NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG

”Bà Nguyễn Thị Bống, quán làng Hữu Bằng, huyện Kim Ốc, tỉnh Sơn Đông, năm nay gần 60 tuổi, vừa được bốn chữ TIẾT HẠNH KHẢ PHONG.

Cái lịch sử gấm hoa của bà tưởng cũng nên đăng ra đây để làm gương sáng cho chị em phụ nữ.

Góa chồng từ năm 23 tuổi, bà bị giam hãm trong cảnh cơ hàn, cực nhục. Nào cha mẹ chồng già, nào bốn người con dại, bà tưởng trời xanh chẳng còn đoái tưởng chi đến phận liễu bồ. Cái nhan sắc của bà đã đôi phen làm xiêu lòng vương tôn quý khách, song, bà nhất định ở vậy thủ tiết cùng chồng.

Buôn tần, bán tảo, bà cứ bền gan noi theo đạo thánh hiền, nên chả mấy chốc bà đã được phần thưởng đích đáng: sự phú quý.

Chẳng may trong mấy năm gần đây, binh đao bệnh hoạn lại xô nhau vào bắt hết cả bốn người con của bà, để bà lại trơ trọi trên trần cùng mối hận ngàn thu.

Giá bà không được minh xét đến nông nỗi ấy, thì cũng không còn gì bù lại công bà bằng cái vinh dự ngày nay.

Số báo ngày mai sẽ xin đăng ảnh bà để độc giả được thấy cái biểu hiện sự sống của các đức tốt và sự nhịn nhục”.

7-1934

<!–nextpage–>

CÁI THÚ TỔ TÔM

Nhiều người lấy làm lạ, cứ hỏi nhau tại làm sao ông nghị Đào độ này thích tổ tôm thế.

Kể cũng là việc quái gở thực! Vì xưa nay ông ấy chúa ghét đánh bạc. Đến ngay như lũ trẻ nhà ông ấy, ngày tết, túm tụm lại, đánh tam cúc một xu bốn cây với nhau, mà ông cũng cấm nữa là!

Còn ông, thì đố ai thấy ông chầu rìa một đám bạc nào. Ông thường nói:

– Đánh bạc, vừa hại tiền, vừa hại thì giờ, vừa hại sức khỏe. Nhà nào mà bố mẹ hay mê man cờ bạc, thì con trai hư đằng con trai, con gái hư đằng con gái. Chẳng thế, cứ bắc kiềng lên lưng tôi mà đun!

Thế mà sau khi ông góa vợ được vài tháng, thì ông mê tổ tôm như điếu đổ.

Có người bảo ông mới được làm nghị viên, nên học cách giao thiệp. Nhưng đánh tổ tôm nào phải cách giao thiệp? Vả ngày Hội đồng dân biểu họp nào có phải các ông nghị đến hội quán Khai Trí Tiến Đức để đánh tổ tôm đâu?

Vậy thì chắc rằng bà nghị mất, ông đâm buồn. Buồn thì phải tìm cách tiêu khiển. Rượu không biết uống, phiện không biết hút, gái không biết chơi, thì ông có thỉnh thoảng đánh canh tổ tôm, có hại gì? Không hại nhất, là ông chưa có con trai hay con gái lớn.

Tổ tôm, ông mới học có hơn một tháng. Nhưng ngay từ lúc mới học, ông đã dám ngồi một chân. Ông chỉ đánh ở nhà cụ chánh Bá. Ở chỗ khác, dù có lập cuộc tổ tôm mà thiếu một chân, thì giá họ có mời rã bọt mép, cũng không khi nào ông ngồi đánh. Có lẽ vì ông không chịu tiếng bê tha chăng?

Nhiều lúc, ông sang nhà cụ chánh Bá, rồi cho người đi mời con bạc đến. Có khi cụ chánh Bá không tiền, ông cũng cố ép cho vay để cụ đánh. Nhưng không mấy khi ông nhớ nợ. Cụ chánh Bá muốn để đến bao giờ, ông cũng không nhắc đòi.

Vậy mà ông chỉ đánh bạc để cầu vui thôi, chứ không mấy khi ông ngồi nóng chỗ. Ông cầm bài độ dăm bảy ván, khi đã góp tiền đâu vào đấy, là ông mượn người đánh hộ. Rồi hoặc về nhà, hoặc đi có việc đâu một lúc lâu mới lại đến. Làng để ý vào cây bài quá, nên không ai hỏi nhau xem ông đi đâu.

Người ta, mà nhất là những người được ông nghị Đào nhờ cầm bài hộ, đều tỏ ý khen ông về lối chơi nhã nhặn, quân tử như thế. Họ khen. Vì họ muốn ông giữ mãi cái thói quen dễ chịu ấy. Người thì được đánh bạc không phải góp tiền, mà vì ông không hỏi căn vặn được thua bao nhiêu, nên họ dễ ăn bớt. Người thì được thông lưng nhau, để một mình ông bị thiệt, vì họ coi ông như con bò!

Thực ra, chơi cái lối đánh tổ tôm cung phụng ấy, ông nghị Đào còn là mất chán tiền! Mà không chịu học đánh luôn luôn, thì còn xơi ông mới cao được. Ai lại ngay bây giờ, ông còn phải hỏi thế nào là lèo, cửu vạn, cửu sách và chi chi có là lưng không. Mà nào ông đã thuộc chữ quân bài đâu? Cứ đưa ông một quân, bịt kín chỗ vẽ đi, hỏi là quân gì, đố ông có biết!

Cho nên, tuy ông lên bài rất chậm, ăn hoặc phỗng nhiều lúc rất lẩm cẩm, nhưng ai cũng cố kiên gan mà khen. Họ khen ông rằng:

– Đánh với ông nghị bao giờ cũng vui quá.

Họ vui, vì họ chắc mẩm phần được. Dù không ù cũng được mười mươi.

*

* *

Cũng như mọi bận, những anh con bạc túng tiền đã tề tựu cả ở nhà cụ chánh Bá để chờ ông nghị Đào đến nữa là vừa đủ chân.

Anh người nhà đã chia sẵn bài, và bày cả vào hai cái khay. Anh ta đã chẻ ít đóm, và làm đèn cẩn thận.

Cô Xuyến, con cụ chánh Bá đã xếp đầy một cơi trầu để chờ khách. Xong việc, cô đương ngồi ngoài hiên, ghé vào ánh sáng ngọn đèn, mà xâu những hào trinh.

Mới mười chín tuổi đầu, nhưng cô Xuyến giỏi lắm. Thường cô đi chợ đi búa các nơi, buôn bán rất đảm đang, ai cũng khen. Nhiều anh con trai làng, thấy cô có sắc lại có vốn, muốn hỏi cô làm vợ để được cưới cả cô lẫn cái vốn của cô. Nhưng cụ chánh Bá còn kén kỹ lắm. Cụ không thích gả cho người làng, vì cụ xem chả cậu nào đáng mặt vác áo thụng đến làm rể cụ. Họ đều nghèo, và con nhà tầm thường cả. Cô Xuyến nhà cụ, tiếng rằng ngày thường vẫn áo nâu, quần lụa, đi đất, trông có vẻ nhà quê, nhưng ngày tết, thì cô ăn mặc sang nhất tổng. Cái khăn gấm tây, cái áo cát- sơ mi hoa, cái quần lĩnh bóng, đôi dép Nhật Bản, và bộ dây xà tích dài đến tận đầu gối. Cứ cách ăn mặc thế, thì cô Xuyến phải lấy một anh chồng ít ra là có bằng Sết – ti – vi – ca. Huống hồ cô còn có vốn riêng, lại là con gái lớn của một ông Chánh tổng cựu, có hàm Cửu phẩm bá hộ, thì ít ra ông bố cũng phải thách đến dăm trăm là ít.

Leave a comment