NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

*

* *

Việc gì cũng vậy, đánh đau thì phải chừa. Cho nên chẳng mấy chốc, bà kêu cuống quýt:

– Vâng! Vâng! Tôi lạy cậu! Tôi xin đi.

Ngài hung hăng, lôi phắt vợ dậy, hầm hầm nhìn.

Bà ngồi lả, chống tay đằng sau, đầu tóc rũ rượi, thở.

– Nếu mày định đi thật, thì đi mà lau mặt.

Sợ quá, bà chắp hai tay, vái cuống queo:

– Vâng, vâng, tôi xin đi.

– Đi ngay!

– Vâng, vâng! Tôi lạy cậu.

Nói xong, bà lê đến ngồi ở ghế.

Ngài chạy ra hiên, chạy lấy chiếc khăn mặt, đưa vợ:

– Đây, lau mặt đi! Áo quần, phấn sáp có sẵn cả rồi, còn khó khăn gì nữa.

Đoạn ngài vớ cái bọc, cởi dây, mở giấy ra trước mặt bà và nói:

– Không biết tao hết hơi nói với người ta mới cho mượn những thứ này à? Mau, chậm rồi.

Bà khóc sướt mướt, cầm cái lược, giũ mái tóc ra và vừa xuýt xoa, vừa chải. Ngài vẫn còn hung hăng:

– Rẽ như lối chị Tham ấy.

Giật nẩy mình, bà vội chải, vội rẽ, vội uốn éo cho làn tóc lật lên, cong xuống cho thật nền, rồi vừa lau nước mắt, bà vừa lấy các thứ ở bọc để xoa phấn trắng, đánh phấn hồng, và kẻ môi son cho thắm.

Trong khi ấy, ngài đứng coi, mỗi chốc lại giở đồng hồ ra xem và giục.

Trang điểm xong, bà thở dài, cố gượng đau để đứng dậy, lấy cái quần sa tanh trắng và cái áo nhung màu may kiểu mới vẫn còn gấp gọn ghẽ trên bàn. Bà vận những thứ ấy vào, rồi bôi đẫm nước hoa.

Đến bây giờ, dưới ánh đèn điện sáng trắng, bà thành ra một bông hồng nõn nà, thơm tho, khêu gợi.

Nhưng vẫn trừng trừng nhìn vợ, ngài gắt:

– Tươi tỉnh lên thì người ta mới cảm, chứ khó đăm đăm thế kia, thì nó tống cổ về!

Rồi ngài xuống gác. Bà đi theo. Ngài gói ít nhật trình cũ, buộc dây cẩn thận, rồi đưa bà.

– Cầm cái này mà đi cho người ta khỏi ngờ.

Và vẫn nghiêm chỉnh, ngài đe:

– Hễ nói dối tao mà trốn vào đâu thì đừng ăn cái Tết này thôi!

Bà nghiến răng, thở dài, không đáp.

Ngài nhiếc:

– Cái giống đàn bà xưa nay vẫn thế kia! Lúc đến thì đừng có lù lù đằng cổng trước, nghe chưa? Mà khi nào ông ấy cho về mới được về. Tao mà thấy ông ấy tỏ ý không bằng lòng thì chớ chết!

Nước mắt chạy quanh, bà bước chân ra gần đến cửa, quay lại, rít lên, nói:

– Thiếu gì cách lễ Tết mà cậu phải làm tôi nhục nhã như thế này!

Ngài trợn mắt:

– Câm ngay! Làm gì mà bô bô cái mồm lên thế. Đồ ngu như lợn. Cái gì thì mua được, chứ cái này mua được à?

Rồi ngài đứng nhìn chiếc xe kéo vợ đi khuất, mới quay lại, ra dáng yên lòng. Ngài yên lòng vì không phải thẹn với lương tâm mà chắc chắn rằng sẽ được ông ấy khen là biết ơn và tử tế.

1936

<!–nextpage–>

ĐƯỢC CHUYẾN KHÁCH

Vì nghĩ đến buổi khách ngày chợ phiên, nên từ trưa đến bây giờ, tự nhiên anh Tiêu như thấy nhẹ nhõm hẳn một nửa người.

Anh ngồi dậy, nhưng mình mẩy ê ẩm, anh vươn vai, duỗi khục hai tay, rồi nhẩy từ trên phản xuống đất. Anh đứng yên một lát cho đỡ chóng mặt, rồi lấy năm đầu ngón tay vuốt lại mái tóc. Nhìn cái điếu, anh định dặt một mồi, hút thử xem còn ho không. Nhưng hình như anh chưa thèm thuốc lắm. Anh biết thế là anh chưa khỏi thực.

Anh Tiêu ra cửa, đứng. Thấy người qua lại đông đúc, anh phấn khởi, quên cả váng vất.

Đã bốn hôm nay, anh nghỉ xe, vì lúc nào anh cũng hầm hập sốt.

Trước kia, mỗi khi bị nóng mình nóng mẩy, anh cho là thường. Anh không hề chịu nằm rên hoặc uống thuốc. Trong nghề anh, anh đã tìm ra được một môn thuốc rất thần hiệu. Lúc nào người anh cũng gây gấy, thì không kỳ quản đắt rẻ, anh cố kéo lấy một chuyến khách, chạy một mạch rõ nhanh, cho ra mồ hôi. Tự khắc cơn sốt nó rơi ở đường lúc nào không biết.

Nhưng từ đầu năm nay, sức anh chống chọi lại với các bệnh tật có kém đi. Lắm khi anh phải “hàng” trước một cơn nhức đầu, hay một trận đau bụng.

Hơn mười năm cầm càng xe, anh Tiêu cho rằng như thế anh cũng đã là dai sức. Vì mắt anh từng thấy các bạn không chịu được những nỗi nhọc nhằn của nghề. Có người mới làm được vài hôm, đã phải một trận ốm thừa sống thiếu chết. Có người mới kéo xe được độ ba bốn năm, đành xoay nghề khác nhẹ nhõm hơn. Có người không kiếm đủ ăn, phải chịu bó tay thất nghiệp, và đi ăn cắp, ăn trộm. Có người bị những trận đòn ghê gớm của cai mà thành ra què quặt, mang tật suốt đời. Phải, còn nghề nào vất vả cho bằng nghề kéo xe. Thôi thì đang nắng sém mặt sém mày, bỗng nổi trận mưa rào, rồi mưa vừa tạnh, mặt trời đã lại chiếu ngay xuống, nóng như lửa.

Như vậy, lưng đang nhễ nhại mồ hôi, thì bị ngay ướt những nước lạnh. Rồi vụt lại đẫm những mồ hôi. Thế mà anh vẫn phải cắm cổ, gò lưng mà chạy, hai chân đặt lên đường nhựa bỏng như đốt. Song, nào đã hết. Buổi tối, anh còn phải phơi sương, có khi phanh bụng ra, ngủ gật suốt đêm. Một người không khỏe như anh, mà làm việc thế, lại không được ăn đủ, ngủ đủ, thì còn gì là đời. Thế mà cứ sống như vậy, anh kéo dài cho được mười năm, kể cũng đã là tay anh hùng.

Nhưng ít lâu nay, sức anh suy kém lắm. Có hôm, anh phải bán lại xe cho người khác trong nửa buổi, để về nhà nằm nghỉ cho qua lúc khó ở trong mình. Và lần này, anh phải nằm bệt mất bốn hôm. Vì anh không thể gượng được với thần sốt ác nghiệt nữa. Mà nào chỉ có một bệnh sốt? Anh còn ho, ho như rút ruột rút gan, ho đến nỗi hàng xóm nghe thấy cũng phải sợ.

Nhưng hôm nay, anh đã nhóc nhách ngồi dậy được. Và khi biết rằng chiều nay có cuộc chợ phiên to trên Bách thú, tự nhiên anh Tiêu thấy nhẹ nhõm hẳn người.

Một tối hôm nay, kiếm bằng ba bốn ngày thường. Vả lại, toàn khách lắm tiền, bước lên xe không thèm mặc cả, cốt để diện với gái, hơn là ra dáng ta có từ tâm. Thì anh bỏ sao được dịp kiếm ăn dễ dãi và không vất vả này. Anh cũng tính bắt đầu từ ngày kia mới lại đi làm cho sức thực khỏe đã. Nhưng buổi làm tối nay và tối mai, cũng chẳng qua như buổi đi bách bộ trong sân, có gì là khác. Vả có nghị định cấm đi xe đôi, thì hẳn anh không phải kéo nặng nhọc như trước.

Chừng hơn ba giờ, anh rảo bước, đến hiệu xe. Đầu anh vẫn còn hơi váng vất, anh lao đao như người mới ở thuyền lên bộ. Song, anh không nản lòng. Chắc rằng người qua lại tấp nập làm loạn mắt, nên anh thấy thế.

Leave a comment