NAPÔLÊÔNG BÔNAPÁC – ÊTÁCLÊ

III

Lêôben là một thành phố thuộc tỉnh Xtiri nước Áo, cách Viên chừng 250 kilômét. Để bảo đảm quyền chiếm cứ đúng như thủ tục và vĩnh viễn tất cả những gì mà Bônapác đã chinh phục được và còn muốn chinh phục thêm ở miền nam và hơn nữa, muốn dẫn người Áo đến chỗ bằng lòng cùng chịu đựng những hy sinh nặng nề trên chiến trường Tây Đức, nơi mà quân Pháp đang gặp nhiều khó khăn, thì dù sao cũng cần thiết phải bù lại chút ít cho nước Áo. Tuy tiền quân của Bônapác đã tiến đến Lêôben, nhưng Bônapác cũng biết rằng nếu cứ đánh dồn Áo đến thế cùng, Áo có thể sẽ chống lại một cách điên cuồng và cũng đã đến lúc cần phải giải quyết cho xong việc nước Áo. Nhưng lấy ở đâu để bù lại cho Áo? Ở Vơnidơ. Sự thật là nước Cộng hòa Vơnidơ giữ thái độ hoàn toàn trung lập và làm mọi cách để tránh khỏi bị xâm chiếm nhưng trong những trường hợp như vậy, không bao giờ Bônapác bị một chút lúng túng. Chộp được bất cứ cớ nào, Bônapác đã phái sang Vênixi một sư đoàn. Trước khi làm việc này, Bônapác đã ký hiệp ước đình chiến Lêôben với nước Áo theo những điều kiện sau đây: Áo nhường cho Pháp tả ngạn sông Ranh và tất cả những đất đai của họ trên đất Ý mà Bônapác đã chiếm được; để bù lại, Pháp hứa đổi cho Áo xứ Vênêxi.

Thực tế Bônapác đã quyết định chia cắt Vơnidơ. Phần thành phố trên bãi biển sẽ thuộc về nước Áo, còn phần đất đai của Vơnidơ trên đất liền sẽ thuộc về nước “Cộng hòa bên kia dãy núi Anpơ” mà Bônapác quyết định sẽ thành lập cùng với toàn bộ đất đai của Ý mà Bônapác đã chinh phục được. Đương nhiên trên thực tế nước “Cộng hòa mới này” có gì khác hơn là một vùng đất đai mới của Pháp. Chỉ còn có một nghi thức nhỏ nữa là báo cho thủ tướng, cho Thượng nghị viện nước Cộng hòa Vơnidơ biết rằng quốc gia của họ, độc lập từ ngày khai quốc, vì tướng Bônapác muốn như vậy để những kế hoạch ngoại giao của ông ta được thành công tốt đẹp. Đối với ngay cả chính phủ Pháp, Bônapác cũng chỉ báo cáo cho biết sau khi đã bắt tay vào thực hiện mưu đồ đó. Bônapác viết cho thủ tướng nước Cộng hòa Vơnidơ đang cầu xin tha tội: “Ông tưởng rằng những binh đoàn Pháp ở Ý sẽ tha thứ cho ông cái tội tàn sát mà ông đã gây nên chăng? Máu của các bạn chiến đấu của chúng tôi sẽ được trả thù”.

Những lời nói xa xôi ấy liên quan đến việc một viên đại uý Pháp đã bị giết ở vịnh Liđô. Nhưng cũng chẳng cần viện đến bất cứ một cớ nào vì tất cả đều rõ ràng. Bônapác đã ra lệnh cho tướng Baragây Đinliê đánh chiếm Vơnidơ. Đến tháng 6 năm 1797, mọi việc đều xong xuôi; sau 13 thế kỷ lịch sử độc lập và có biết bao nhiêu sự kiện phong phú, nước Cộng hòa buôn bán này đã không còn nữa.

Món chiến lợi phẩm béo bở để chia nhau – món duy nhất mà Bônapác còn thiếu để có thể ký với người Áo một hòa ước tối hậu và có lợi – đã rơi vào tay Bônapác như vậy đó. Nhưng việc đánh chiếm Vênixi lại giúp cho Bônapác một việc khác, hoàn toàn bất ngờ.

Vào một buổi tối tháng 5 năm 1797, một người đưa thư đã mang đến bản doanh của Tổng chỉ huy quân đội Pháp, tưởng Bônapác đang ở Milan, một tin khẩn của tướng Bécnađốt, cấp dưới của Bônapác, báo rằng y vừa chiếm được Tơriét. Vấn đề là ở chỗ đã lấy được một cái cặp trong tay một hầu tước Ăngtơregơ nào đó, một tên bảo hoàng và tay sai của bọn Buốcbông. Để trốn quân Pháp, Ăngtơregơ đã từ Vơnidơ đến Tơriét, nhưng Bécnađốt đã vào thành phố rồi và đã bắt được y. Chiếc cặp ấy chứa nhiều tài liệu lạ lùng. Để có thể hiểu hết lợi hại của việc bắt được chiếc cặp ấy, cần nhắc qua sự việc đang xảy ra ở Pari hồi đó.

Giới tài chủ lớn, tư bản thương nghiệp và quý tộc địa chủ – hay có thể gọi được là cái “chất nuôi dưỡng” cuộc bạo động. Tháng Hái nho năm 1795 – chưa hề bị tiêu diệt và lại càng không hề bị đại bác của Bônapác tiêu diệt. Đại bác của Bônapác chỉ tiêu diệt được bộ tham mưu của chúng, những phần tử cầm đầu các khu vực đã sát cánh với những tên bảo hoàng tích cực trong ngày hôm đó. Nhưng còn bộ phận trên đây của giai cấp tư sản, ngay cả sau Tháng Hái nho, vẫn không ngừng ngấm ngầm chống lại Viện Đốc chính.

Leave a comment