NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Đứa nào cũng nỉ non, đứa nào cũng khóc lóc, cho nên đứa nào cũng ít ra là được một trinh Bảo Đại. Nhưng đến nó, thì người ta bảo:

– Cho ông cụ còng kia còn được phúc hơn!

– Mày què đi thì lần sau tao cho!

– Mặc kệ mày, cho mày chết đói!

Rồi chiếc xe ô tô lại chạy đi. Cái rá của nó cũng như nó, vẫn ngoạc miệng ra, không nặng gì hơn trước.

Nó ngồi ở bờ đường, nó nhìn bọn ăn xin tản mát mỗi đứa đi một nơi: thằng Cún tập tễnh với cái gậy, mồm thì ngồm ngoàm mẩu bánh tây bố thí; ông lão Cóc nhảy bằng tay đến gốc cây, móc túi đếm tiền; bà cụ lòa lần dải yếm để cất mấy đồng xu mới xin được.

Nó vơ vẩn, nó nghĩ. Thì dễ nó chịu chết đói chắc?

– Mặc kệ mày, cho mày chết đói!

Nếu nó chết đói, là chỉ vì tội nó lành lặn.

– Mày què đi thì bận sau tao cho!

Sao nó không được què? Vả què thì có khó quái gì?

Nghĩ đến thế, nó đâm chán ghét, thù hai chân hai tay nó. Nếu nó còn hai chân hai tay, thì nó sẽ chết đói thực, chứ chẳng phải cầu đâu!

Rồi nó chống gậy đi. Nó đi, đi mãi, đến các cây bên cạnh đường, nó đứng lại, nó ngắm. Nó nhìn lên, nhìn xuống. Rồi nó lại đi. Sau, nó đến một cây đa to và cao đáo để. Nó lại đứng lại, lại ngắm, lại nhìn lên, nhìn xuống. Rồi nó bỏ cái gậy, cái rá với cái nón ở dưới gốc, nó trèo lên. Khó nhọc quá! Nó ôm, nó đạp, nó cố mãi mới lên tới một cành cao. Nó bám chặt, nghỉ một chốc, nhìn trên, nhìn dưới. Rồi nó cố leo lên được đến một cành cao hơn nữa.

Đến đây, nó ngồi, buông thõng hai chân, vắt vẻo, cúi đầu ngắm xuống đất. Nó thấy ở đằng xa, những chuyến ô tô dún dẩy trên đường, thẳng về phố Nối, mà hành khách đông chật như nêm. Nghĩ đến cách kiếm ăn, nó bèn quả quyết.

Ở đời, làm nghề gì chả phải có vốn? Chả phải cạnh tranh? Đi ăn mày, tưởng dễ lắm đấy hẳn?

Nó thở dài, nó liều. Nó nhắm nghiền mắt lại, buông phắt hai tay, ngả người ra. Vụt một cái:

– Ối!…

Nó rơi đánh bộp xuống đất, nằm còng queo trên cỏ, chỉ kêu được một tiếng ấy. Nó nhăn nhó, rên. Máu chảy thấm cả ra ngoài áo.

Người ta kéo nhau ra xem, rồi khênh nó đi. Nó mềm nhũn, cánh tay lủng lẳng như chỉ còn bám xoàng vào vai nó một tý lấy lệ. Nó chẳng biết gì nữa.

*

* *

Nửa tháng sau, nó lại đội nón rách cũ, lại khoác cái khố tải cũ xơ xác như tổ đỉa, lại ra phố Nối kiếm ăn.

Trông nó hơn trước thực! Vì vết đau chưa khỏi, nên khi nó bám vào ô tô, lũ ruồi nhặng cũng bám theo sau nó. Tay phải nó què hẳn, không giơ rá lên cao được. Hai chân nó cũng không mang nổi cái mình nó như trước nữa. Nó phải tập tễnh mới đi được. Mặt mũi, mình mẩy nó hom hem xanh rớt. Đố ai không bảo nó là thằng ăn mày.

– Lạy các ông các bà, thân con què quặt, con xin các ông các bà đồng cơm đồng cháo.

Người ta quẳng vào rá nó đồng xu. Người ta chép miệng, cho nó cái bánh giò ăn dở. Nó vui đời lắm.

Từ ngày kiếm được cái vốn để sinh nhai, nó được mát mặt hơn nhiều, không lo chết đói nữa. Nhưng mỗi khi trở trời, thì, khốn nạn thân nó, nó thấy đau như dần ở cái khớp xương bả vai và đầu gối. Nhiều hôm, không thể gượng chống gậy mà đi được, nó phải bắt chước ông lão Cóc. Nó ngồi xổm, chống tay trái xuống đất mà lăng vẹo người đi dần dần. Nhưng đau quá, nó nhăn nhó, nó kêu rên, không thể chịu được, đến nỗi ai trông thấy cũng phải động lòng thương.

Nhưng cũng may, ngày nào như thế, nó mới kiếm được bở hơn ngày thường.

24- 11- 1933

<!–nextpage–>

SAMANDJI

Đến hai tháng nay, tôi không gặp Samandji. Đó là một chú lính da đen ở đạo quân thuộc địa thứ chín: một con bò mộng, nuôi chờ ngày mổ thịt. Anh ta trông dữ tợn, vì hai con mắt trắng dã trên màu da mun. Song, bản tính thực hiền lành, chất phác.

Sở dĩ tôi thích Samandji, vì hắn là người ngoại quốc, và hắn phục tôi là giống văn minh hơn. Cũng như tôi kính phục người Nhật Bản vậy. Bởi thế, thỉnh thoảng tôi trịch thượng lên mặt đàn anh, sai bảo anh ta chẳng khác một kẻ bộ hạ trung thành.

Đến hai tháng nay, tôi không thấy chủ nhật anh ta đến chơi tôi nữa.

Rồi hôm qua, trong khi đi dán mũi ở cửa kính các hiệu, tôi thấy bị một bàn tay sắt vỗ sụn cả vai.

Tôi quay lại: rành rành Samandji bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Ngạc nhiên, tôi trố mắt nhìn anh ta mà hỏi:

– Anh ở lỗ nào chui ra đấy?

– Ở Thượng Hải về. Vất vả quá!

– Làm gì bên ấy?

Anh ta nghển cao người lên, vênh mặt mà trả lời:

– Dẹp giặc!

– Ấy chết! Nguy hiểm thế à? May mà không bỏ mạng đấy.

Câu nói của tôi như có hiệu lực gì vào tâm hồn anh, khiến anh tỏ vẻ ngạc nhiên trong đôi lòng trắng mắt:

– Sao anh hèn thế? Chết vì nước mà sợ à? Chả trách anh không dám đi lính.

Tôi cố làm ra cách thẹn vì câu nói ít can đảm của mình, để khỏi làm nhàu mất tấm lòng “ái quốc” của anh.

– Lại sắp đi tu rượu hẳn?

Tôi vội lảng sang chuyện khác như thế. Anh đáp:

– Không, về nhà tôi.

– Anh có nhà ở đây à? Diện nhỉ!

– Tôi mới thuê một cái gác xinh lắm, ở gần đây.

– Một mình mà sao hoang thế?

– Không…

Tôi hiểu ý, cười. Anh ta cũng nhếch mép cười theo. Một cái chớp loáng trong đêm hôm ba mươi!

Một chốc, tôi đã ngồi bên cái bàn ăn phủ khăn trắng.

Samandji đi rót rượu cho tôi uống.

– Đâu? Còn ai nữa đâu?

Tôi hỏi nửa đùa nửa thật, biết câu ấy đối với An nam mình thì khiếm nhã, song, đối với anh ta, chỉ là câu chuyện thường.

– Nó còn đương bảo đun nước trong bếp.

Ngay lúc đó, tôi thấy tiếng dép lẹp kẹp sau lưng tôi, rồi tiếng reo:

– Đã về đấy mình?

Theo sau, một câu nhỏ hơn:

– Ai thế?

– Bạn thân tôi. Chào ông ấy đi.\

Leave a comment