NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Tôi không còn tiền nữa bác ạ! Tôi chỉ có năm nghìn, bỏ vào tòa báo bốn nghìn, còn ngót nghìn ăn tiêu xa xỉ từ ngày lên Hà Nội tới nay, cũng chả còn mấy…

– Bác về xin bà cụ, thiếu gì!

– Cụ tôi không có đâu!

– Thế thì đi vay vậy. Đã đâm lao thì phải theo lao, chứ chịu để dở chừng à! Bác thì hỏi đâu chả được dăm nghìn? Chả có thì về mượn văn tự nhà, văn tự ruộng của ông Ấm cũng được.

Tôi ngẫm nghĩ. Đêm hôm ấy về, rớt nước mắt.

*

* *

Từ đầu tháng sau, chức phó chủ nhiệm bãi đi, vì ông Chánh chủ nhiệm cũ từ chức, mà tôi thì thăng lên làm Chủ nhiệm. Tôi được thăng chức là tự tôi đảm nhận cáng đáng lấy tờ báo. Tức là tôi đền công tôi đã vừa thò tay vào ký cái văn tự vay hai nghìn.

Bỏ tiền ra thì xót ruột, nhưng cái lá nhãn tờ báo ngày nào cũng an ủi tôi. Ngắm cái chỗ đề tên chủ nhiệm, nó hay hay, tôi thấy thinh thích. Thôi thì cũng hả lòng. Mấy ai đã đủ tư cách đứng đầu một cơ quan ngôn luận!

Tôi xem xét sổ sách, và coi sóc các việc trong tờ báo. Nửa tháng đầu, tôi đã thấy thất vọng quá. Báo ế đã làm cho tôi nản lòng, mà bạn hữu ở ngoài họ càng kêu tệ. Các bố chủ bút và trợ bút thì cứ ngồi ăn hại để đánh cắp bài, hoặc phóng tin ở các báo khác. Vậy mà các bố vẫn tự đắc, hết lời tán dương những tác phẩm”bã mía” ấy. Hình như họ có ý bịp hết, cho tôi là ngu xuẩn dễ lừa, hoặc cho tôi là thằng ưa nịnh. Có một giọng nói mà cứ nói mãi, thì đến người ngốc còn hiểu tâm lý họ, huống là tôi. Dù tôi có dễ lừa, dù tôi có ưa nịnh, thì trước kia, chứ nay đã gần gũi họ ngót nửa năm trời, thì làm gì mà không “lật tẩy” được họ! Tôi chán quá!

Nhưng một hôm, tôi thấy tình thế báo nguy ngập quá, không thể đứng vững trong vòng nửa tháng nữa, tôi định cho tờ báo chết quách đi để đỡ bận thân. Nghĩ lại cái thân thế chủ báo của tôi, tôi nhớ đến bạn cũ, là ông chủ nhiệm cũ tờ Đời Nay, tôi oán ông ta, tự nhiên làm tôi đeo công mắc nợ.

Nhưng mà lối xoay xu người trước đã vạch sẵn, tôi tội gì không theo. Nguyên ít lâu nay, báo Đời Nay mới có một ông bạn lai cảo, là chủ đồn điền trên Phú Thọ. Tôi nhớ lại những thư ông ta viết lên tòa báo khẩn khoản xin đăng bài, tôi mừng thầm đã có một chàng LÊ HÙNG DŨNG mới! Thì đây, tôi lại phải diễn lại tấn kịch trước, là viết một bức thư cảm tình với người bạn thân của tờ báo ấy, hẹn ngày tôi đến chơi.

Tôi đến chơi, hẳn ông ta cũng lấy làm hân hạnh như tôi, sáu tháng về trước. Thấy cách tiếp đãi ân cần tử tế, mà tôi xấu hổ về cái ngốc trước của tôi. Bởi vì trong khi trò chuyện tâng bốc ông ta, tôi thấy ông ta cũng tỏ vẻ sung sướng, y hệt tôi ngày nọ.

Tôi cũng dùng những lời đường mật mà tán tỉnh, mà nói khích, thì ông ấy cũng hăm hở, hăng hái, muốn bóp chết các báo khác.

Kết cục, ông ta lại hài lòng bỏ ra năm nghìn bạc để mua lấy chức phó chủ nhiệm hão huyền.

Cái hình ảnh ngu dại của tôi ngày trước, hôm nào tôi cũng được trông thấy ở trong tòa báo hai buổi. Ông phó chủ nhiệm chỉ ngồi làm cảnh, hút thuốc lá và nói nhảm, chứ công việc tôi không những không cho biết, còn nói khoác thêm như trời. Tôi cười thầm bao nhiêu, tôi lại thương ông ta bấy nhiêu. Giá bây giờ ông chủ nhiệm cũ có cầm đến tờ báo Đời Nay mà mới nẩy ra chức phó chủ nhiệm mới, có lẽ cũng phải buồn cười mà nghĩ rằng:

“À, thằng này đã khôn rồi, đã “chài” được một thằng khác vào cạm”.

Năm nghìn bạc mới cũng chỉ có sự nghiệp như năm nghìn bạc cũ, là nuôi báo cô được các nhân mạng trong tòa báo một cách “đế vương” trong vài tháng. Rồi xét ra, không thể làm cho tờ Đời Nay tiến lên được một bước nào, tôi bèn đến bàn giấy ông phó chủ nhiệm, nói thực tình hình, và phủi tay thoái vị, lìa báo giới về cái “nhà bò”.

Tờ báo Đời Nay lại bãi chức phó chủ nhiệm. Nhưng biết đâu sáu tháng nữa, cái chức ấy lại không lòi ra. Vì ở xã hội này, chém bảy ngày không chết hết những thằng có tiền mà ngốc.

16- 4- 1934

<!–nextpage–>

THẦY CÁU

Dạy học là một nghề khó nhọc. Dạy lớp Đồng ấu lại khó nhọc gấp mười. Trẻ con phần nhiều đãng trí, hay quên, có khi tay cầm quản bút rồi mách thầy là anh nào ăn cắp. Có khi lọ mực móc dây vào ngón tay, rồi lúc hứng, cứ như thế, đưa cả lên đầu mà gãi! Lại có đứa thò lò mũi xanh, có đứa mải chơi, đi “mô tô” ra quần lúc nào không biết. Quần áo thì bẩn thỉu, hôi thối, đất cát, mồ hôi bê bết nhễ nhại, cáu ghét hàng tầng. Trong lớp thì hơi người tanh nồng lên, không trách Tây người ta gọi lớp ấy là Ăng phăng tanh cũng phải.

Trường kiêm bị Phủ Nam ngày trước, hồi mới mở rộng, thì không như bây giờ có sáu lớp thông thống đẹp đẽ thế này đâu. Lớp Đồng ấu hãy còn dọn tạm ra Văn Miếu hàng huyện.

Văn Miếu ở ngay giữa đồng, xa nơi dân ở. Đường đi không có cây cối râm mát. Ngày mưa, ngày nắng, trẻ con bò ra được đến lớp thật là vất vả. Đi đến lớp ấy, còn ngại một điều nữa, là phải qua một bãi cỏ lớn. Bãi cỏ ấy lũ chó trong làng vẫn quen mui rủ nhau ra phóng uế. Mà cả đến người cũng vậy, nhiều anh lười, cũng bắt chước chó, ngồi xù xù ngay bên cạnh lối đi.

Cho nên học trò bé đi vô ý, trời tạnh nắng hẳn hoi, có đứa giẫm phải chỗ cỏ bị ướt ấy, trượt ngã oanh oách.

Mỗi khi có một việc ngã như thế xẩy ra, thì y như lại rầy rà đến ông giáo. Vì tất thằng bé ấy mếu máo, vào lớp, giơ chỗ vàng vàng ở quần mà nó không là thủ phạm lên mách thầy. Ông giáo cứ phải khổ vì thỉnh thoảng lại xử những vụ kiện mà bên bị là người vô danh như thế.

Những đứa biết mách thầy còn là hạng khá, vì tất ông giáo cho phép nó về tắm giặt. Lại còn lắm đứa sợ thầy đánh, hoặc nó vô ý không biết, cứ đưa cả vào lớp cho thầy và bạn hưởng chung cái tác phẩm của nhà soạn giả ẩn danh. Lúc ấy thì ông giáo lại càng khổ, ông giáo lại phải ra công điều tra, để tìm đứa nào đã tải vào lớp cái thứ không được “duyệt y” ấy.

Một độ, ông giáo cứ phải mất thì giờ như thế luôn. Cho nên ông ra lệnh, bắt học trò khi đi qua lại bãi cỏ thì phải có ý tứ, đứa nào mắt nghênh lên trời, thì phải chết đòn.

Bởi vậy, độ này, cái không khí lớp Đồng ấu trường Phủ Nam đã thấy êm đềm, dễ chịu lắm.

*

* *

Nhưng một hôm, lúc ấy đã xẩm tối, thằng bé Xứng xin thầy u nó tiền mua xà phòng để gội đầu. U nó mắng:

– Sao ban ngày ban mặt mày không gội? Bây giờ tối rồi. Đừng vẽ!

Nó khóc, nói:

– Thầy giáo bắt con gội. Nếu không, mai thầy đánh chết.

– Sao lúc nãy mày không nói?

Nó lại càng khóc già:

– Con quên.

– Làm gì mà thầy giáo bắt gội đầu?

Nó lại hu hu:

– Thầy bắt cả lớp phải gội.

U nó cho là nói dối, quát:

– Mày nói láo.

Nó trợn mắt, đáp:

– Thật đấy, tại ban nãy thầy ngửi đầu.

Rồi nó lại khóc to hơn, và kể lại đầu đuôi cho thầy u nó nghe.

Leave a comment