THẦY LANG – TADEUSZ DOLEGA MOSTOWICZ

Bác sĩ Pavơlixki khá đủ nhạy cảm để nhận thấy nỗi ác cảm của tất cả mọi người đang có mặt đối với mình, kể cả người cảnh sát không nói một lời kia. Nỗi ác cảm và sự lên án. Phải chăng họ có lý! Nhưng anh ta có điều gì để tự trách mình đâu kia chứ? Anh hành động hợp với lương tâm, hành động theo đúng những gì nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ thầy thuốc khuyên anh ta nên làm. Nếu như trong khi hoàn thành những nghĩa vụ ấy, anh lại đạt được thêm một cái lợi cá nhân là gạt bỏ được đối thủ cạnh tranh thì đó cũng vẫn là tốt kia mà. Người ta được quyền đấu tranh sinh tồn, hơn nữa anh lại đấu tranh bằng những cách thức hợp pháp. Luật pháp và đạo đức xã hội đứng về phía anh. Giá như anh không phải là bác sĩ, giá như lão thầy lang này không tước mất bệnh nhân của anh, thì anh cũng vẫn đòi phải trừng trị con người này kia mà.

Nhà nước chăm lo đến sức khỏe của các công dân bằng hàng trăm qui định và điều luật. Nhà nước đòi hỏi ở mỗi thầy thuốc công trình học tập nhiều năm, đòi hỏi phải thực tập thật dày dạn, phải có đầy đủ kiến thức và có trình độ đạo đức cao cả. Ấy thế mà nơi đây, một gã nông dân tầm thường, dốt nát, lại dám vi phạm luật pháp. Việc ông ta có vài ca mổ thành công chẳng hề có ý nghĩa gì hết. Trong hàng nghìn trường hợp khác ông ta lại có thể là kẻ giết người. Vậy thì nhân danh cái gì, một bác sĩ y khoa, – người đã bỏ hàng đống tiền của, đã mất bao nhiêu năm học hành tu luyện nghề nghiệp của mình, lại phải tự nguyện từ bỏ những quyền năng được giao phó, lại thản nhiên nhìn hành động nguy hiểm và có hại của một kẻ bình dân, và để cam chịu chết đói nữa chứ?

– Nhân danh cái gì?!

Phải chăng chỉ vì những người tuy chân thực đấy nhưng lại thiếu tri thức, không chịu ca tụng cương vị của anh?… Nhưng với tư cách là một người trí thức, người duy nhất có trình độ đại học ở chốn này, anh ta có nhiệm vụ phải dạy cho họ, có nhiệm vụ giải thích cho họ thấy rõ rằng anh ta đang hành động một cách công minh và đúng đắn, rằng nghề lang băm là một nguy cơ đối với xã hội, rằng pháp luật phải được tôn trọng, rằng mọi loại ăn cắp đều là ăn cắp, không hề phụ thuộc vào động cơ này hay nọ. Rằng một xã hội văn minh, rằng nhà nước và tất cả mọi công dân có ý thức đều có trách nhiệm bảo vệ trong mọi trường hợp các trật tự đã được qui định.

Dĩ nhiên, trong mô típ hành động của Kôsiba có nhiều cơ sở để giảm nhẹ bản án. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào tòa án…

Không, bác sĩ Pavơlixki không hề có gì để tự trách mình ở đây cả. Có lẽ duy chỉ lòng tự hào bẩm sinh đã không cho phép anh ta tự hạ mình để thanh minh trước những con người kia, vả chăng chuyện ấy cũng chẳng mang lại kết quả gì.

Anh đứng im lặng, đầu ngẩng cao, môi mím chặt, vờ như không nhận thấy những ánh mắt ác cảm.

Cảnh sát trưởng Ziômếch viết xong biên bản, đọc lại một lượt, những người có mặt ký tên.

– Ông còn phải ký thêm lời cam đoan sẽ không đi đâu xa, – ông ta quay sang bảo ông Kôsiba. – ồ, chỗ này. Ông không được phép đi đâu xa trước khi báo cho cảnh sát biết.

– Sao vậy? – Bác sĩ ngạc nhiên. – Thế ông không bắt ông ta sao?

– Tôi không thấy có lý do gì để bắt, – cảnh sát trưởng nhún vai.

– Có lẽ một vụ ăn cắp có tang vật?…

– Thế thì sao ạ?… Người ta chỉ bắt khi có những lý do để lo ngại bị cáo sẽ trốn chạy, còn tôi thì tin chắc rằng ông ta sẽ không chạy trốn.

– Sự tin chắc ấy có thể nhầm đấy.

– Thế thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa ngài bác sĩ. Vả lại, tôi sẽ gửi việc này sang bên công tố viên. Có thể ông ấy sẽ ra lệnh bắt nếu ông chạy lo việc ấy. Nhưng tôi không tin lắm. Sau khi thành án người ta sẽ bắt giam, tất nhiên nếu là bản án kết luận có tội. Thôi, ta cũng chẳng còn việc gì làm ở đây nữa. Chào ông Kôsiba! Xin chúc cô mau bình phục, cô Marưsia!

Leave a comment