NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

*

* *

Muốn cho các ông ấy khỏi mong, và độc giả khỏi thất vọng, tôi bèn ton ton xách va ly ngay lên Hà Nội để làm báo “Đời Nay“.

Ngay hôm tôi nhận việc, trên lá nhãn tờ báo ấy, đã thấy in ba chữ tên tôi, dưới cái chức Phó chủ nhiệm. Đây là cái chức giá trị thứ hai trong tòa báo, rất xứng với món tiền bốn ngàn tôi vừa bỏ vào két ông Chánh chủ nhiệm.

Làm phó chủ nhiệm, thực dễ như ăn gỏi. Ngày diện quần áo tây rõ ngất, đeo cặp kính trắng không cận thị mà cũng không viễn thị, hai buổi cắp cái cặp da, trong đựng ít giấy má từ đời nào, không can hệ lắm đến việc báo, mở cửa vào nhà, qua tòa soạn, bắt tay hết các ông chủ bút đến các ông trợ bút, rồi sang buồng ông chủ nhiệm, hút thuốc lá, chán chê, rồi mới về bàn giấy, mở cửa sổ toang ra, ngồi tễu huýt còi nhìn phong cảnh, thì còn gì khoái bằng!

Mà nói chuyện với những tay làm báo, cũng sướng thật. Không bao giờ họ làm mình thất vọng về cái tài cái đức của mình. Đến nỗi một suýt nữa, giá đủ tuổi rồi, thì tôi đã ra ứng cử cả nghị viên! Tôi thấy tôi lịch duyệt hơn trước nhiều lắm. Này nhé, buổi tối thì đi học khôn ở dưới xóm cô đầu, ban ngày được xem hết tất cả các nhật trình, mà tờ nào, cũng ít ra là có một cái tiểu thuyết, dăm ba cái vẽ buồn cười, hoặc bài hài đàm giải trí. Những bài khác, tôi không thích xem, vì nó lạt như nước ốc. Thỉnh thoảng ngồi rỗi, thì sang tòa soạn, được nghe chuyện Hitler, Mussolini, nghe chuyện Nhật – Nga sừng sộ, nghe chuyện cô đầu Huệ sắp bỏ nhân tình đi lấy chồng. Khi nào cao hứng, thì tôi phải xùy ra dăm ba bài thơ. Nhưng những bài thơ ấy, tuy tòa soạn bắt buộc phải đăng, song chỉ để dành những hôm tờ báo bị trống chỗ.

Được ba tháng an nhàn như thế, một hôm, ông Chánh chủ nhiệm, bạn thân tôi, đến bàn giấy hỏi tôi rằng:

– Này bác, bác còn tiền không?

– Còn để làm gì?

Ông ta lắc đầu, buồn bã nói:

– Nguy lắm, tình hình báo nguy lắm bác ạ?

– Thế là tại làm sao?

– Khỉ quá, mình viết vẫn hay, nhưng báo đếch chạy!

Tôi an ủi:

– Thôi ngót vạn số, bác còn muốn gì hơn?

– Nhưng không đủ chi tiêu. Bây giờ tôi nói thực. Tôi hết tiền rồi. Có lẽ đến hết tháng này, báo phải đình bản!

Tôi kinh hãi, hỏi:

– Sao đến nỗi thế?

– Độ này báo không bán được! Tôi định nhường hẳn tờ báo này cho bác, vì tôi có việc phải đi Nam Kỳ.

Tôi ngậm ngùi, vơ vẩn nghĩ. Bạn tôi nói:

– Bác cứ đứng chủ trương một mình xem sao. Báo Đời Nay vẫn có cơ tiến lắm, nhưng không rõ lâu nay vì cái gì, đương chạy ngót vạn số mà tự nhiên sụt hẳn mất bảy nghìn. Mới biết quốc dân mình là ngu!

– Bác đừng giấu tôi, bây giờ báo mỗi ngày in ra bao nhiêu?

– Hai nghìn tờ, nhưng ế mất đến năm trăm!

Tôi trợn mắt, nói:

– Nếu bác thôi, thì tôi làm một mình sao được? Tôi chưa quen việc, vì từ ngày làm báo, tôi tin ở bác, tôi có biết tí nào đâu?

– Không, bác cứ làm, tự khắc quen: bác phải mạnh bạo hết sức đi, mới có thể lấy lại được món tiền bác bỏ vào cho tòa báo.

– Thế hiện trong két còn bao nhiêu?

– Tháng này còn nợ lại nhà in mất gần nghìn bạc.

– Vậy bốn nghìn của tôi hết cả?

– Phải, nguyên trước đã nợ về tiền in ít nhiều, nhưng bác đừng thất vọng vội. Ta phải làm, ta phải theo đuổi mục đích ta đến kỳ cùng.

Tôi thở dài, động lòng thương đến gia tài của cha…

– Bác không nên buồn. Chính tôi đã bỏ vào đây ngót một vạn, nhưng tôi cũng không tiếc, vì đã làm được việc công ích. Bác cứ thu xếp được độ hai nghìn nữa, thì công việc lại êm thấm như cũ ngay.

Leave a comment