NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Độ này, người ta thấy ông chủ nhiệm và Lê Văn Tầm thân thiết như anh em ruột. Hai người dính nhau như đôi nhân ngãi mới yêu nhau, xa nhau thì nhớ, gặp nhau thì mừng.

Thứ keo, sơn nó gắn bó hai người ấy là một thứ keo sơn biết kêu, biết nảy, nhưng không biết dính. Nó tròn và trắng. Nhưng lại không phải là bánh trôi của Hồ Xuân Hương. Nó từ tủ két nhà Lê Văn Tầm bò ra. Nó trọ ở túi chủ một lát, rồi nó lan đi khắp các nơi: phố Tràng Tiền, xóm Khâm Thiên, nhà vàng bạc và hiệu bào chế thuốc phong tình.

Song, Lê Văn Tầm chẳng phải chỉ là khách giá trị của những phố Tràng Tiền, xóm Khâm Thiên, nhà vàng bạc và hiệu bào chế thuốc phong tình, mà chính anh lại là một nhà tiểu thuyết có giá trị.

Mà cái văn phẩm làm anh nổi giá trị trong làng văn, lại chính là cuốn Mịt Mù.

Cuốn Mịt Mù đó, rồi vài hôm sau ngày Lê Văn Tầm gặp ông chủ nhiệm, được Việt Sỹ viết cho một bài cực lực tán dương.

…Trừ những chữ in lầm cỏn con, (mà lỗi thì ở nhà in), như mục đích, nhu cầu, còn toàn quyển, ta có thể gọi là một văn phẩm hoàn toàn về hình thức, làm vẻ vang cho nghề in của nước nhà.

…Cốt truyện thực là giản dị, mà giản dị thì lúc nào cũng hợp thời, vì bao giờ nó cũng đi tới chỗ tận thiện, tận mỹ.

…Tác giả đã khéo gợi cảm độc giả bằng những lời tha thiết của những vai chính trong truyện. Những lời ấy, mới đọc, ta tưởng như nó ở cửa miệng trẻ con. Nhưng chính đó mới là cái nghệ thuật tối cao của nhà tiểu thuyết, muốn cho những lời nói được tự nhiên: Một cái thông bệnh của những người mới bước chân vào làng văn, là làm sao cho câu của mình chải chuốt, gọt giũa. Vì đó, có những sự cầu kỳ đáng nực cười. Nhưng Lãng Mạn Tử mà ta chưa thấy tên dưới một tác phẩm nào đã có ngay một giọng văn của những nhà tiểu thuyết lão thành. Nó giản dị mà không thiếu ý, nó trúc trắc mà không thừa lời…

…Nói tóm lại, cuốn Mịt Mù, một tác phẩm có ích cho bình dân, đã làm vẻ vang cho văn học hiện đại, và có thể giữ được địa vị của nó với hậu thế…

Thế là chồng sách Mịt Mù đang ngủ yên ở trong tủ kính,đã bắt đầu được tay ngọc ngà của cô hàng đập vào mà đánh thức. Rồi nó cựa cạy. Rồi nó chạy. Nó cắm cổ nó phi…

Trên mặt tờ báo, thường có những bài nhắc đến tên Lãng Mạn Tử luôn. Rồi tờ báo khác cũng nói đến. Rồi ai ai cũng nói đến. Mà độc giả nghe ba tiếng Lãng Mạn Tử thành quen tai.

Độ này, người ta làm sử Văn học, tôi đã thấy tên Lãng Mạn Tử in ở chương nói về các nhà tiểu thuyết đương thời.

Một hôm, tôi gặp Lê Văn Tầm đi chơi phố với nhiều nhà văn trứ danh. Trong khi đang mày tao thân mật với các bạn, thì anh trông thấy tôi. Anh khinh khỉnh nhìn tôi và gọi to, rồi trỏ tay vào những người đứng chờ. Anh vênh váo và lên giọng đàn anh để tỏ ý thương hại tôi. Anh bảo:

– Viết văn mà không có tụi, thì đến đời chết anh cũng không thành được nhân tài. Anh cứ in sách đi, tôi bảo chúng nó ”lăng xê” cho(*).

19 – 9 – 1935

Leave a comment