TÂY DU KÍ (Ba tập) TẬP III – NGÔ THỪA ÂN

Hành Giả cười to nói:

– Chú ngốc lại càng béo bở, sư phụ chiếu cố cho chú dắt ngựa đấy.

Tam Tạng nói:

– Con khỉ cứ nói nhảm! Xưa có câu: “Ngựa đi nghìn dặm, không có người không thể tự đi được”. Giả như ta có đi chậm, chúng con có thể bỏ ta mà đi được không? Ta đi chậm, chúng con cũng đi chậm, mọi người cùng cô gái đó đi ra khỏi rừng, đến nơi am quán chùa chiền, hoặc nhà người nào đó, sẽ để cô ta ở lại đấy, như thế cũng là chúng mình đã cứu được người ta.

Hành Giả nói:

– Sư phụ nói chí lý, xin mời người đi cho!

Tam Tạng đi lên trước, Sa Tăng quẩy gánh, Bát Giới dắt ngựa không, dẫn người con gái, Hành Giả cầm gậy sắt cùng đi. Đi được hai ba mươi dặm, trời đã chiều, lại thấy một tòa lâu đài, điện các.

Tam Tạng nói:

– Đồ đệ, đằng kia hẳn là am quán tự viện, hãy đến đấy xin ngủ trọ, sáng mai đi sớm.

Hành Giả nói:

– Sư phụ nói phải đấy, mọi người đi nhanh lên!

Lát sau đã đến ngoài cửa, Tam Tạng dặn dò bảo:

– Mọi người đứng ra cả ngoài xa, mình ta đến trước hỏi trọ, nếu được, sẽ cho người gọi cả vào.

Mọi người đều đứng cả ở dưới bóng cây liễu, duy có Hành Giả cầm gậy sắt, đứng sát người con gái.

Trưởng lão rảo bước đến gần thì thấy ngoài cửa đổ xiêu đổ vẹo, mỗi nơi một mảnh; mở cửa nhòm vào, thấy quang cảnh rất thê thảm không nỡ nhìn, nhà phòng vắng vẻ, chùa điện tiêu điều, rêu mọc đầy sân, cỏ lan mặt đất, như đèn đom đóm lập lờ, ếch kêu thay giọt đồng hồ điểm canh. Trưởng lão ngậm ngùi, hai hàng lệ nhỏ. Trông thấy cảnh:

Điện miếu điêu linh đổ nát, nhà phòng vắng vẻ xẹo xiêu, ngói tan gạch vỡ chất từng mô, cột đổ giường nghiêng xếp lắm chỗ. Sau trước cỏ lan mặt đất, bụi trùm nồi chảo gỉ han. Lầu chuông đổ sụp trống không bưng, đèn nến pha lê vỡ nát. Kim thân Phật tổ hết màu; La Hán đổ ngã ngổn ngang. Quan Âm lấm bùn be bét. Bình dương liễu lăn ra đất, suốt ngày không một bóng sư. Cáo thỏ đêm đêm lẩn lút, chỉ nghe tiếng gió thét vi vu. Bốn bề tường vách đổ xiêu, đều là chỗ ẩn thân hổ báo.

Có thơ làm chứng. Thơ rằng:

Lâu năm chùa cổ chẳng ai tu,

Xơ xác, điêu tàn đã mấy thu?

Lở mặt Già Lam làn gió lạnh

Vỡ đầu Phật tổ trận mưa to.

Kim Cương đổ sụp mưa dầm dãi,

Thổ Địa ngồi trơ tối mịt mù.

Ngó tới hai bên càng thiểu não;

Chuông đồng chụp đất gác nơi mô?

Tam Tạng đánh bạo tiến vào từng cửa thứ hai, nhìn thấy lầu chuông gác trống đổ nát, chỉ có một quả chuông đồng, nằm lăn ra đất, nửa bên trên trắng tinh như tuyết, nửa bên dưới xám ngắt như chì. Số là để năm dầu tháng dãi, nửa bên trên bị nước mưa dầm trắng bệch, nửa bên dưới bị khí đất xông lên đồng han gỉ xanh. Tam Tạng lấy tay sờ vào chuông, kêu to lên:

– Chuông ơi!

Mi: đã từng kêu ở trên lầu cao, đã từng kêu ở trên giường vẽ, đã từng báo sáng lúc gà kêu, đã từng buổi chiều giục trời tối. Không biết kẻ đạo sĩ hóa đồng đi nơi đâu? Người thợ đúc đồng cũng chẳng thấy? Có lẽ cả hai về địa phủ, họ không tung tích, chủ thành câm!

Leave a comment