NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Đương mỏi mắt về nhìn các đồ nghi vệ, thì khách qua đường lại đinh tai nghe về đội kèn tây thuê tự Hà Nội về. Họ ăn mặc như lính tây mà thổi những bài rất hùng hồn, như muốn giục người hăng hái mà ra trận. Cái linh xa tám người khênh, thong thả đi nối ngay sau phường kèn. Trong linh xa, khói hương trầm bay nghi ngút, giữa có bức truyền thần vẽ sơn, mới xong tối hôm trước, để kịp rước. Bà cụ thì mặc áo gấm và đi giày văn hài. Nào hoa tai, nào hột vàng, nào tráp đồi mồi, nào ống nhổ sứ, ai trông cũng đoán được là nhà giàu. Đi sau linh xa, phường bát âm ta đưa những bài lâm khốc, như than, như khóc, như oán, như hờn, nỉ non, rền rĩ, nghe buồn chảy nước mắt được! Một người khăn trắng, áo trắng, thắt lưng xanh ra ngoài, giơ cái phèng lên mà đánh, để ra hiệu cho bọn khênh cữu. Thỉnh thoảng, để trả lời tiếng phèng rè, một hồi phách nổi lên, lách cách như tiếng nhái kêu. Cái nhà táng thửa mấy hôm trời, thợ cả phố làm suốt ngày thâu đêm mới kịp và mới vừa lòng ông chủ. Vì nghe đâu đắt đến trăm hai! Bốn mươi hai người khênh đòn cữu, khi tiến, khi quành, đều đều tăm tắp. Trong nhà táng, là quan tài, sơn son thếp vàng rất đẹp. Người ta bảo sắm mất những hơn sáu chục. Trong cái phương du đi sau nhà táng, thì họ hàng thân thích, chen lách nhau mà bước từng bước một. Tiếng khóc than kêu gào thảm thiết, ai nghe thấy cũng phải não lòng. Người ta bảo là bọn khóc mướn, nhưng lấy gì làm chứng? Rồi đến hàng nghìn người các cụ, các quan, các ông, các bà, rặt những chỗ thân thuộc đi theo sau. Cuối cùng thì ba bốn chiếc ô tô, sình sịch tiến dần. Và hai ba chục chiếc xe nhà, như nêm khúc đường chật hẹp.

Ta được xem cái đám ma linh đình uy vệ là thế, thì ta nên khen người hiếu chủ đã khéo trả nghĩa mẹ. Mà nhất là nếu trông thấy người ấy, ta lại càng tâm phục cái bụng hiếu thảo, không bến không bờ.

Người ấy mặc đồ sô gai. Chứ còn bụng dạ nào mà nghĩ đến áo quần cho chải chuốt! Đi trước cữu thì giật lùi từng bước. Lúc nào cũng bưng miệng mà khóc, còng lưng xuống mà khóc, đến nỗi phải chống gậy! Vậy mà có đủ vững được đâu? Mấy hôm nay, vì thương mẹ quá thành ra ốm yếu, họ hàng sợ người ấy ngã lăn ra, cho nên phải cử người đi kèm, vừa che ô, vừa ôm chặt lấy ngang lưng cho đỡ khuỵu. Người ta lại sợ hiếu chủ thương mẹ quá mà đập đầu vào quan tài, lỡ chết thì hoài, vì lúc trong bụng bối rối vẫn hay sinh liều, nên phải bện cho cái nùn rơm để chít quanh đầu. Thì dù có đập mạnh đến đâu, cũng không đến nỗi vỡ sọ.

Người con dâu trông mới lại đáng ái ngại nữa chứ! Khốn nạn, mấy hôm nay, người này kêu khản cả tiếng, khóc hết cả hơi. Mà ông trời độc địa, cứ khăng khăng bắt bà cụ, hơn một ngày không ở, kém một ngày không đi, để bây giờ dâu con không có mẹ mà hầu hạ! Lắm lúc lại như thù giận lũ phi nhân đạo, họ cứ nhẫn tâm khênh cữu đi, thì nàng dâu lại nằm lăn ra đường mà chắn lối, rồi lại kêu gào rầm rầm. Lúc hạ huyệt mới càng thương tâm. Áo quan chưa ngắm đúng hướng, người ấy đã nhảy đánh tụp xuống mà nằm thẳng cẳng ra, ôm chặt lấy mà hờ, mà khóc. Rồi quá lắm, đến nỗi ngất đi. Nếu bốn năm người không lôi dậy và không tốt khuyên, thì có lẽ người ấy còn muốn sống làm gì! Thà đi theo mẹ còn hơn chịu bơ vơ như chim mất tổ!

Não lòng thay! Bà cụ ở dưới suối vàng, có thiêng chăng tá? Giá bà cụ biết rằng mình được con nó báo hiếu, làm đám ma long trọng dường này, thì hẳn cũng ngậm cười. Mà nhất là giá bà cụ lại trông thấy trước rằng con trai và con dâu mình nó thương mình quá thế, thì chắc lúc “thụ bệnh”, cũng chẳng đành tâm mà nhắm mắt!

31- 3- 1933

Leave a comment