NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Này, cậu vào nhà xem, nó xin tiền, tôi không cho. Nó xin ăn, tôi không có. Bây giờ nó nói hỗn.

Ông Dự phân bua với tôi thế, rồi hung hăng, trỏ vào mặt thằng Quít:

– À, hay là mày không ở với tao nữa, thì mày giở chứng?

– Lạy ông, không phải thế. Con biết rằng bẩm ông câu ấy là con hỗn, nhưng chính con trông thấy ông mở khăn gói của con.

Ông Dự đứng phắt dậy, mặt hầm hầm, đến gần thằng Quít, giơ tay toan tát:

– Quân này bạc thật. Mày đổ cho ông ăn cắp của mày?

Thằng Quít giật lùi, giơ tay đỡ:

– Lạy ông tha cho con, con chỉ dám xin ông món tiền công ông chưa cho con mà thôi.

– Mày bảo ông chưa cho mày? Thế mày xếp đầu bố mày vào trong áo the à?

– Bẩm ông, nhưng mà lúc hơn 3 giờ sáng…

Ông Dự sấn lại thằng Quít, giơ thẳng cánh, đưa cả bàn tay vào mặt nó để lấp miệng nó lại, cho nó mất nói. Môi và mũi nó bỗng được ăn trầu. Nhưng miếng trầu máu không phải là thứ người ta mời nhau để làm đầu câu chuyện ôn tồn, nên thằng khốn nạn đứng câm như thóc, mà ông Dự thì trỏ tay ra cửa, quát to:

– Ông cấm mày bận sau không được lai vãng đến đây! Liệu hồn, mày định bôi nhọ ông à? Mày ở với ông, ông trả công mày tử tế, bây giờ mày đòi cái gì? Bước!

Thằng Quít cứ đứng gan lì, không nhúc nhích. Ông Dự đẩy nó ngã ra cửa, và đá theo đến mười chiếc vào cẳng chân. Nó vừa chạy, vừa kêu cha kêu mẹ.

*

* *

Từ hôm ấy, tôi có ý tìm thằng Quít, định mách nó một chỗ làm, nhưng không gặp nó đâu. Tôi yên trí rằng lại nhà ông Dự, tất tôi biết tin tức nó.

Cũng như mọi lần, ông Dự trách tôi bằng những câu tôi đã nghe nhẵn cả tai:

– Cậu ác quá, chẳng nể ai cả!

Rồi ông kể thêm rằng:

– Nó lại đến đây ba lượt nữa rồi đấy. Nhưng lượt sau cùng, phúc bẩy mươi đời nhà nó, tôi không có nhà. Mà thằng ôn vật này (ông trỏ thằng Quít mới) không biết nghe nó dỗ ngon dỗ ngọt thế nào, lại thí cho nó bát cơm nguội.

Nói đến đó, ông trợn mắt nhìn thằng đầy tớ và dọa:

– Bận sau, mày không đuổi nó đi, còn dung túng nó ở nhà này, thì chớ chết, ông bảo trước.

Rồi ông nói chuyện tiếp:

– Thật, thừa cơm cũng không nên cho đồ bất nhân ấy ăn. Mà hình dung, mặt mũi, nó như thằng ăn cắp chợ. Không hiểu mười đồng bạc tôi trả lại nó, nó đã tiêu những gì?

Tôi ngạc nhiên, hỏi:

– Ông đã cho nó rồi?

– Phải, lần thứ hai nó đến, tôi đã trả. Dạo trước, mình túng thì làm thế cho nó đỡ ngầy ngà, chứ ai thèm. Mình có, cho nó thêm chẳng vẻ thay nữa là. Thấy nó thực thà, ta nên thương hại.

Tôi khen ông Dự hào hiệp và nhân từ. Ông sướng lắm, lập tức trả nợ miệng tôi bằng mấy câu khen tôi thông minh. Một lát sau, ông mời tôi bẩy giờ tối hôm ấy, đi ăn cơm tây với ông. Ông bảo:

– Lắm lúc ở nhà một mình, tôi nhớ cậu đáo để.

Tôi nhận lời và cáo từ ra về, để thay quần áo cho tươm tất.

Khi tiễn tôi ra cửa, thình lình ông Dự biến sắc mặt, cau có, nói:

– Quái, thằng ấy lại đến, bực mình chưa!

Leave a comment