THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI – VŨ BẰNG

Lúc ấy, cái thú ăn bánh chưng rán với cá kho không còn nữa mà mứt sen, mứt gừng, mứt bí cũng như bánh Xuân Cầu cũng không còn. Nhưng đánh tam cúc, rút bất đến nửa đêm, đất nước thân yêu lại đem đến cho ta một cái thú tuyệt kì thanh cao, tuyệt kì trang nhã.

Bàn tam cúc vừa giải tán thì đồng hồ điểm hai giờ. Cái đêm Tháng Hai ở Hà Nội kì ảo lắm. Có khi còn mưa phùn, có khi có gió thổi se se trên lộc đào, nhánh mai, nhưng bao giờ cũng vẫn còn hơi rét. Thành phố im lặng, ngồi trong nhà mà nghe thấy từng cái lá rụng ngoài vườn. Anh em bè bạn lần lượt ra về thong thả. Trẻ ở nhà trong cũng ngủ yên. Hai vợ chồng nhìn nhau không nói, nhưng cảm thấy mình như là tiên sống cách biệt cõi trần, lấy cái ấm “cò bay” bằng đồng bạch ra đun nước rồi cầm cái khăn đỏ lau lại bộ đồ trà, pha một ấm trà ướp thủy tiên mời nhau uống, trịnh trọng như hai tân khách.

Các cụ sành trà thường bảo muốn thưởng thức trà tuyệt kĩ thì phải là cái thứ trà mộc không ướp hoa gì, nhưng mình có phải là tay sành đâu mà phải theo khuôn sáo ấy! Chỉ biết là vợ con ở trong nhà, học đòi các cụ gọt thủy tiên, còn thừa thì đem trồng trong cát, chơi hoa đến hết ngày rằm, đem cắt những bông hoa hãy còn tươi ướp trà tàu rồi sấy cất đi để dành, lúc phởn phơ trong bụng thì lấy ra pha uống, thế thôi.

Ôi chao, cần gì phải trà mộc, cần gì phải nước giếng thanh tân, cứ cầm cái chén quân đưa lên môi và nghĩ rằng hoa thủy tiên này là do vợ mình gọt, trà thủy tiên này là do vợ mình ướp, ấm trà này là do vợ mình pha thì cũng đã thấy ngào ngạt hương tình trong khắp cả cái đêm xuân tĩnh mịch này rồi!

Trầm ở trong chiếc lư đồng vừa lúc đó lụi dần, tỏa ra một mùi thơm nhẹ hòa lẫn với hương trà làm cho cả hai vợ chồng cùng bâng khuâng… Gió lay động cánh màn nơi cửa sổ. Người vợ xõa tóc, đi lại nằm dài trên nệm trắng, mở mắt trong bóng tối nhìn mây bay và nghe thấy hình như ở xa xa có tiếng nhạc từ trên trời rơi xuống.

Khẽ quay mình lại với vợ để cho ấm áp hơn, người chồng hỏi:

– Này mình, có phải mùa này là mùa đào bói quả không?

– Sao tự nhiên anh hỏi vậy?

Người chồng lặng im một lát không nói gì. Ba phút sau, nghe hơi thở, biết là vợ đã ngủ rồi, y nằm yên nhắm mắt và tiếp tục nối lại giấc mộng vừa qua: giấc mộng hoa đào, nước suối.

Ờ phải, chính vào cữ này là cữ đào bói quả đây. Người đàn ông lạc phách trở lại với gia đình, đêm Tháng Hai năm ấy, nằm bên người thương bé nhỏ, mơ màng thấy mở cửa động Thiên Thai. Cách đây đã lâu rồi, cũng vào cữ Tháng Hai như thế này, y đã lạc bước vào một thứ Thiên Thai nơi trần thế rực rỡ hoa đào, mông mênh nước suối ở vùng biên thùy Bắc Việt.

Chính vào khoảng Tháng Hai này đây, có một buổi sáng y đã cưỡi một con ngựa thồ đi nhởn nha một mình nhìn lên chín mươi chín ngọn Thập vạn Đại sơn. Đến cái đoạn một trong chín mươi chín ngọn ấy gác sang đất nước Việt Nam, quả là đã có một lúc y tưởng là Thiên Thai thực, vì rừng đào bát ngát ngút ngàn, trời đất êm ru, mà ngửng mặt lên trời thì nghe như có tiếng tiêu, tiếng địch. Con ngựa thồ đi khẽ từng bước một. Hàng nửa ngày đường mới thấy ở tít tắp đằng xa có mấy cô sơn nữ mặc váy thủy ba, bịt khăn trắng trên đầu đi đu đưa ven suối.

Nước suối trong văn vắt, bóng các cô sơn nữ chiếu xuống nước làm cho một người hóa hai, y như thể các cô tiên đi hái hoa trong vườn của nhà trời mà ta vẫn thấy trong các truyện thần tiên khi còn nhỏ.

Người Thổ trồng đào nhiều. Người ta đã thấy có những gốc đào cổ thụ hai ba người ôm mới xuể. Du khách đi Lao Cai, đến Sapa, cũng qua một rừng đào đẹp không kém đào ở Thập Vạn Đại sơn. Đi vào rừng, trời mù mù như thể có sương bao phủ, nhưng bỗng nhiên đến một khúc quẹo, trời sáng hẳn ra. Nhìn lên, không có một đám mây. Trời nắng ấm, trông cứ y như là ngọc lưu li vậy. Gió từ trên đỉnh cao thổi xuống, làm rung động những cành cây. Hoa đào rơi lả tả trên cỏ xanh như một cơn mưa màu sắc.

Leave a comment