KHÔNG GIA ĐÌNH – Hector Malot

Tôi lấy làm lạ rằng thôn quê nơi đây cũng chả có gì đẹp hơn, làng mạc cũng chả có gì khác những nơi chúng tôi đã đi qua mấy hôm trước. Tôi đã từng nghe nói đến các kỳ quan của thành Pari nhiều quá, cho nên tôi ngây thơ tưởng rằng phải có những cái gì khác thường báo trước những kỳ quan ấy từ xa kia. Nói cho đúng thì tôi không biết tôi chờ đợi cái gì. Tôi cũng không dám hỏi. Nhưng rõ ràng là tôi chờ đợi những cái kỳ diệu: cây vàng lá ngọc, phố xá gồm toàn lâu đài cẩm thạch, dân phố đi lại mặc toàn nhung lụa. Tôi cho là tất nhiên phải như vậy.

Dù cố chú ý tìm những cây vàng lá ngọc tôi vẫn thấy rằng khách đi đường ở đây không nhìn chúng tôi nữa: họ vội quá đi chăng? Hay là họ đã quen với nhiều cảnh đau thương hơn cảnh chúng tôi?

Nghĩ thế, tôi không yên lòng chút nào cả.

Chúng tôi đến Pari để làm gì, nhất là lại trong tình trạng xác xơ như thế này? Tôi lo lắng tự hỏi. Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu óc tôi suốt chặng đường dài. Tôi muốn hỏi cụ Vitali xem thế nào. nhưng tôi không dám vì cụ mặt ủ mày chau, khi nói gì thì rất vắn tắt. Nhưng rồi một hôm cụ lùi xuống đi kề bên tôi. Trông cách cụ nhìn tôi, tôi biết rằng cụ sắp nói cho tôi biết cái điều mà tôi mong đợi.

Lúc ấy vào buổi sớm. Thầy trò chúng tôi vừa nghỉ đêm lại ở một trại tá điền gần một xã lớn. Đọc trên mấy tấm biển xanh dọc đường thì biết làng ấy là làng Bôácxixanhlêgiê. Chúng tôi lên đường từ lúc mờ sáng. Sau khi men theo bờ tường một khu vườn lớn rồi đi xuyên qua làng Bôácxi theo chiều dọc, thì đến một cái dốc. Từ trên đầu dốc trông ra trước mặt, chúng tôi thấy một luồng khí đen to như một đám mây bay lơ lửng trên một thành phố mênh mông. Phố xá chưa nhìn thấy, chỉ có mấy công trình kiến trúc nhô lên.

Tôi giương to đôi mắt cố nhìn cho rõ trong cảnh hỗn độn những mái nhà, những hình tháp, những gác chuông lẫn trong sa mù và hơi khói,thì cụ Vitali bước chậm lại để cho tôi đi kề cụ.

– Thế là cuộc sống của chúng ta thay đổi rồi đấy! – Cụ nói câu ấy như nói tiếp một câu chuyện đã trao đổi từ lâu. – Chừng bốn tiếng đồng hồ nữa thì chúng ta vào Pari.

– Ồ! Thế ở đằng kia là Pari ạ?

– Hẳn rồi!

Ngay khi cụ Vitali nói cho tôi biết thành phố ở trước mặt là Pari thì có ánh nắng từ trên trời lóe xuống và trong chớp mắt, tôi thấy lấp lánh những tia vàng. Đúng rồi! Tôi không lầm đâu! Nhất định tôi sẽ tìm thấy những cây vàng lá ngọc. Cụ Vitali nói tiếp:

– Đến Pari thì ông cháu ta sẽ chia tay nhau.

Trời bỗng dưng tối xầm lại, tôi không trông thấy cành vàng lá ngọc đâu nữa. Tôi quay lại nhìn cụ Vitali. Cụ cũng nhìn tôi. Thấy mặt tôi tái đi, môi tôi run rẩy, cụ đoán biết tôi xúc động.

Cháu lo lắm phải không? Và cũng buồn nữa, ông đoán thế?

Tôi trấn tĩnh lại nói:

– Thưa ông, phải chia tay nhau à!

– Tội nghiệp cháu quá!

Câu nói của cụ, nhất là giọng của cụ làm cho tôi rớm nước mắt. Đã lâu rồi, tôi có được nghe một lời âu yếm nào đâu! Tôi kêu:

– Ôi chao ôi! Ông tốt quá.

– Chính cháu mới tốt. Cháu là một chú bé ngoan, nhỏ người mà tốt bụng. Cháu thấy không, trong đời ta, có những lúc ta dễ thừa nhận những điều như vậy mà cảm kích. Khi mọi việc yên ổn, thì ta cứ cặm cụi đi con đường của ta, không thèm quan tâm đến những kẻ cùng đi với ta. Nhưng mọi việc đều chẳng ra gì, khi ta cảm thấy đương gặp bước gian truân, nhất là khi ta đã già nua không tin tưởng ở ngày mai nữa, thì ta cần tựa vào những người chung quanh ta. Ta hết sức sung sướng được nhìn thấy có họ bên cạnh mình. Nói rằng ông tựa vào cháu thì cháu lấy làm lạ lắm có phải không? Ấy thế mà đúng như thế đấy. Chỉ có một việc thấy cháu nghe ông nói mà mắt cháu nhòa lệ, ông cũng đã nhẹ bớt phiền não một phần. Vì thế bé Rêmi ơi; ông cũng khổ tâm như cháu vậy!

Leave a comment