HỒNG LÂU MỘNG Tiểu thuyết Trọn bộ hai tập TẬP I – TÀO TUYẾT CẦN

– Chàng đánh cá này ở đâu đến đây?

Bảo Ngọc liền hỏi:

– Hôm nay cô đỡ chưa? Uống thuốc gì? Ăn được bao nhiêu cơm?

Vừa nói vừa bỏ nón xuống, cởi áo tơi, một tay cầm đèn, một tay che ánh đèn, soi vào mặt Đại Ngọc, nhìn một lúc rồi nói:

– Hôm nay thần sắc khá rồi đấy.

Khi Bảo Ngọc cởi áo tơi ra, Đại Ngọc thấy trong người cậu ta chỉ mặc một áo lụa đỏ ngắn hơi rung rúc, lưng buộc khăn xanh, mặc quần lụa xanh cải hoa, chân đi bí tất sợi dệt lẫn chỉ kim tuyến, đôi giày bươm bướm vờn hoa, Đại Ngọc hỏi:

– Trên đầu anh sợ mưa, sao dưới chân lại đi giày và bí tất này vẫn khô thế?

– Nguyên là anh mặc cái bộ như thế này. Vừa đi cả đôi guốc gỗ đường, lên đến thềm thì bỏ ra.

Đại Ngọc lại thấy áo tơi và nón rất tinh xảo nhẹ nhàng, không phải là đồ bán ở chợ, liền hỏi:

– Đan bằng cỏ gì thế? Thảo nào mặc những đồ này không lù xù như lông dím.

– Ba thứ này là của Bắc Tĩnh vương cho. Khi trời mưa, đức vương ở nhà vẫn thường dùng những thứ này, nếu em thích, anh sẽ kiếm một bộ đưa cho. Thứ khác không nói, chỉ có chiếc nón là thích nhất: cái chóp ở trên có thể mở ra đóng vào được, gặp khi có tuyết đội mũ vào rút cái que cài ra, bỏ chóp trên đi, chỉ còn lại một cái vành thôi. Lúc có tuyết thì con trai, con gái đều đội được cả. Anh đưa cho em một cái để mùa đông có tuyết sẽ đội.

Đại Ngọc cười nói:

– Em không cần, nếu đội cái này thành ra một bà đánh cá vẽ ở trong tranh hay là diễn viên ở trên sân khấu mất.

Nói đến câu này, Đại Ngọc mới nhớ ra câu mình vừa nói ăn khớp với câu đùa Bảo Ngọc lúc nãy nên cứ hối mãi, rồi đỏ ửng mặt lên, gục xuống án ho.

Bảo Ngọc không để ý, thấy trên án có bài thơ, liền lấy ra xem, khen hay mãi. Đại Ngọc vội giật lấy đốt đi. Bảo Ngọc cười nói:

– Đốt cũng không can chi, anh đã thuộc hết rồi.

– Em khỏi nhiều rồi, cảm ơn anh hàng ngày lại thăm em mấy lần, mưa cũng lại, em muốn đi nghỉ, anh hãy về đi, mai lại đến.

Bảo Ngọc nghe nói, móc ra một cái đồng hồ vàng to bằng hạt đào để xem, thấy kim đã chỉ vào chỗ cuối giờ Tuất đầu giờ Hợi, vội vàng cất đi và nói:

– Đáng lẽ em đi nghỉ rồi, anh lại đến quấy rầy em một lúc.

Nói xong, đội nón, khoác áo đi ra, bỗng quay lại hỏi:

– Em muốn ăn cái gì cứ nói, sáng mai anh sẽ trình với cụ. Anh nói lại không rõ ràng hơn bọn bà già à?

– Để đến đêm em nghĩ xem đã, sáng mai sẽ nói. Anh xem, lại mưa to rồi, về đi thôi. Có ai đi theo hầu đấy không?

Hai bà già trả lời:

– Thưa cô, đã có người ở ngoài này cầm dù và thắp đèn lồng rồi.

Đại Ngọc cười nói:

– Giời này mà thắp đèn lồng à?

Bảo Ngọc nói:

– Không việc gì, đèn kiểu sừng dê đấy, không sợ mưa.

Đại Ngọc nghe nói, lấy cái đèn pha lê hình quả cầu ở trên tủ sách xuống, sai thắp một cây nến nhỏ, đưa cho Bảo Ngọc nói:

– Đèn này sáng hơn đèn kia, dùng để đi mưa đấy.

– Anh cũng có một cái đèn kiểu này, nhưng sợ họ trượt chân ngã thì vỡ mất, nên không mang đi.

– Vỡ đèn hơn hay người ngã đáng kể hơn? Anh lại không quen đi guốc gỗ. Cái đèn lồng kia để họ thắp mang đi trước, còn cái đèn này vừa nhẹ vừa sáng, chỉ để cho một người dùng khi mưa thôi. Anh cầm lấy cái đèn này thì hơn, ngày mai sẽ mang sang giả em. Nếu nhỡ tay đánh vỡ cũng chẳng là bao, việc gì mà lại giở cái lối “mổ bụng giấu ngọc”(1) ấy?

Leave a comment