NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Mày mua về, phải đưa cho tao.

Cô Kim xua tay:

– Không được.

Một cậu bảo:

– Thanh! Mày cứ đưa cho tao.

Rồi nhao nhao mỗi người một điều. Nó chẳng nghe ra sao cả. Mà hễ bước một bước, thì lại bị gọi:

– Thanh! Phải đưa cho tao!

Chờ các cậu, các cô đùa nhau để mất thì giờ của nó, nó lo lắm. Nó đánh liều, quay bước ra đi.

– Thanh!

– Dạ!

– Hãy về tao bảo!

Nó lại phải thủng thẳng trở lại. Cô Minh nói:

– Chờ đấy, tao lấy tiền, mua thêm năm xu nữa. Thế là ổn.

Rồi cô quay lại mọi người:

– Để tôi đóng vai nhà từ thiện, bố thí ô mai cho cả mọi người.

Tiếng vỗ tay, tiếng cười vang động cả đến nhà dãy phố bên kia.

Con Thanh đứng tựa vào tường, chờ cô Minh đưa tiền, ngắm cái cảnh êm đềm, vui vẻ trước mắt nó. Bỗng một tiếng gọi như gắt ở dưới bếp đưa lên:

– Thanh!

Cô Tuyết trợn mắt, xua tay cho mọi người im, và nhìn con Thanh, hất hàm bảo:

– Kìa! Bà gọi gì mày.

– Thanh!

Tiếng gọi như quát. Con Thanh vội vã:

– Dạ!

Trên nhà, các cô các cậu nhìn nhau, sợ hãi.

Cô Ngọc bảo khẽ mọi người:

– Bà cụ đã nổi tam bành cái gì ở dưới kia kìa. Gớm!

Ai nấy yên lặng. Tiếng léo xéo trong sân làm mọi người ngồi trên ghế, nhu mì và trật tự.

Rồi cô Tuyết rón rén dòm vào sân, thì thấy mẹ, cái đuôi gà ở đầu khăn ngỏng ngược lên trời, mặt đỏ nhừ, quệt cái tay áo cánh đẫm những mồ hôi lên trán, tay cầm thanh củi, trỏ vào thạp nước, trợn tròn mắt, rồi phang vào đầu, vào mặt, vào lưng con Thanh túi bụi, để đánh nhịp với những tiếng:

– Lười! Lười! Lười! Lười! Lười! Lười! Lười!…

2 – 7 – 1935

<!–nextpage–>

THẾ CHO NÓ CHỪA

Thế này thì đến phải chừa thật! Khốn nạn! Giá bảo đã ăn cắp năm lần bảy lượt cho cam! Nó thề với tất cả mọi người rằng vì đói quá, nó mới dám liều. Chứ bản thân nó vẫn lương thiện.

Nhưng ai tin nó?

Người ta không muốn nghe kẻ gian cứ nói dối mãi. Nó đành khóc mà lấy trời làm chứng.

Trời xa. Trời mặc kệ nó.

Vả lại, nó bị bắt quả tang ăn cắp. Theo luật, thế là a lê, vào nhà pha!

– Cứ điệu nó lên bóp, bà ạ. Nó kêu oan thì vả vỡ miệng nó ra. Để người ta đưa nó vào xăng- tan, tẩn cho vài trận thành tàng. Thế cho nó chừa.

– Con cắn cỏ cắn rác lạy các ông các bà, con chừa rồi. Đừng bắt con bỏ bóp. Con sợ lắm! Con chết mất! Biết thế, con chết đói còn hơn chết đòn.

Nó òa lên, khóc rất thảm thiết. Một lúc, nó lăn ra đất, kêu gào, lễ la lễ liệt.

Nhưng thế là nó còn non dại, chưa biết gì. Đám người xúm quanh nó lúc ấy toàn là những kẻ thù, chỉ muốn ăn sống nuốt tươi nó.

Hai người cảnh sát xuống xe đạp, rẽ đám người để vào.

Những nét mặt tươi lên. Những mắt long lanh lên. Một vài nụ cười hoan nghênh, tiếp rước hai nhà thừa hành pháp luật.

Nó quay ra. Hy vọng vụt chốc biến mất. Nó suýt ngã. Bất tỉnh.

Bỗng ở trong áo nó rơi ra một tấm bánh. Nó mất kêu oan. Đành mặc người ta túm ngực, lôi xềnh xệch lên sở Cẩm.

Nó nhìn quanh quẩn xem có ai quen không, để mong lấy một sự cứu vớt. Nhưng than ôi, nó sực nhớ ra rằng từ bé, nó chưa biết ai là cha mẹ, anh em cả. Một thân côi cút, bị xã hội đè gí xuống bùn, nó vẫn chỉ lê la đầu đường xó chợ, sống bằng cách tranh cướp chiếc lá bánh, mảnh xương khô với những kẻ cùng cảnh.

Vừa bước qua mấy bậc thềm, nó vào một gian đầy những ông quần áo tây vàng, thắt lưng da ngang mình. Các ông ấy đương ngồi xung quanh một chiếc bàn mộc, cười nói râm ran. Thấy nó vào, các ông nhìn. Từng ấy luồng con mắt rừng rực như muốn thiêu nó ra than.

Nó nóng bừng cả người.

Người cảnh sát dẫn nó, bỏ mũ xuống bàn, thở mạnh một cách khoan khoái, rồi chỉ tay và quát:

– Ngồi vào xó kia, ôn con!

Tức thì, một người khác đi lại chỗ nó, lấy bàn tay khổng lồ úp vào sọ nó, ấn xuống. Mặt nó bị vênh lên.

– Ê! Chà! Ba tuổi ranh đã trộm cắp. Ông cho thì tù!

Những lời dọa nạt thi nhau làm cho nó hoảng.

Dần dần, nó thấy mệt. Mệt quá. Hai mí mắt nặng trĩu. Nó gục mặt vào đầu gối.

Bỗng một chiếc bạt tai thực kêu kéo nó ra khỏi cõi mơ màng. Nó choàng dậy. Thì lại bắt đầu lo sợ. Nó nom ra ngoài đường, ao ước cảnh những người đang kéo xe hoặc bán phở. Nó tưởng tượng được làm con chim kia để bay nhảy một chốc. Thì rồi sau có bị mắc cạm bẫy cũng cam.

Người ta cầm tóc nó, kéo lên. Nó ê ẩm cả một mảng đầu. Lúc nhìn lên, nó thấy một tấm mặt cau có, đen xạm. Nó rùng mình.

Người cảnh sát đến một chiếc bàn con đầy sổ sách, ngoắc ngón tay gọi nó:

– Lại đây, cậu cả!

Nó theo lại, khai tên tuổi. Xong rồi, túi áo, cạp quần nó bị xét kỹ lưỡng. Đoạn người ta dẫn nó xuống nhà giam.

Lúc cánh cửa gỗ đóng lại trước mặt nó, nó còn nghe thấy câu sau cùng.

– Ông cho thì tù!

Chết! Tù thì chết! Biết bao giờ nó lại được tự do? Nó tự trách nó quá dại dột một lúc để làm khổ cả một đời. Ôn lại việc đã qua, nó vẫn không rõ cái sức mạnh nào đã ẩn tay nó giơ ra để cướp tấm bánh đó của bà hàng. Nó chỉ còn nhớ là lúc ấy bụng nó réo, mắt nó hoa. Cho nên nó đã làm như một cái máy.

Nó tưởng tượng nếu người ta thả nó ra, thì suốt đời nó sẽ không quên những phút này. Hình ảnh hai người cảnh sát với cái buồng giam cũng đủ bắt nó tránh rất xa những việc phi pháp. Lấy lại được tự do, nó sẽ hiền lành hơn trước nhiều. Và có lẽ nó qui thiện được nhiều bạn nó nữa.

Nghĩ bao nhiêu, nó lại càng thất vọng bấy nhiêu.

Đến 2 giờ chiều, người ta mở cửa buồng, xích tay nó, đưa ra tòa án. Nó bị dẫn đến trước một ông quan nghiêm khắc.

Leave a comment