NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Lạy cụ lớn, bao giờ cụ lớn ban cũng được, miễn là cụ lớn nhận mua là may cho con lắm rồi.

– Thế bà chị không sợ tôi quỵt à? Hé! Hé! Hé!

Bà Chánh cười theo:

– Lạy cụ lớn, tôi con nào dám ngờ cha mẹ.

Cụ lớn bèn nghiêm trang, nói:

– Nhưng mà này, chị Chánh ạ, tôi nhận đong của bà chị một nghìn đồng bạc thóc, nhưng tôi hãy cứ gửi bà chị ở nhà đấy. Như vậy, bà chị hẳn khỏi nghi nhé! Hé! Hé! Hé!

– Lạy cụ lớn, chúng con nào dám thế, xin cụ lớn cứ cho xe về.

– Không, tôi cứ gửi ở nhà bà chị. Bởi vì trong dinh chật chội, có chỗ nào chứa đâu?

– Dạ.

– Rồi bao giờ tôi thuê được nhà ngoài phố, sẽ cho nó về lĩnh thóc sau.

– Dạ.

Bà Chánh nói chuyện một lúc lâu nữa, mới hả hê, cáo từ ra về.

Và cố nhiên đến nhà, bà nhắc lại nguyên văn cho cả làng, cả tổng nghe những câu nói tử tế, nhã nhặn, dễ dãi, phúc hậu của cụ lớn Tuần.

*

* *

Ba tháng sau, trời làm lụt loạt và đói kém. Thóc lúa cứ cao lên vòn vọt. Việc vào dinh hầu cụ lớn đã thành ra một thời sự cu cũ. Cho nên bà Chánh Tiền chỉ còn trông thấy chỗ cây thóc bán chịu cho cụ lớn mà thôi. Bà thở vắn, thở dài. Thà cụ lớn cho người đem đi cho khuất mắt, hoặc cụ lớn ban cho ít nhiều để làm vốn thì bà cũng cam lòng. Từ nọ đến nay, bao nhiêu người xin đong mà bà không dám bán. Bà tiếc quá. Song nghĩ đi thì thế, mà nghĩ lại, bà cho là chẳng thiệt nào. Một đời dễ mà gặp được một bà quan đầu tỉnh đối với vợ một thầy Chánh tổng vồn vã, dễ dãi, phúc hậu, như thế. Người ta có tiền nghìn bạc vạn hẳn hoi, cũng không thể mua được lời nói tử tế của người trên. Cho nên, nghĩ tới đó, bà lại thấy hả hê, sung sướng nguyên vẹn.

Một hôm, có người lính tuần về Đồng Quân, đưa bà Chánh phong thư. Bà bảo chồng mở ra để đọc:

Bà chị,

Bây giờ thóc được giá, tôi nhờ bà chị làm ơn bán hộ chỗ thóc tôi gửi bà chị trước. Cứ thời giá, thì chỗ ấy thu được đến hơn nghìn rưởi, nhưng tôi chỉ lấy tròn nghìn rưởi mà thôi, còn bà chị có bán hơn thì mặc ý. Vậy chỗ một nghìn, tôi xin nộp lại bà chị, còn năm trăm lãi, thì đến 26 này, mời bà chị lên chơi và đưa cho tôi. Thực là tôi quấy rầy bà chị quá, xin bà chị miễn trách.

Lâu nay không thấy bà chị lên tỉnh, tôi nhớ lắm. Vậy thế nào 26 này, bà chị cũng lên, nhân tiện chúng ta nói chuyện với nhau cho vui.

Bà Tuần

Nghe xong thư, bà Chánh Tiền nhăn nhó, rồi thở dài mãi.

Thóc này bán cho ai được, để kịp đến 26 có năm trăm đem lên nộp cụ lớn đây? Thì té ra bây giờ xoay ngược lại, bà là con nợ của cụ lớn.

Suốt mấy ngày, bà lo lắm. Bà phải chạy khắp các nơi để mời người đến đong, nhưng không xong. Chả ai có vốn nữa. Mà ngày 26 cứ gần dần.

Lắm lúc định liều, bà tính cứ lên tỉnh, rồi bẩm với cụ lớn là thóc ế. Như vậy bà có thể không thiệt hại gì. Song, thế không tiện. Cụ lớn đã tin cậy mà giao cho một việc. Mới có mỗi một việc. Chả lẽ chưa chi đã phụ bụng tốt của cụ lớn? Vả lại cụ lớn vồn vã, ngọt ngào, dễ dãi, phúc hậu, ai nỡ xử lại thế được?

Kết cục, là ngày 26, bà Chánh Tiền lên tỉnh có mang đủ số năm trăm lãi thóc của cụ lớn.

Món năm trăm ấy, bà phải viết văn tự để vay. Bà hậm hực, tức bực và oán thán cụ lớn lắm.

Nhưng mà:

– Ấy kìa! Hé! Hé! Hé! Bà chị! Tôi mong mãi!

Cụ lớn nắm lấy cánh tay và vồ vập nói thế. Bà Chánh Tiền bỗng quên hết mọi sự. Bà lại cảm động, rơm rớm nước mắt, và hởi lòng hởi dạ như thường.

1937

<!–nextpage–>

THẰNG ĂN CƯỚP

Anh muốn biết vì lẽ gì tôi bỏ nghề đi ăn cướp ấy à? Anh ạ, tôi chán nghề ấy, chẳng phải như nhiều người đoán, là tôi bị lần tra tấn ấy đau quá mà kệch đến già. Mang cái bụng đói vào mình, ai cũng có thể quên được sự nhục nhã, đau đớn. Cho nên, những trận đòn, dù dữ dội nữa, đối với chúng tôi, có nghĩa lý quái gì? Nhưng chính vì tôi xét nghề ăn cướp nguy hiểm mà không có lợi, nhất là vào thời buổi này. Đã đành ở đời, vì phải nhờ vả lẫn nhau, nên làm việc gì cũng vậy, lẽ tất nhiên ta phải chia số tiền kiếm được với kẻ khác, như đóng thuế cho Nhà nước, như để hỏa hồng cho nhà buôn chẳng hạn. Cho nên, bọn cướp đêm chúng tôi chuyên môn kiếm ăn trái với pháp luật, tất càng nên xử phải với người thay pháp luật trừng trị chúng tôi. Thật vậy, tôi coi món tiền đấm mõm quan như thuế hay hỏa hồng, để họ ngơ cho mình được yên ổn mà sinh nhai lâu bền.

Nhưng từ ngày ông Huyện này về cai trị hạt ta, ông ấy ghê gớm quá. Đến nỗi tôi biết trước rằng làm lắm chỉ nhọc xác, chứ không ăn thua gì.

Anh mỉm cười à? Tôi có nói ngoa đâu? Không phải ông ấy không dong túng chúng tôi như những ông trước, mà trị riết trộm cướp trong huyện cho nhân dân được an cư lạc nghiệp. Nếu thế thì ta đã được nhờ rồi. Nhưng ông ấy bắt tôi lễ nhiều quá, đến nỗi không thể kiếm lại được. Tôi không chịu. Đành rằng tôi mang tiếng là một thằng đi bóc lột người khác, nhưng tôi phải tốn bao tâm trí và sức lực mới kiếm được miếng mà ăn. Mà mười đứa bị tôi bóc lột thì chín đứa không oan, vì chúng cũng bóc lột người khác. Thế mà tôi lại bị một hạng người nữa bóc lột, mà hạng người này không bị ai bóc lột nữa, có cáu tiết hay không? Như vậy, thực không công bằng. Bởi thế, tôi nhất định không chia như ý ông ấy muốn. Nên ông ấy lập tâm triệt tôi một cách ngấm ngầm, và tôi thì phải lừa ông ấy.

Nguyên từ hôm tôi không làm vừa lòng ông ấy, thì đến ba tháng sau tôi không bị đòi hỏi gì cả. Thì ra ông ấy biết rằng cứ vờ không coi tôi chặt chẽ trong ít lâu, sau tôi cũng lại đường hoàng đi ăn cướp. Quả nhiên, tuy biết đấy là thủ đoạn, mà chẳng may tôi bị bắt, thì phải chết với ông ấy. Nhưng thấy sự canh giữ hờ hững, tội gì tôi không nắm lấy cơ hội? Lẽ nào lại cứ ngơm ngớp khoảng không, để bị con ma đói nó giày vò?

Bởi vậy, hôm mười tám tháng chạp năm ngoái, tôi họp tám anh em cũ, định đến đêm, sửa cho chánh Ngữ một mẻ.

Chín người chúng tôi cơm rượu no say, rồi chừng trống hai, bắt đầu đi, mang theo cả khí giới, ống hồng, gậy, dao, thiết lĩnh, khiên, đèn pin.

Vì chúng tôi có thằng ở nhà ấy làm nội công, nên chúng tôi vào một cách dễ dàng. Chúng tôi khoắng mâm nồi, đồ đạc và nguyên chỗ tiền mặt dễ đến ngót bốn trăm, mà tịnh vô, không có một tiếng động ra tới ngoài.

Leave a comment