HÁN SỞ TRANH HÙNG ( TÂY HÁN CHÍ )

Nguỵ Báo thích ý, nghĩ thầm:

– “Ta đã làm bậc đại quan lẽ nào vợ ta không làm mẹ thiên hạ?”

Liền thưởng Hứa Phụ rất hậu. Sau khi Hứa Phụ bái biệt, Nguỵ Báo gọi Đại phu là Chu Thúc vào nói:

– Ngày trước Hán Vương dùng ta làm Đại vương, chẳng ngờ đến khi thua trận Truy Thuỷ, Hán Vương đối xử với ta tệ bạc, lột ấn chức trao cho Hàn Tín. Vừa rồi Hàn Tín lại phá hơn hai mươi vạn quân Sở. Như thế tội ta thực khó ngồi yên được. Nay ta muốn nhân cơ hội này phản Hán để đầu Sở, chia ba thiên hạ, nhà ngươi nghĩ sao?

Chu thúc nói:

– Không nên! Hán Vương là bậc khoan nhân đại độ, đâu có lẽ vì thua một trận mà bắt tội Đại vương. Vả lại, Hàn Tín dụng binh như thần, đến Hạng vương mà chưa địch nổi, huống hồ Đại vương binh ít, tướng cô. Xin Đại vương cứ phò Hán, giữ đất Bình Dương này bảo tồn cho nước Nguỵ là hơn.

Nguỵ Báo nói:

– Thiên hạ là của chung, trời cho ai nấy được, đâu phải căn cứ vào việc mạnh yếu. Lời Hứa Phụ đoán lẽ nào sai được, nhà ngươi chưa hiểu đó thôi.

Chu thúc nói:

– Trước hết phải xét sức mình rồi nói đến mệnh trời. Mình thiếu tài, kém đức mà hy vọng ở mệnh trời thật là chuyện hão huyền.

Nguỵ Báo nổi giận nói:

– Ta muốn cử binh sao ngươi lại buông lời gàn dở. Hay nhà ngươi có tư thông với Hán?

Chu thúc nói:

– Tôi thờ Đại vương đã lâu, có bao giờ lại hai lòng. Chẳng qua thấy việc trái can ngăn đó thôi. Bây giờ Đại vương không nghe lời tôi, ngày sau hối không kịp.

Nguỵ Báo bực tức, đuổi Chu thúc ra ngoài, rồi tự mình điểm lấy mười vạn quân, dùng Hàng Trưởng làm Quân sư, Phùng Kích làm Kỵ tướng, Hạng Đà làm Bộ tướng giữ vững cửa ải Bình Dương, dâng biểu xin hàng về Sở.

Hán Vương nghe tin Nguỵ Báo làm phản, cười lớn nói:

– Đứa thất phu ấy làm gì nên việc mà hòng phản phúc. Tuy nhiên ta cũng phải sai người đem binh đến bắt hắn mà giết đi để răn muôn chúng.

Lịch Sinh can:

– Quân sĩ đánh Sở vừa về, chưa kịp nghỉ ngơi, bây giờ lại đi đánh Nguỵ e không tiện. Nếu dụng binh như vậy sẽ mất lòng dân. Tôi có quen với Nguỵ Báo, xin sang tận nơi lấy lẽ phải trái mà giảng cho Nguỵ Báo nghe. Nếu hắn không nghe, chừng ấy ta kéo binh sang trách phạt cũng chẳng muộn.

Hán Vương nói:

– Nếu tiên sinh dùng lời thuyết phục được Nguỵ Báo thì công ấy rất lớn, tiên sinh khá thực hành ngay.

Lịch Sinh liền từ biệt Hán Vương, thẳng đến Bình Dương ra mắt Nguỵ Báo.

Nguỵ Báo vội hỏi:

– Cố nhân sang đây có lẽ muốn thuyết khách cho bên Hán chăng?

Lịch Sinh nghiêm nét mặt đáp:

– Tôi sang đây vì tình bạn, muốn đem lời hơn lẽ thiệt bàn bạc. Đại vương muốn nghe hay không thì tuỳ ý, cần gì phải nghi nhau là thuyết khách!

Nguỵ Báo nói:

– Thế thì cố nhân có điều chi xin chỉ giáo.

Lịch Sinh nói:

– Bậc Đại nhân từ ý nghĩ đến việc làm bao giờ cũng nhất quyết. Đại vương trước bỏ Sở theo Hán, bây giờ lại bỏ Hán đầu Sở, việc làm của Đại vương không nhất định, phải trái không phân minh. Người mà phải trái điên đảo tất nhiên mang thảm họa. Huống chi, cứ như ngày nay, Hán, Sở tranh hùng, Hạng vương tuy có vũ dũng nhưng tàn bạo, lòng dân không phục. Chúa thượng tôi ân đức dẫy đầy, muôn người hoài vọng, lại dùng Hàn Tín làm tướng, mưu lược như thần, chẳng bao lâu thiên hạ sẽ về nhà Hán. Đại vương nên khuông phò nhà Hán để nước Nguỵ khỏi vì Đại vương mà tang tóc.

Leave a comment