BÁ TƯỚC MÔNG TƠ CRIXTÔ – ALEXANĐRƠ ĐUY MA

Chương 28: CUỐN SỔ NHÀ TÙ

Ngày hôm sau, trên đường đi Bôkê, người ta thấy một người đàn ông trạc ngoài ba mươi tuổi, mặc chiếc áo đuôi tôm màu lơ, một chiếc quần bằng lụa Trung Quốc, một áo gilê trắng, giọng nói lơ lớ tiếng Anh, đến ra mắt viên thị trưởng thành phố Mácxây.

– Thưa ngài thị trưởng, tôi là người đại diện của hãng Tômxơn và Fren ở Rôma. Từ mười năm nay hãng chúng tôi giao dịch với công ty Moren ở Mácxây. Vừa qua chúng tôi nghe tin công ty này sắp bị phá sản. Điều đó làm chúng tôi rất lo lắng. Vậy xin ngài cho chúng tôi được biết tình hình công ty Moren hiện nay bởi công ty còn giữ của chúng tôi mười vạn frăng.

– Vâng, tôi biết rõ là trong vòng dăm năm nay ông Moren đã gặp rủi ro dồn dập. Ông ta bị đắm luôn năm chiếc tàu và ba bốn lần suýt bị phá sản. Về đạo đức của ông ta, với danh nghĩa thị trưởng, tôi có thể cam đoan với ông, ông ta là một người thật thà, đứng đắn và đáng tin cậy. Còn về tiền nong thì phải hỏi ông Đơ Bôvin, thanh tra các nhà tù. Nghe đâu ông ấy có mua nhiều cổ phần của công ty Moren nên nhất định biết rõ công việc làm ăn của công ty đó.

Người Anh ngỏ lời cám ơn, chào viên thị trưởng và gặp ông Bôvin, thanh tra nhà tù, theo lời giới thiệu của ông thị trưởng. Viên thanh tra đang ngồi ở bàn giấy. Lúc nom thấy ông ta, người Anh có vẻ giật mình như không phải lần đầu tiên gặp ông. Song với vẻ thản nhiên thường có theo bản tính, người Anh đặt vấn đề với ông Bôvin như đã làm với ông thị trưởng.

Ông Bôvin nói:

– Chao ôi! Những lo âu của ngài không phải là vô căn cứ. Bản thân tôi cũng đang thất vọng. Tôi mua hai trăm nghìn frăng cổ phiếu của công ty Moren, một nửa đến ngày 15 tháng này thì được hoàn lại, còn một nửa sang tháng sau. Nhưng vừa đây ông Moren báo cho tôi biết nếu ngày 15 này tàu Pharaôn không trở về Mácxây thì ông ta không thể thanh toán với tôi được. Như thế có nghĩa là ông ta phá sản, còn tôi thì sẽ mất sạch gia tài.

Người Anh có vẻ suy nghĩ một lát rồi nói:

– Ngài lo sợ ư?

– Tôi thì coi như đã mất rồi.

– Nếu vậy tôi sẽ mua lại.

– Ngài mua lại! Chắc với điều kiện là với giá hạ?

– Không đâu – Người Anh mỉm cười đáp: Công ty chúng tôi không làm việc ấy. Hai trăm nghìn là hai trăm nghìn.

– Ngài trả tiền nào?

– Bằng tiền mặt ngay lập tức.

Nói xong, người Anh rút trong túi ra một tập giấy bạc có thể là nhiều gấp đôi số tiền cần cho ông Bôvin. Bộ mặt của viên thanh tra rạng rỡ hẳn lên, nhưng ông ta cố trấn tĩnh lại và nói:

– Thưa ngài, nhưng tôi cần phải báo trước để ngài biết rằng chỉ có năm phần trăm may rủi là thu lại được số tiền đó.

– Điều đó không can gì đến tôi. Tôi chỉ cần biết rằng hãng Tômxơn và Fren chúng tôi được cái lợi là làm phá sản được một hãng đối địch. Còn tôi, tôi muốn xin ngài một cái lợi khác: món hoa hồng.

– Vâng thưa ngài, như vậy là hợp lý quá rồi! Thông thường là 1,5 phần trăm nhưng ngài yêu cầu hai hay ba? Hay hơn nữa xin ngài cứ nói.

– Thưa ông – Người Anh mỉm cười nói – Tôi cũng như hãng của chúng tôi không làm cái việc đó. Khoản hoa hồng của tôi tính bằng cách khác.

– Xin ngài cứ nói, tôi sẵn sàng nghe.

– Ngài là thanh tra các nhà tù có phải không?

– Từ mười bốn năm nay.

– Ngài giữ các sổ giam tù nhân?

– Vâng, và cả những hồ sơ của từng tù nhân nữa.

– Ngày trước, lúc ở Rôma tôi có một ông thầy học là linh mục bỗng nhiên bị mất tích. Sau này tôi được biết ông ta đã bị bắt và bị giam ở lâu đài Íp, tôi muốn biết một số chi tiết về ông ấy.

– Ông ấy tên là gì?

– Linh mục Faria.

– À, tôi biết rõ lắm, ông ấy bị điên.

– Người ta nói thế! – Người Anh thản nhiên nói.

– Ồ chắc chắn là thế mà! Ông Bôvin kêu lên.

– Cũng có thể. Nhưng điên như thế nào?

– Ông ta quả quyết là ông ta biết chỗ chôn cất một kho tàng rất lớn và hứa tặng cho chính phủ những món tiền điên rồ nếu thả ông ấy ra.

– Tội nghiệp ông ấy! Ông ấy chết rồi phải không?

Leave a comment