NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Các ngài đừng tưởng rằng ông cụ quen chào lối tây nên mới bắt tay đâu. Đến phải nhăn bộ răng ra cười còn là sự bất đắc dĩ nữa là. Nay sở dĩ ông cụ phải bắt tay, là vì phải tiếp khách theo lối lịch sự của những người mà con mình có nhờ vả.

– Cụ cũng không yếu lắm nhỉ. Sao mà cậu Tư Bền không nhận lời cho tôi?

Ông cụ hất hàm, có ý hỏi.

– Tôi sắp cho tập vở hát mới, định nhờ cậu ấy sắm vai chính.

Ông cụ lại nhăn răng ra cười và gật. Nhưng anh Tư Bền nói ngay với cha:

– Ông mệt lắm, con phải ở nhà.

Ông cụ cau mặt. Cái cau mặt chỉ có anh Tư Bền là hiểu. Bởi vì ông cụ chẳng muốn vì mình mà con làm trái lòng người chủ nợ. Ông chủ dỗ dành, nói:

– Cậu cứ cố giúp tôi đi. Cậu mà nhận lời, thì món tiền ấy cậu để đến bao giờ cũng được. Còn tiền hỏa hồng khi diễn tấn “Ông huyện ba phải” này, cậu cứ lấy cả để thuốc thang cho ông cụ.

Cái sức làm cho anh kép Tư Bền có thể nghĩ đến sự bỏ cha ốm một mình là ở câu nói ấy. Mà cha anh cũng vì câu nói ấy mà nở nang cả lồng xương ngực. Ông cụ cố thở mạnh mấy cái cho khoan khoái trong lòng.

– Cậu nghĩ sao?

– Nhưng nửa tháng trời! Ai trông nom cho cha tôi?

– À, thôi, thế này thì cậu bằng lòng nhé. Cậu cứ ở nhà mà học vở. Đến hôm diễn thử lần cuối, cậu hãy đến rạp cũng được, vì tôi biết cậu thông minh và có tài hơn kép khác. Tội chi, có dịp trổ tài, vả lại để cho thiên hạ nhớ mong lâu cũng không tiện!

Nghe câu nói sau cùng như được ăn bánh thánh, anh Tư Bền có vẻ nghĩ ngợi. Anh nhìn cha. Ông cụ thấy con còn ngần ngừ, thì lộ ra vẻ không bằng lòng. Cụ nhăn mặt, cố cất lên cái tiếng khàn khàn để gắt:

– Nhận lời đi!

Nói xong, lại ho xù xụ.

Anh Tư Bền cảm động, nhìn ông chủ rạp Kịch trường và trả lời:

– Vâng!

Ông chủ vì chờ cái tiếng vâng này mất nhiều công quá, nên sợ nó không được chắc chắn, lỡ đến hôm diễn, cha anh Tư Bền có làm sao, rồi anh cứ vắng mặt ở rạp hát thì lỡ bét, bèn bắt anh làm giấy giao kèo cẩn thận.

*

* *

Bà con sính xem hát, hôm đó thấy ô tô quảng cáo chạy rông khắp phố để thả chương trình và vải căng ở các ngã tư, đều nô nức rủ nhau đi xem buổi diễn đặc biệt, có Tư Bền sắm vai chính.

Tối đến, cửa rạp Kịch trường đèn thắp sáng trưng như ban ngày, chiếu rõ cái cảnh người đứng lô nhô như luống hoa trăm hồng ngàn tía, bướm ong chờn vờn. Trên thềm, dưới bậc, giữa đường, non nghìn thiếu niên nam nữ túm tụm lại tìm chỗ để đứng ngắm nhau cho đỡ nóng ruột lúc chờ đợi. Tiếng nhạc hòa trong rạp, du dương trầm bổng, chứa chan biết bao tình tứ ái ân, như câu, như kéo, làm cho ta quên hẳn ta, mà bất giác moi túi lấy tiền mua vé.

Rồi cái làn sóng người dần dà tràn vào trong. Trên các hàng ghế, chỗ nọ họ nhắc lại câu bông lơn của kép Tư Bền, chỗ kia họ bắt chước điệu bộ của kép Tư Bền, mà ai nấy đều nóng ruột sốt lòng, mong cho chóng đến giờ mở màn sân khấu, để được cười, được vỗ tay, được học thêm vài lối pha trò mới, để mai làm nhếch mép người yêu.

Vinh dự thay, anh kép Tư Bền! Nhưng mà khốn nạn thân anh! Người ta có biết đâu rằng hiện giờ này, ở nhà, cha anh đương giở chứng khò khè, chỉ chờ từng phút để thở một cái nữa là hết nợ, mà ở trong buồng trò, anh cũng đương nẫu ruột nhầu gan.

Leave a comment