TAM QUỐC DIỄN NGHĨA TẬP 2 Phần 3 – LA QUÁN TRUNG

HỒI THỨ MỘT TRĂM LINH NĂM: Võ Hầu dự sẵn mẹo cẩm nang – Ngụy chủ dỡ lấy mâm thừa lộ.

Lại nói Dương Nghi nghe báo có quân chặn đường, sai người ra dò xem, té ra Ngụy Diên đốt mất đường sàn, hiện đương dẫn quân chặn lối.

Nghi thất kinh, nói:

– Lúc sinh thời, thừa tướng biết rằng người này về sau tất làm phản, quả nhiên như thế. Nay y chặn mất đường về, làm thế nào bây giờ?

Phí Vĩ nói:

– Người này tất tâu biểu về thiên tử, vu cho chúng ta làm phản, nên mới đốt đường sàn để chặn ta đây. Chúng ta cũng nên tâu biểu, bày tỏ ý phản của Ngụy Diên, rồi sau sẽ liệu.

Khương Duy nói:

– Ở đây có con đường tắt, gọi là Sà Sơn. Đường ấy tuy hiểm hóc, nhưng có thể đi lên phía sau đường sàn được. Ta nên một mặt dâng biểu về tâu thiên tử, một mặt kéo quân mã về đường Sà Sơn.

Lại nói hậu chủ ở Thành Đô, nóng lòng sốt ruột, ăn ngủ không yên. Đêm nằm mơ thấy núi Cẩm Bình ở Thành Đô đổ, tỉnh dậy tỏ vẻ kinh sợ nghi hoặc lắm. Hậu chủ ngồi đợi sáng, hội cả văn võ kể lại giấc mộng.

Tiểu Chu tâu rằng:

– Đêm qua tôi xem thiên văn, thấy một ngôi sao đỏ đòng đọc, tia sáng tỏa ra có sừng, tự góc đông bắc sa xuống góc tây nam, ứng về thừa tướng có việc đại hung. Nay bệ hạ mộng thấy núi đổ, chính hợp vào điềm ấy.

Hậu chủ lại càng sợ hãi lắm. Chợt có tin báo Lý Phúc đã trở về. Hậu chủ kíp cho đòi vào hỏi chuyện, Phúc cúi đầu xuống khóc và tâu rằng thừa tướng đã mất rồi. Lại thuật lời thừa tướng dối dăng lại một lượt.

Hậu chủ nghe xong, khóc òa lên rằng:

– Trời giết ta đây! Trời hỡi trời!

Hậu chủ khóc lăn ở trên sập rồng, thị thần phải vực vào hậu cung. Ngô thái hậu nghe tin cũng khóc ầm mãi lên không thôi. Các quan ai nấy cùng đau xót bi thảm, Trăm họ khóc lóc, xụt xùi.

Hậu chủ mấy hôm thương cảm lắm, không ra coi được việc. Chợt có biểu của Ngụy Diên tâu về, nói rằng Dương Nghi làm phản. Quần thần kinh hoảng, vào cung tâu với hậu chủ. Bấy giờ Ngô thái hậu cũng ở trong cung. Hậu chủ sai cận thần đọc bài biểu của Ngụy Diên. Biểu rằng:

Chính tây đại tướng quân Nam Trịnh hầu, thần là Ngụy Diên, sợ hãi cúi đầu tâu bẩm: Dương Nghi chuyên giữ binh quyền, đem chúng làm phản, muốn cướp linh cữu thừa tướng, dẫn quân giặc vào cõi. Thần xin đốt đường sàn trước, mang binh phòng giữ, kính tâu bệ hạ xét cho“.

Hậu chủ nghe xong, nói:

– Ngụy Diên là tướng khỏe mạnh, đủ chống được Dương Nghi, can gì phải đốt đường sàn?

Ngô thái hậu nói:

– Ta từng nghe tiên đế nói Khổng Minh biết sau tóc Ngụy Diên có tướng làm phản, muốn chém đi. Vì tiếc hắn khỏe mạnh, cho nên tạm để lại dùng. Nay hắn tâu Dương Nghi làm phản, chưa nên nghe vội. Dương Nghi là quan văn, thừa tướng ủy cho chức trưởng sử, tất là người dùng được. Nếu ta tin lời ấy, Dương Nghi tất chạy sang Ngụy mất. Việc này phải xét cho kỹ chớ nên vội vàng.

Chợt lại có biểu của Dương Nghi dâng về. Cận thần mở đọc. Biểu rằng:

“Trưởng sử tùy tướng quân, thần là Dương Nghi, sợ hãi cúi đầu kính dâng biểu, Thừa tướng lâm chung, giao phó công việc cho thần, việc gì cũng phải tuân phép cũ không được thay đổi; có sai Ngụy Diên đi đoạn hậu cùng với Khương Duy. Nay Ngụy Diên không tuân lời dặn của thừa tướng, dám đem quân mã bản bộ, về trước Hán Trung, đốt đường sàn, muốn cướp linh cữu, mưu việc phản nghịch. Biến cố bất thình lình xảy ra, kính tâu về bệ hạ biết cho”.

Thái hậu nghe xong, hỏi các quan rằng:

– Các ngươi nghĩ thế nào?

Tưởng Uyển tâu rằng:

– Cứ ý tôi, thì Dương Nghi tuy tính khí hẹp hòi, không có lượng dung người, nhưng đến việc trù tính lương thảo, tham tán việc quân cơ, thì cũng giúp được thừa tướng nhiều lắm. Thừa tướng lâm chung, phó thác cho việc lớn, quyết không phải là người làm phản. Ngụy Diên xưa nay cậy có công, khinh người, ai cũng không chịu kém. Dương Nghi không chịu nhường nhịn, Ngụy Diên vẫn ghét. Nay thấy Nghi được cầm binh quyền, trong bụng Diên không chịu, cho nên đốt đường mà vu tấu để hại người ta. Tôi xin đem già trẻ cả nhà bảo cử cho Dương Nghi, không phải là người làm phản, chớ không dám nhận cho Ngụy Diên.

Đổng doãn cũng tâu rằng:

– Ngụy Diên cậy mình công cao, thường vẫn mang bụng bất bình, oán lộ ra miệng. Trước kia y không dám làm phản vì còn sợ thừa tướng. Nay thừa tướng mới mất, y thừa cơ làm loạn, cũng là cái thế tất nhiên. Còn như Dương Nghi, tài cán giỏi giang, thừa tướng đã dùng đến, quyết không phải là người phản nghịch.

Leave a comment