NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Vâng, thì nói thế là đủ ý, chứ còn gì nữa?

– Trời ơi! Thế nào là đủ ý? Ý biết thế nào cho đủ? Bây giờ tôi mới thấy ông nói thế là một! Độc giả đang đói thời sự, tôi đương nuôi vụ Ca Tê cho nó đỡ ngắc ngoải, thế mà được tin sửng sốt, ông không cho bạn đọc ăn dè? Ông nhồi, ông nhét, ông tọng vào cả một kỳ, viết ngắn có mấy dòng tủn hoẳn, ông lại hẹn không đả động đến chuyện ấy nữa.

– Thì sao ông không chữa lại và kéo dài ra?

– Vì tôi không muốn làm mất lòng ông. Ông đã phụ công tôi, nuôi nấng tin này trong bao nhiêu ngày. Thế mà chính tay ông, ông giết chết nó! Sao ông không câu độc giả! Họ đang say lử về cái mồi của tôi, đến ông, ông thả buột đi mất! Sao ông không “còn nữa”, “còn nữa” mãi một tin ấy như mục tiểu thuyết, như bài diễn văn, như lối tường thuật một vụ án quan trọng? Cứ như tôi, thì việc này ít ra tôi cũng kéo được một tá mà hèn ra, mỗi số cũng chạy nổi hơn vạn tờ. Vậy mà ông vụng đến nỗi chỉ viết ra có một số, cuối bài đã chẳng hẹn hò độc giả xem tin thêm ở số sau, ông lại cao thượng mà chẳng thèm nói nữa! Bây giờ thôi! Thế là xong!… Đây này, ông nhìn xem, vì ông khờ mà mấy tờ báo lá cải nó cướp mất mồi. Bài của ông ra lúc ba giờ, thì chín giờ tối, chúng nó in ngay phụ trương để tranh khách! Này, còn tờ Buổi Sáng nữa, ông thử đọc mà xem, có phải bài thời sự ấy nó viết hay và văn chương bao nhiêu không?

– Chà! Họ mà lại tin, ai mà chẳng biết!

– Sao ông nói dốt thế? Ai biết? Ông xem hai bài, có đoạn nào giống nhau không? Đấy, sự thực có hơn gì câu bịa? Những thời sự mọi khi ông viết, tôi vẫn kêu là ngắn quá, mà thiếu nhiều văn chương. Như thế phải tốn nhiều việc mới lắp đầy mấy cột báo. Ông phải biết những người làm báo lâu năm như tôi, viết thời sự không cốt gì phải mục kích mới viết nổi. Mất thì giờ đi. Mà đi thì tốn tiền! Ngồi nhà mà chẳng viết nổi bài tường thuật đám đánh nhau, việc chết chẹt, vụ đắm thuyền à? Này, đến ngay như việc chiến sự ở Ngô Tùng bên Tàu, mà tinh ý ra, cũng viết được một bài rõ ràng không kém báo Trung Hoa, Nhật Bản. Thì nó có mẫu sẵn cả. Đám chẹt xe thì tất sứt đầu, kẹp tay, máu me lênh láng. Rồi khéo tả cho rùng rợn, và kéo dài như bài luận nhà trường rồi để kết luận, ông thêm cho hai tiếng “tội nghiệp”, thế là hay đáo để rồi. Những việc xẩy ra ở nước ta, việc nào chẳng giống việc nào, chỉ thay đổi một vài tiếng tên người, tên chỗ, có khó gì? Hứng bút ra, ông tìm những giọng văn cho mới, dùng chữ cho ngây ngô, có vẻ tây một tí, để lòe đời, có phải lắm người chuộng không? Bây giờ họ làm báo thế cả, chứ có cốt gì học thức lắm đâu? Vậy mà báo họ vẫn chạy lắm. Những lời tôi khuyên ông, tôi xin ông nghe tôi, bởi vì, chẳng phải khoe, tôi sành nghề làm báo hơn ông.

– Vâng, cảm ơn ông và xin lỗi ông, tôi muốn sang buồng ông chủ nhiệm.

– Thôi, ông không cần sang. Ông ấy vừa gắt ông đấy. Ông ấy gắt suốt cả ngày hôm qua đến nay! Nếu không có tôi nói đỡ thì có lẽ ông ấy đã viết thư ngay từ sáng sớm lên Lào Cai để thu cái thẻ phóng viên của ông lại rồi.

Ông phóng viên bùi ngùi đứng dậy, cảm ơn ông chủ bút và cáo từ lui ra. Khi cửa đã khép, ông chủ bút còn trông theo và tủm tỉm cười. Ông vui vẻ như cậu học trò đọc thuộc bài. Rồi, như còn quên một câu gì của ông chủ nhiệm, chưa nói nốt, ông gọi giật ông bạn đồng sự lại:

– À, này, ông phóng viên! Sau hết, xin ông đừng giận tôi nhé!

Ông phóng viên nhìn ông chủ bút như một vị ân nhân, vội trả lời:

– Ấy chết! Thưa ông, tôi không dám ạ.

3- 4- 1932

<!–nextpage–>

THẾ LÀ MỢ NÓ ĐI TÂY

A bord du Chantilly, le 10 Décembre 1927

Cậu,

Trời ơi, thực là tôi để luỵ đến cậu! Nếu biết trước rằng cảnh ly biệt nó xé tan nát gan ruột tôi như thế này, thà cứ chịu ở nhà dạy học, đỡ cậu mỗi tháng ba bốn chục bạc lương, thì được gần gụi gia đình, sớm tối vui thú với cậu, với con, việc gì đòi xuất dương du học, đến nỗi bây giờ vất vả một mình, thân gái dặm trường, khóc thầm với bóng!

Từ lúc con tàu chạy xa, nhìn vào bờ, chỗ cậu đứng bế con, chỉ còn thấy cái mùi soa bay phấp phới mà thôi, thì tôi bồi hồi tấc dạ, giọt lệ khôn cầm, tâm sự ấy bút nào tả xiết! Chỉ tiếc ngày thường không chịu nghiên cứu văn chương An nam, để lúc ấy tôi làm một bài thơ kỷ niệm sự biệt ly!

Vào đến buồng, nằm lả trên giường, tôi không buồn dậy nữa. Đã toan lấy bút ghi chép mấy câu vào quyển sổ tay, nhưng thảm quá, nước mắt đã tràn trụa, không nghĩ ra câu nào mà viết! Cậu ơi, cậu có làm thế nào cho tôi đỡ nhớ không?

Nhưng nay biết làm thế nào bây giờ? Con tàu ác nghiệt nó cứ mỗi lúc một làm cho mình xa nơi xứ sở thân thích, rồi nó lại che kín bằng bức màn sương. Nghĩ lại lúc mới cạo răng, mặc bộ quần áo đầm, lúc mới buớc chân xuống tàu, trong bụng hăm hở thế nào, thì bây giờ nhớ đến cái tình vợ chồng, cái tình mẹ con, tối tối được xum họp cùng nhau dưới ngọn đèn, thì ruột tôi lại cũng đau như cắt thế!

Nhưng đã trót đi thì cứ dấn, tôi không nản chí đâu, cậu ạ! Ở Hà Nội, thi chín khoa đã trượt cả, thì sang Tây phen này, ba năm ắt giật được mảnh bằng tú tài. Cậu sẽ chẳng xấu hổ mất tiền cho vợ du học đến nỗi trắng tay về không. Tôi buồn thực. Nhưng buồn bao nhiêu, tôi nhớ cậu bấy nhiêu. Tôi nhớ cậu bao nhiêu, tôi lại càng không dám phụ công cậu, nuôi cho ăn học.

Thằng chó con, trông ảnh nó, tôi nhớ nó quá! Nó có hỏi luôn tôi không? Nó có biết rằng mợ nó đi Tây không? Mấy hôm nay nó có hay quấy không? Cậu nhớ cho nó chủng đậu đi nhé. Mẹ tôi ở nhà có buồn không? Nếu cậu thương nhớ tôi, thì nhờ cậu thay tôi, thỉnh thoảng đi lại khuyên giải mẹ tôi cho khuây khỏa. Viết đến đây, nghĩ đến mẹ già, tôi lại tủi. Chẳng may nhà nghèo, đến nỗi bao nhiêu phí tổn đi Tây học, tôi để phần cậu chịu cả! Tôi thương cậu quá. Thực là một người chịu khó nhọc một mình để kiếm lương nuôi vợ đi du học như cậu, ít có lắm.

Nhưng cậu cũng nên thương tôi mà đừng chơi bời gì cả. Lúc nào cậu cũng nên nghĩ đến tôi, thui thủi quê người, vì thương cậu mà đêm ngày cố công đèn sách. Tôi nói thế, chứ chắc chả đời nào cậu lại phụ lòng yêu của tôi nhỉ! Quái, sao hôm nay tôi thấy lao đao thế này, hay là say sóng rồi đây?

À quên, cái hộp phấn của tôi dùng dở để ở bàn, cậu cho mang lại đằng chị Diệp hộ, vì chị ấy xin, mà tôi quên đi mất.

Xin chúc cậu và con mạnh khỏe luôn.

Tạ TUYẾT ANH

Leave a comment