làng người xã, sau đó cả tổng cả huyện cũng khối người kéo đến, anh lái đò ngang kiếm được vô khối là tiền, mải mê quên khuấy cả chuyện đòi nợ Trạng hôm nào.
Bẵng đi mấy ngày, người xem đã vãn, vì người ta biết rõ là bị Quỳnh cho “quả lừa”. Anh lái đò vãn việc, chợt nhớ món nợ của Quỳnh, mới hỏi cũng là vui miệng xem Trạng có phải loại người lời hứa gió bay không thôi.
– Ai nợ nhà anh, có anh nợ ta thì có. Nhờ mẹo của ta, anh kiếm được bao nhiêu là tiền, ta không đòi chia là tốt rồi. Ta cứ để cả tiền ấy cho anh, trừ vào tiền đò đi chịu sau này.
Anh lái đò hiểu ý, sung sướng cảm ơn Quỳnh rối rít. Từ đấy không bao giờ dám mở miệng nhắc nợ Trạng nữa.

QUẢ ĐÀO TRƯỜNG THỌ

Một hôm trong cung, có người đem tiến vua một mâm đào gọi là “Đào trường thọ”. Lúc ấy Quỳnh đang có mặt mới thủng thỉnh lại gần, lấy một quả, ăn trước đông đủ mặt vua và văn võ bá quan. Vua trách phạt Quỳnh và truyền cho các quan nghị tội. Các quan chiểu theo luật “mạn quân” tâu phải chém. Mấy ông quan thì mừng ra mặt, thế là phen này Trạng không thể “bạo thiện nghịch địa” được nữa. Quỳnh chẳng hề sợ hãi, quỳ xuống tâu rằng:
– Đình thần nghị tội hạ thần như vậy, thật là đúng luật, không oan, chỉ xin hoàng thượng cho hạ thần được nói vài lời rồi chết cũng thỏa lòng thỏa dạ. Số trời định, chả ai cưỡng nổi, chỉ xin có một chút “tâm thành” tỏ bày cùng bệ hạ.
Vua lệnh:
– Ừ, muốn nói gì thì nói đi, rồi ta sẽ chuẩn tấu cho y án thi hành. Nghĩa tử là nghĩa tận, ta cho phép nhà ngươi nói lời cuối cùng.
– Muôn tâu bệ hạ, hạ thần có bụng tham sống, sợ chết, nhất là lại sợ chết non. Thấy gọi là đào trường thọ, thèm quá, thần tưởng ăn vào được sống lâu như Bành Tổ, để được tận trung thờ vua. Ai ngờ nuốt chưa xong quả trường thọ, cái chết đã đến cổ! Hạ thần trộm nghĩ nên đặt quả ấy là quả “đoản thọ” thì phải hơn, và xin vua trị tội đứa nào dâng đào để trừ kẻ xu nịnh, dối trá, gạt dưới lừa trên. Có vậy, thần mới yên lòng nhắm mắt, không lo thiên hạ đổ vì bọn phản trắc dối vua lừa dân.
Vua nghe tâu, bật phì cười và tha tội cho Trạng, tuy lòng vô cùng căm tức.

Leave a comment