TÂY DU KÍ (Trọn bộ Ba tập) TẬP I – NGÔ THỪA ÂN

*

*    *

“Tây du ký” là đỉnh cao nhất của chủ nghĩa lãng mạn tích cực trong sự phát triển của tiểu thuyết cổ điển nước ta; là một trang chói lọi trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc. Truyện ấy đã mở ra phong trào về tiểu thuyết thần thoại của một thời đại, có rất nhiều ảnh hưởng đối với tiểu thuyết thần ma sau này. Sau khi “Tây du ký” ra đời, khá nhiều người bắt đầu coi trọng việc thu thập và chỉnh lý những truyện thần quái ở dân gian. Lại xuất hiện ra nhiều “Tây du ký”, tục thư, nhưng những quyển ấy đều còn kém xa mức của “Tây du ký”, cái đó sẽ bàn ở trong sách sau.

Truyện “Tây du ký” lưu truyền rộng rãi ở dân gian, có ảnh hưởng rất sâu xa. Nhân dân rất thuộc và rất yêu truyện và người trong “Tây du ký”, cơ hồ nhà này nhà khác đều hay, người trẻ người già đều biết. Đặc biệt là hình tượng Tôn Ngộ Không có ảnh hưởng tốt và tác dụng tích cực đối với tinh thần nhân dân.

“Tây du ký” cũng ảnh hưởng đến những hình thức văn nghệ khác. Đặc biệt là hý kịch, đã lấy từng đoạn trong “Tây du ký” ra viết thành bản. Nhiều gánh tuồng địa phương và tạp hý dân gian (múa rối chiếu bóng.v.v…) đến nay vẫn giữ những tiết mục truyền lại về “Tây du ký”. Kinh kịch “Náo thiên cung” không những là một tiết mục được nhân dân nước ta yêu thích, mà còn được nhân dân thế giới nhiệt tình hoan nghênh.

  1. Phê phán về nghiên cứu “Tây du ký”

“Tây du ký” là một bộ tiểu thuyết thần thoại trường thiên tích cực mà lại có ý nghĩa hiện thực dồi dào, từ lâu đến nay đã có tác động tích cực trong nhân dân. Nhân dân yêu thích nó lắm; bọn văn sĩ phản động của giai cấp thống trị phong kiến và giai cấp tư sản thì ghét sợ nó, tìm đủ trăm cách dìm thấp ý nghĩa của nó. Có người lại có ác tâm bẻ cong queo nó ra. Trước có bọn Ngộ Nhất Tử, Ngộ Nguyên Tử đã dìm thấp nó, bảo là chủ ý của nó là tuyên truyền cho tư tưởng phật giáo. Ngày nay lại có Hồ Thích đã thả sức càn rỡ xuyên tạc nó.

Hồ Thích cho rằng dân tộc ta là một “dân tộc không giàu sức tưởng tượng”; văn học cổ điển của Trung Quốc “rất thiếu sức tưởng tượng”; vì thế hắn dám quả quyết rằng “văn học lãng mạn của Trung Quốc là con đẻ của văn học Ấn Độ”. Hắn nói: “Ta vẫn ngờ con khỉ thần thông quảng đại ấy không phải là nội hóa mà chính là một thứ hàng ở Ấn Độ nhập cảng vào” (Tây du ký khảo chứng).

Dân tộc chúng ta là một dân tộc vĩ đại, là một dân tộc giàu lý tưởng và ảo tưởng. Con khỉ Tôn Ngộ Không là do nhân dân nước ta dùng trí tuệ và lý tưởng của chính mình, thông qua hình thức ảo tưởng mà sáng tạo ra. Ở trong thần thoại thời cổ xưa của chúng ta, đã có những hình tượng đầy sức phản kháng như Cung Công và Hình Thiên; cũng đã có truyện thần thoại như hòn đá vỡ mà sinh ra con ông Vũ là Khải, giống như truyện Tôn Ngộ Không ra đời. Về hình tượng con khỉ, ở trong lĩnh vực văn học nước ta, cũng đã có từ trước. Lời chú của Vi Chiêu trong “Lỗ ngữ” nói: “Con quỉ có một chân, người Việt gọi nó là con “sơn tiêu”. Nó mặt người, thân khỉ, nói được”. Điều “Lý thang” ở quyển thứ 467 bộ “Thái bình quảng ký” chép: Vua Vũ giận, triệu tập bách lính… bèn được thủy thần ở sông Hoài, sông Qua tên là Vô Chi Kỳ ứng đối giỏi biết phân biệt chỗ nông chỗ sâu của sông Giang, sông Hoài, nơi gần nơi xa của đồng bằng, đất thấp, hình nó như một con vượn…”. Trong tạp kịch “Tây du ký” của Ngô Xương Linh thời Nguyên có câu: “Vô Chi Kỳ là chị em Tôn Ngộ Không”. Truyền kỳ thời Đường có truyện “Bổ Giang tổng bạch viên” kể việc con yêu vượn trắng. Trong truyện “Trần tuấn kiểm Mãi Lĩnh thất thê ký” ở Tống, Nguyên thoại bản cũng nói đến truyện con khỉ. Do đấy đủ thấy Tôn Ngộ Không coi như hình tượng con khỉ thần không phải là trường hợp xuất hiện lần thứ nhất, càng không phải là ngẫu nhiên. Nhất là tinh thần chống đối và chí công vô tư của Tôn Ngộ Không lại hoàn toàn là phẩm chất của nhân dân lao động ta vốn sẵn có…

Leave a comment