NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Ông chủ nhiệm nghĩ ngợi một lát, nhìn vơ vẩn, rồi hỏi:

– Tôi hỏi thực ông nhé. Ông không thù hằn riêng gì Lãng Mạn Tử đấy chứ?

Nhếch mép để cười mỉa, Việt Sỹ đáp:

– Không bao giờ tôi đem ngòi bút để làm những việc đê hèn.

Ông chủ nhiệm nhăn mặt, lắc đầu:

– Thế thì nói làm quái gì? Lãng Mạn Tử là anh nào thế nhỉ?

– Lãng Mạn Tử là Lê Văn Tầm, người mời tôi ăn cơm chiều hôm qua. Mãi ban nãy tôi mới biết, vì có người bạn tôi bảo.

Ông chủ nhiệm cười, ngạc nhiên, nhìn Việt Sỹ:

– Vậy mà ông cũng phê bình thẳng tay thế à?

– Tôi cần gì?

Ông chủ nhiệm chống tay vào má, nghĩ ngợi, rồi nói:

– Quái, Lê Văn Tầm, hình như hắn là con một nhà thầu khoán thì phải.

– Phải đó.

– Nhà giàu lắm đấy.

– Phải, ông biết à?

– Tôi biết.

Rồi ông chủ nhiệm châm điếu thuốc lá, ngửa người lên lưng ghế, đôi mắt mơ màng nhìn làn khói xanh cuồn cuộn trên không.

*

* *

– Thế nào? Ngài cho tôi biết ý kiến ngài về bài phê bình này?

Lê Văn Tầm ngượng nghịu, lễ phép đặt tờ giấy lên bàn, nhìn ông chủ nhiệm, cười lạt mà không đáp. Ông chủ nhiệm, như đã trông rõ Lê Văn Tầm đến tận tâm can, bèn thân mật nói:

– Song, tôi không nỡ quá nghiệt với văn nhân, ngài ạ. Bao giờ tôi cũng muốn nuôi nhân tài. Tôi không muốn gìm ngài ngay bước đầu tiên. Như thế hại cho ngài lắm, không biết đời nào ngài mới ngóc cổ lên được. Bởi vì tôi chỉ nghĩ một điều, là bây giờ ngài mới ra đời, không ai biết đến, nhưng biết đâu, trong vài tháng nữa, ngài không lừng lẫy tiếng tăm.

Khiêm tốn, Lê Văn Tầm vui vẻ đáp:

– Thưa ngài, tôi đâu dám quá mơ hồ đến thế. Tôi làm gì có tài mà mong có tiếng được.

Ông chủ nhiệm lắc đầu, cười:

– Ngài lầm to. Ngài tưởng danh tiếng ngài là do tài ngài làm nên được à? Sự thực trái hẳn thế, ngài ạ. Danh tiếng ngài là do ở tài tôi làm ra.

Rồi yên một lúc, ông nói tiếp:

– Không tin, ngài nghĩ kỹ mà xem.

Nói xong, ông chủ nhiệm cười hà hà rõ to. Ông đứng dậy, ra mở cửa sổ, để Lê Văn Tầm vẩn vơ bối rối đến mấy phút một mình vì câu nói lạ lùng ấy. Rồi khi ngồi vào bàn giấy, ông nhã nhặn, tươi cười, giơ tay, nói:

– Xin lỗi ngài nhé. Tôi quả bận quá. Để hôm khác mời ngài đến chơi, chúng ta sẽ nói chuyện lâu. Ngài cứ yên tâm. Bài phê bình này tôi không cho đăng đâu. Tôi ở luôn trong tòa báo. Lúc nào ngài đến tôi cũng xin tiếp.

Ông nắm tay Lê Văn Tầm, bắt đầu rung từ lúc nói tiếng “xin lỗi” cho đến lúc nói tiếng “xin tiếp” mới buông.

*

* *

Leave a comment