TAM QUỐC DIỄN NGHĨA TẬP 2 Phần 1 – LA QUÁN TRUNG

Hán Trung vương trông ra thì là thái phó Hứa Tĩnh. An hán tướng quân My Chúc, Thanh Y hầu Thượng Cử, Dương toàn hầu Lưu Báo, biệt giá Triệu Tô, trị trung Dương Hồng, nghị tào Đỗ Quỳnh, tòng sự Trương Sảng, thái thường khanh Lại Cung, quang lộc khanh Hoàng Quyền, tế tửu Hà Tăng, học sĩ Doãn Mặc, tư nghiệp Tiêu Chu, đại tư mã An Thuần, thiên tướng quân Trương Diệm chiêu văn bác sĩ Y Tịch và tòng sự lang Tần Bật. Hán Trung vương giật mình nói rằng:

– Buộc Cô vào chỗ bất nghĩa đều bởi tại các ngươi cả.

Khổng Minh nói:

– Chúa thượng đã bằng lòng rồi, xin cho đắp đàn, chọn ngày để làm đại lễ.

Các quan đưa ngay Hán Trung vương về cung, rồi sai bác sĩ Hứa Từ, gián nghị lang Mạnh Quang coi việc lễ, đắp đàn ở mé nam Thành Đô, sắp đặt đâu đấy. Các quan dân bày đồ loan giá, rước Hán Trung vương lên đàn tế trời đất. Tiêu Chu ở trên đàn, đọc một bài văn tế rằng:

Duy năm Kiến An thứ 25, tháng tư, mồng một, ngày bính ngọ, qua ngày mười hai là ngày đinh tị, hoàng đế là Bị kính cáo với hoàng thiên hậu thổ rằng: Nhà Hán có thiên hạ, số vận dài vô ngần. Khi xưa Vương Mãng cướp ngôi, đức Quang Vũ nổi giận đánh giết, xã tắc lại còn. Nay Tào Tháo cầm quyền binh, tàn nhẫn độc ác, giết bà chủ mẫu, tội ác đầy trời. Con Tháo là Tào Phi lại hung nghịch hơn, dám cướp giữ đồ thần khí.

Các tướng sĩ bề dưới chúng tôi cho rằng nghiệp nhà Hán đổ nát, Bị nên phải kế vào, để nối dõi cơ nghiệp của hai tổ, phụng mệnh trời mà đánh giặc.

Bị nghĩ trong mình kém đức, sợ nhục ngôi tôn, hỏi đến thứ dân, và các quân trưởng ngoài cõi xa, thì ai cũng bảo rằng mệnh của trời, không nên bỏ sao nhãng; nghiệp của tổ tông không nên để suy đồi; mà bể không nên để vô chủ. Khắp thiên hạ trông mong vào một mình Bị. Bị sợ mệnh sáng của trời, lại sợ nghiệp của Cao, Quang đổ xuống đất; vậy phải kính chọn ngày lành lên đàn tế cáo, chịu lĩnh tỉ thụ hoàng đế, coi giữ bốn phương. Xin thần trên trời dưới đất ủng hộ cho nhà Hán, để được lâu dài mãi mãi“.

Tiêu Chu đọc xong, Khổng Minh dẫn các quan dâng ngọc tỉ lên. Hán Trung vương nhận lấy, hai tay bưng đứng trên, nhường đi nhường lại hai ba lần, nói rằng:

– Bị này không có tài đức gì, xin chọn người nào có tài có đức để nhường ngọc tỉ này!

Khổng Minh tâu rằng:

– Chúa thượng bình định bốn bể, công đức ra khắp thiên hạ, vả là tôn phái nhà Đại Hán, nên đứng vào ngôi chính. Và đã tế cáo, trời đất rồi, còn nhường gì nữa?

Các quan văn võ, cùng reo vạn tuế lạy mừng.

Lễ xong đâu đấy, cải năm ấy là niên hiệu Chương võ thứ nhất (220) lập vợ là Ngô thị làm hoàng hậu, con là Lưu Thiền làm thái tử, phong con thứ hai là Lưu Vĩnh làm Lỗ vương, con thứ ba là Lưu Lý làm Lương vương; phong Gia Cát Lượng làm thừa tướng; Hứa Tĩnh làm tư đồ; quan liêu lớn nhỏ đều được thăng chức cả; đại xá những kẻ có tội. Quân dân trong hai Xuyên, ai nấy cũng nhảy nhót mừng rỡ.

Hôm sau khai chầu, trăm quan văn võ vào lạy xong đứng sắp hàng ra hai bên.

Tiên chủ giáng chiếu nói rằng:

– Trẫm từ khi kết nghĩa với Quan, Trương ở vườn đào, thề cùng sống chết. Nay chẳng may em thứ hai Vân Trường bị Tôn Quyền hại mất, nếu không báo thù thì phụ mất lời thề khi xưa. Trẫm muốn khởi tất cả quân trong nước, sang đánh Đông Ngô để rửa cái giận ấy mới được.

Tiên chủ nói vừa dứt lời, có một người ở dưới thềm bước ra, can rằng:

– Việc đó không nên!

Tiên chủ trông ra, thì là hổ oai tướng quân Triệu Vân.

Đó là:

Vua chúa chưa ra quân đánh giặc

Tôi con đã muốn hiến lời can.

Chưa biết Tử Long can ra làm sao, xem đến hồi sau sẽ biết.

Mời bạn đặt sách online tại:

http://nhasachminhthang.com.vn/sach-van-hoc-nuoc-ngoai/tam-quoc-dien-nghia-tron-bo-2-tap-72-1634.html

(1) Cửu Tích nghĩa là được vua phong cho chín thứ: 1. Xe ngựa; 2. Áo xiêm (áo long cổn, mũ miện, giày đỏ); 3. Nhạc treo (như đồ chuông khánh của vua dùng); 4. Cửa nhà được sơn son; 5. Thềm nhà được xây bệ; 6. Có 200 quân hổ bôn canh cửa; 7. Cờ tiết, lưỡi phủ việt; 8. Cung tên; 9. Rượu quí và chén ngọc.

(1) Kinh Bố và Bành Việt là hai võ tướng đời Hán Cao Tổ.

(1) Hai danh tướng đời vua Hán Vũ Đế.

(1) Kê cân: gân gà.

(1) Nguyên chữ hợp hán tự gồm mấy chữ nhân, nhất, khẩu. Tu đọc ngay thành câu nhất nhân nhất khẩu tô.

(1) Nghĩa: Bộ mặt đỏ, giữ tấm lòng đỏ, mình cưỡi ngựa xích thố truy phong, lúc ruổi giong, không bao giờ quên về vua đỏ;

Ngọn đèn xanh xem bộ sử xanh, tay cầm đao thanh long yển nguyệt, nơi kín đáo, chẳng chỗ nào thẹn với trời xanh.

Leave a comment