NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Dần dần, con Đỏ thấy mỏi tay và buồn ngủ. Nó tựa lưng vào tường và quạt yếu đi. Lúc ấy, bà cũng đã thiu thiu.

Nhưng bỗng bà giật mạnh chân và giẫy luôn mấy cái. Bà kêu:

– Trời, sao mà nóng khổ nóng sở thế này!

Con bé giật mình, sực tỉnh. Nó lấy hết gân sức để quạt phành phạch.

Bà xoay nằm ngửa, dang cả hai tay lẫn hai chân cho thoáng. Áo và quần bà phần phật, bay như sóng gợn.

Một lát, bà thở đều đều. Cánh tay con Đỏ con đưa đi đưa lại mỗi lúc một yếu. Nó gật giúi giụi. Mấy lần suýt ngã.

Bỗng đồng hồ nổi tiếng chuông. Trong lúc ngủ gà ngủ vịt, nó đếm một, hai, ba, bốn, năm, sau, bẩy, tám, chín, mười, mười một. Nó ngẩng đầu dậy, mở to mắt ra, nhìn bà. Nó thấy bụng bà phập phồng. Nó đổi tay để quạt cho mạnh. Nó nhìn cái tủ gương, ngọn đèn điện, chiếc quạt máy cho vui mắt, đỡ buồn ngủ.

Nhưng không buồn ngủ sao được? Ngồi luôn một chỗ và làm một việc trong lúc đêm khuya thanh vắng lại tối đèn, đố ai mà không chán, không mệt, không buồn ngủ? Bởi thế, con Đỏ con như thấy chiếc quạt và đôi mí mắt nặng trĩu. Nó phe phẩy chậm, chậm dần… chậm dần. Rồi nó ngoẹo đầu, cánh tay lả xuống, không cử động nữa. Vậy mà nó vẫn mê thấy nó quạt luôn luôn.

Thấy tiếng bà gọi, nó choàng dậy, và phành phạch rõ mạnh. Mồ hôi nhễ nhại, đầm cả áo nó. Bà cựa. Bà nghiêng mình, quay mặt vào tường, nên thỉnh thoảng nó quạt trộm vào nó một cái.

Đồng hồ điểm mười hai tiếng. Con Đỏ con cựa mình, ngồi lại cho đỡ mỏi, rồi quạt phành phạch thật mạnh. Nó mong mãi bà không cho nó đi ngủ.

Nhưng bà nực, bà không ngủ được. Bà chỉ chợp mắt được độ dăm phút là cùng. Vừa thấy ngọn quạt phẩy không đều tay, bà đã cựa, và giục:

– Mạnh lên, mày!

Con Đỏ con mỏi lắm rồi. Nó ê ẩm cả người. Nó cố mở mắt ra, mà hai mí cứ muốn cặp díu lấy nhau. Tay nọ đổi tay kia, nhưng rút cục hai tay cùng rã rời. Nó cứ phải quạt mãi.

Nhưng rồi chẳng đủ sức để chống được giấc ngủ, nó gục đầu, đánh rơi tay, đánh rơi quạt. Nó ngủ…

Lúc ấy, đang được thiu thiu, bỗng bà thấy mồ hôi chảy ra, bà biết con ranh con đã ngủ. Bà ngóc dậy, quệt dòng nước dãi chảy ròng ròng xuống má, bà nhìn vào tận mặt nó. Rồi đưa tay ra, bà giúi vào nó một cái thực mạnh. Rồi lại nằm xuống. Con bé bàng hoàng, mở mắt, luống cuống. Nó cúi nhặt quạt, vội vàng phẩy phành phạch vào mặt bà. Bà cởi một khuy áo ngực ra để hưởng lấy gió mát.

Tiếng gà xa xa gáy theo nhau. Rồi một lát, đồng hồ đánh một tiếng. Nó vẫn phải quạt. Chưa xong việc, nó chưa được nghỉ tay. Nhưng nó buồn ngủ lắm rồi. Bởi vậy, mỗi khi nó thấy sắp ngủ, nó phải cố sức tự đánh thức nó, và quạt rõ mạnh: Phạch phạch! Phạch phạch!

Giọng mệt nhọc, bà khen:

– Ừ, con này giỏi.

Rồi bà cựa mình, quay mặt lại nó. Bà duỗi cánh tay đến gần nó, để mỗi khi thấy nó uể oải, thì đập vào nó một cái.

Hình như khí trời đã bắt đầu dịu.

Nó quạt luôn luôn trong độ mười lăm phút thật mạnh và thật đều tay.

Bà mát, dễ chịu lắm. Nó mệt, khó chịu lắm. Bà mơ mơ màng màng. Lần này có lẽ bà ngủ được yên. Nó cũng mơ mơ màng màng. Lần này nó không thể thức hơn được nữa. Quả nhiên bà ngáy hơi to. Nó không biết bà ngủ, song, tự nhiên tay nó đưa thong thả dần, rồi như chiếc đồng hồ hết dây, tay nó không phe phẩy nữa.

Bà ngủ say, quên cả nực, đánh một giấc đến sáng.

Nó cũng thiếp đi… Đầu gục, hai cánh tay đờ ra, nó ngủ ngồi trên ghế cho đến khi ánh nắng gay gắt bắt đầu rọi vào buồng.

7- 1937

<!–nextpage–>

TÔI CŨNG KHÔNG HIỂU TẠI LÀM SAO

Lên khỏi mấy bực thềm và qua hàng hiên nhìn vào, Sinh thấy cái cảnh “chúa vắng nhà” hiện ra trong các buồng giấy.

Phải, bao giờ ông Sếp không có mặt tại sở, thì suốt cả, từ ông Phán sắp về hưu cho chí bác loong toong tập sự, ai nấy tự do tán gẫu cùng nhau, mặc kệ những ai có việc phải ngấp ngó ở ngoài hè chờ đợi.

Sinh thì không ưa cái lối làm việc giả dối như thế. Nhất là đối với ông Sếp hay hục hặc này. Từ ngày được bổ đi làm tới nay, bao giờ anh cũng nghĩ tới bổn phận trước hết. Anh không sợ ông Sếp bằng dư luận. Mà không sợ dư luận bằng lương tâm. Anh muốn tự trọng, không chịu để người trên nói động đến mình. Người trên đã không thể trách mắng anh về một lẽ gì, hẳn anh không phải lấy lòng và xu nịnh ai nữa. Anh muốn làm việc một cách thẳng thắn, tự do.

Bởi vậy, ông Sếp ở cạnh anh, hay đi vắng, anh coi cũng thế thôi. Cho nên, thấy các bạn đồng nghiệp cặm cụi – có lẽ là vờ – khi có mặt người trên, và chây lười khi khác, anh vẫn bỉ ngầm là họ thiếu nhân cách. Anh cho là những cái quắt quéo này nó đẻ ra cái quắt quéo khác. Nó là nguyên nhân những sự luồn lọt, ton hót, bôi gio trát trấu vào thanh danh của cả một đoàn thể.

Sinh đi thẳng vào buồng mình. Đồng hồ đã chỉ bẩy giờ hai mươi nhăm. Anh cởi áo, khoác vào lưng ghế, và tìm sổ sách giấy má hôm trước làm dở.

Mọi ngày, cũng lúc này, bàn máy chữ buồng cạnh đã bắt đầu lách tách, có khi rào rào như mưa. Thế mà bây giờ chỉ những tiếng chuyện, tiếng cười nôn nao, loạn cả óc, làm anh khó lòng làm việc bình tĩnh được.

Liếc mắt nhìn xung quanh, anh thấy chỗ này, Tâm và Sức ngồi cả lên bàn, khoa chân múa tay, nói chuyện với tham Trí. Chỗ kia, Ban mặc áo cộc, cặp cái điếu vào hai đùi, sắp hút thuốc; Chính thì lom khom châm diêm, và Bắc thì chỉ rình thổi tắt.

Thấy các bạn đồng nghiệp đùa nhảm, Sinh mỉm cười, quay đi. Bỗng thình lình anh nghe thấy đánh bốp. Rõ là tiếng bàn tay tát vào má. Anh đoán ngay là bác loong toong Thảo xưa nay vẫn hay có thói đánh người, vừa ra oai với một anh dân nào vô phúc. Anh toan để ý nhìn, thì chính Thảo đã nói rất to, giọng nói gắt gỏng:

– Muốn ở tù thì nheo nhéo cái mồm lên, các quan còn đang bận. Chưa đến giờ!

Ngay lúc đó, đồng hồ buông một tiếng. Bẩy giờ rưỡi. Nhưng hiệu báo ấy không có nghĩa gì đối với trong sở khi vắng mặt ông Sếp.

Bỗng cửa buồng mở phanh ra, rồi lại tự đóng. Nghĩa vào. Đó là một bạn đồng nghiệp của Sinh, cùng làm một buồng giấy.

Cũng vì luôn luôn ngồi gần nhau và tuổi sàn sàn ngang nhau, nên Sinh thân với Nghĩa hơn với các bạn khác.

Thoạt vào, Nghĩa đã vui vẻ nói ngay:

– Có lẽ đến tám chín giờ nó mới ra sở, tội gì không hưởng lấy vài phút tự do? Này Sinh, bảo cái đã…

Sinh nhếch mép, cười lấy lòng bạn, nhưng tay vẫn cầm bút. Anh hỏi:

– Anh bảo gì?

– Hôm qua nhật trình đăng Tàu, Nhật đánh nhau thế nào?

Sinh cười, không đáp, hỏi lảng:

– Cái giấy tôi đánh máy dở, loong toong có để bàn bên ấy không?

– Thôi, đốt cái chăm chỉ của anh đi. Này, cuối tháng này, “mó” lương xong, vào cổ phần với đằng này để xuống xóm nhé. Con Nhật nó vẫn hỏi thăm đấy.

Sinh vẫn cúi viết, không đáp. Nghĩa chạy lại, giằng bút ra, nói:

– Tôi không bắt anh ăn cắp được dăm phút hay sao!

Leave a comment