NAPÔLÊÔNG BÔNAPÁC – ÊTÁCLÊ

Tính chất kiên quyết triệt để trong chiến đấu là một trong những đặc điểm của Napôlêông. Trong Napôlêông là hai con người, một do lý trí thống trị, một do tình cảm thống trị. Không nên để cho người ta tưởng rằng Napôlêông không có một trái tim nhạy cảm như những người khác. Theo Napôlêông thì ông ta cũng là người có một tấm lòng khá tốt. Nhưng ngay từ thời niên thiếu, Napôlêông đã cố gắng làm cho sợi dây tình cảm ấy trở thành câm lặng và hiện nay thì nó chẳng còn rung lên được một tiếng nào nữa, trong những phút thành khẩn rất hiếm có, Napôlêông đã nói như vậy với Rôđrê, một trong những người được Napôlêông ưa mến.

Khi phải tiêu diệt mọi kẻ thù dám táo bạo ngang nhiên khai chiến với Napôlêông thì sẽ không bao giờ, tuyệt không bao giờ sợi dây đó còn rung động hoặc bắt đầu rung động ở trong con người Napôlêông.

Ngày 13 Tháng Hái nho đã giữ một vai trò to lớn trong thiên anh hùng ca của Napôlêông.

Tầm quan trọng lịch sử của việc đè bẹp cuộc phiến loạn Tháng Hái nho là ở chỗ:

– Hy vọng của bọn bảo hoàng đặt vào một cuộc thắng lợi sắp tới và việc dòng họ Buốcbông quay trở lại đã vấp phải một thất bại mới, nặng nề hơn cả thất bại ở Quybrông.

– Những tầng lớp trên của giai cấp tư sản thành thị đã tự nhận thấy là đã quá vội vã trong việc trực tiếp cướp lấy chính quyền bằng vũ lực. Ngoài ra, chúng đã quên mất rằng còn có những thành phần trong giai cấp tư sản thành thị và nông thôn đứng về phía nền cộng hòa và vẫn lấy làm lo ngại trước sự bành trướng quá nhanh chóng và quá trơ tráo của bọn phản động. Tên Rítseđơ Xêriđi cầm đầu bọn nổi loạn đó là ai? Một tên bảo hoàng. Vậy thì người ta nhìn thấy rõ được rằng những người nông dân có đất, nghĩa là cái khối giai cấp tiểu tư sản to lớn ở nông thôn, đã nhìn cuộc bạo động đó bằng con mắt nào? Họ đã coi việc trung hưng dòng họ Buốcbông là sự sống lại của chế độ phong kiến, cái chế độ sẽ tước lại của họ những mảnh đất vừa mới mua được trong số đất đai tịch thu được của bọn quý tộc xuất dương và trong những tài sản tịch biên của Giáo hội.

– Cuối cùng, chứng minh một lần nữa rằng tính tư tưởng của những chiến dịch chống lại sự trung hưng đã tác động một cách đặc biệt mạnh mẽ vào quân đội và đông đảo quần chúng binh sĩ, những người mà người ta có thể hoàn toàn tin cậy trong cuộc đấu tranh chống tất cả những lực lượng trực tiếp hoặc gián tiếp, toàn bộ hay cục bộ câu kết với dòng họ Buốcbông.

Đó là ý nghĩa lịch sử của ngày 13 Tháng Hái nho.

Còn đối với bản thân Bônapác thì ngày 13 Tháng Hái nho đã làm cho người ta lần đầu tiên biết đến tên tuổi của Bônapác, không những chỉ trong các giới quân sự (từ hồi Tulông, Bônapác đã có phần nào nổi danh rồi), mà còn trong mọi tầng lớp xã hội, ngay cả ở những nơi từ trước tới nay chưa bao giờ người ta nghe nói đến Bônapác. Bônapác từ nay được coi như một người rất tài giỏi, rất quyền biến, đầy cương nghị và quyết tâm. Những nhà chính trị cướp được chính quyền từ những ngày đầu của Viện Đốc chính(1) (nghĩa là từ năm thứ IV Tháng Hái nho), trước hết là Bara, đều rất hâm mộ viên tướng trẻ ấy. Lúc đó, họ cho rằng trong tương lai, nếu còn phải dùng đến lực lượng quân đội để chống lại các cuộc khởi nghĩa của quần chúng, người ta vẫn có thể trông cậy vào Bônapác.

Leave a comment