NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Giảng xong, ông nhìn thằng học trò phải phạt, ông nói:

– Mày còn quỳ suốt buổi. Mày láo lắm, nghe chưa?

Thằng bé cúi đầu, sợ sệt. Ông nhìn nó một lúc, rồi hỏi cả lớp:

– Chúng mày có dám vô phép như nó không?

Cả lớp đồng thanh:

– Bẩm không ạ.

– Ừ, chúng mày phải…

Học trò tiếp:

– …nghe lời, kính trọng yêu mến thầy như cha ạ.

Ông giáo gật đầu:

– Hễ hỗn láo thì phải…

– …phạt ạ.

Rồi ông nghiêm khắc nhìn thằng học trò khốn nạn. Cả lớp im phăng phắc. Bỗng thằng ấy sụt sịt, cúi xuống đất, nhổ ra góc lớp.

Ông giáo thấy nó xấc, quắc mắt hỏi:

– Mày làm gì?

Nó khoanh chặt tay vào ngực, nức nở thưa:

– Bẩm thầy, con ngửi thấy rồi ạ.

Cả lớp cười ầm. Ông giáo cũng tủm tỉm về cách nịnh đời của thằng bé mới nứt mắt. Ông bảo:

– Bây giờ mày mới ngửi thấy. Mày đã mỏi gối rồi phải không?

– Bẩm thật ạ.

Rồi nó lại nhổ.

Ông giáo quát, hỏi:

– Mày còn phải quỳ đến tan học.

Nó quệt nước mắt, nói:

– Bẩm thầy, thầy tha cho con, con ngửi thấy rồi ạ.

– À, làm sao bây giờ mày mới ngửi thấy?

Nó vẫn khoanh chặt tay vào ngực, nhưng lấy khuỷu để trỏ:

– Bẩm thầy, vì con thấy nó bèn bẹt kia ạ.

Nó lại trỏ ngay vào giày ông giáo.

Cả lớp nghển cổ lên để nhìn. Ông giáo liếc mắt xuống gầm bàn, rồi tự nhiên giúi hai chân lại sau ghế, và ôn tồn nói:

– Thôi, nhưng mà chốc nữa chúng mày phải gội đầu bằng xà phòng nhé! Thằng Xứng, lên đọc bài…

3- 7- 1934

<!–nextpage–>

MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG

Điều tôi lấy làm bực mình nhất, là thế nào cũng có một độc giả đa nghi, xem xong câu chuyện này, bảo một bạn rằng:

– Hắn bịa.

Tôi hãy cãi trước rằng:

– Thưa không bịa tí nào.

Rồi không để ông độc giả ấy nói thêm, tôi phải tiếp luôn:

– Ngài cho là vô lý? Ngài nên hiểu, nghe chuyện gì mà ngài cứ lấy cái óc “cổ điển” ra mà xét, thì cũng cho là vô lý cả. Vì “thế sự” đã xoay thành ngược, mà “đời” ngày nay chẳng phải là một bà hiền mẫu biết thưởng phạt công minh. “Đời” đã hóa ra một con mụ chửa hoang đẻ bậy, sinh non ra toàn những hạng hoặc mất dạy, hoặc đói cơm.

Không. Ngài cho phép tôi nói nốt đã. Hạng đói cơm thì ngài thấy nhan nhản khắp mọi nơi. Thường họ gõ cửa nhà ngài xưng là “thất nghiệp”. Họ bị ngài đuổi đi, sau khi đã bố thí cho một bài học siêng năng không hợp thời. Còn hạng mất dạy, cũng chẳng ít. Họ rất no đủ, sang trọng, song, chuyên môn đeo mặt nạ để lừa dối, bóc lột lẫn nhau.

Nghe đến đây, chắc độc giả đã hơi bình tâm. Tôi liền đứng dậy, lên giọng nhà diễn thuyết, hùng hồn mà quả quyết rằng:

– Đời đã thế, thì những chuyện tôi kể ra không có gì là vô lý cả. Vả tôi hãy kể cho ngài những chuyện lạ lùng, có khi ở ngoài trí tưởng tượng.

Vậy thì chuyện là chuyện thật, xẩy ra trong một xứ kia, chừng mười mấy năm nay.

Hồi đó, quan ông được thăng tuần phủ tỉnh N.S. Song, vinh hoa phú quý thường đi ngược với quãng năm giời ban cho mình, nên được ba tháng, ngài về chầu Phật.

Quan bà, sau khi ma chay chu tất, lấy quân “ông cụ” vạch ngang vào phần bài cầm trên tay, thề rằng sẽ thủ tiết thờ chồng.

Hội bài đó, bà bỏ ù mất mấy ván. Vì trí bà còn bận hồi tưởng đến cái buổi tối nhá nhem trong rạp hát, bà bước một bước dài, từ chỗ “cái Bống” lên chức “bà Phủ”. Bà lại hồi tưởng đến cái đêm phong ba bão táp, bà bắt quan ông mua cho được chiếc ô tô kiểu mới, nó đưa bà đi nước đại, từ chức “bà Phủ” đến chức “cụ Tuần”.

Đến nay, đường con cái bà chả có, một thân góa bụa, bà đành gỡ mối buồn bằng sự ồn ào nơi thành thị, và tìm sự quên trong những cuộc xếp quân bài thành phụ.

Bà ở Hà Nội, nên bà cũng được gặp nhiều thứ người, đủ mặt như ở những thành phố khác: một con Bợm, một thằng Ngốc, và một ông Phán già.

Ông Phán già đây là một người chẳng hề đi làm tòa sứ nào. Nhưng được người ta gọi như vậy, nên ông cũng nhận một cách không bất đắc dĩ, để tránh những tiếng xưng hô xoàng như “ông trưởng”, “ông cả”, nó mất cả vẻ… mỹ thuật của bộ ria lưỡng long chầu… huyệt mũi, nó xòe đuôi lên hai má chảy sệ của ông.

Ông trạc độ tứ tuần, có lẽ sinh cùng năm với quan bà.

Cả về cách ăn mặc cũng đăng đối: Này nhé, cái kính không cận, cũng không viễn thì sánh với cặp môi đỏ nẫn; hai cái khuyết con đính trên ngực áo sa, ăn ý với cái ngực đầy lù lù, nóng hôi hổi; còn cái quần thì cũng hộp, cũng trắng, chỉ khác là một chiếc lại bằng sa – tanh mà xổ gấu, cái dấu hiệu ngàn năm của tấm lòng bi thương của người sương phụ đáng thương.

Nhà ông Phán thường tấp nập quý khách. Nào là quan Huyện tỉnh Tuyên, người yếu muốn lo về Nam cho lại sức, nào là cụ Bố tỉnh Thái, sợ xa quá, mong được đổi về vùng Bắc cho được gần nhà.

Ông thường gọi vắng mặt những người có giá trị đó bằng thằng, nhất là trong những cuộc tổ tôm, ông ngồi tay trên quan bà, vì ông muốn lên giọng kẻ cả làm thầy cho người.

Ông vừa đánh quân thất vạn đi, vừa nói:

– Cụ lớn không rõ, nhà nước mấy lần gọi tôi ra tri phủ, nhưng tôi nghĩ chẳng vạ gì mà ra, lại phải ở dưới quyền bọn kém mình. Nhưng giá tôi được biết cụ lớn trước, thì có lẽ cũng ra, để được làm chỗ thân tình ngay từ dạo đó.

Ông nói xong, cười giòn tan, mở bộ mành mành mồm cong lên, để hở hàm răng màu không tên, là kết quả của những phen vừa ăn trầu, vừa hút thuốc lá, vừa nói khoác.

Quan bà thò tay ra đĩa bốc, vật quân tam vạn đánh đét xuống chiếu, nom lướt qua bài mình, gạt nó sang bên phải, rồi trả lời:

– Nếu thế thì chúng tôi còn hân hạnh nào bằng. Nhưng dù biết trước hay biết sau, chúng tôi cũng phải nhờ đến ngài một việc.

– Dạ, không ạ, mời bà xơi cho. Hôm nay cụ Phán đánh thế nào ấy, tôi chịu không sao ù được nữa.

Leave a comment