NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

PHÀNH PHẠCH

Nghe thấy chiếc đồng hồ treo tường thong thả điểm mười tiếng, bà uể oải sờ trên đầu giường, ấn ngón tay cái vào núm quả lê bấm chuông, rồi lại uể oải đặt phịch cánh tay xuống. Trời oi bức làm cho người ta mệt nhọc, chán nản và lười biếng.

Mấy hôm nay, nhờ trời, dân Việt Nam ta không phải phàn nàn rằng nước ta kém nực. Gớm ghiếc! Nóng đâu lại có nóng thế! Suốt ngày, ánh nắng rọi xuống, làm cho đất trắng xóa, nẻ kẽ, lá cây gục lả như sắp chết khát. Thỉnh thoảng, trận gió tây nổi lên, hắt hơi lửa vào mặt. Buổi tối thì im gió, nên khí nóng cứ lẩn quất một nơi. Quạt đến rã cánh tay, chẳng qua chỉ đổi hơi bức chỗ này lấy hơi bức chỗ khác.

Bởi vậy, ai kia, chứ bà thì thấy khổ lắm. Bà bứt rứt, khó chịu, nhiều lúc muốn vứt phăng cả chân tay đi, tưởng chừng như thế thì đỡ vướng víu. Bà rửa mặt, lau mình cả ngày, mà da vẫn nóng hầm hập. Bà bới tóc ngỏng lên tận đỉnh đầu, ngồi ngửa bụng ra, chống hai tay lại đằng sau mà thở. Nhiều lúc, ngó thấy trời xanh ngăn ngắt, bà phịu cả đôi môi dầy và ướt, cau có nói:

– Lạy bố, thế này thì đến chảy mỡ ra mất!

Buổi tối, bà không thích đi đến những nơi thoáng khí để hóng mát. Phải vạ mà đánh phấn, mà bôi môi, mà đóng áo dài vào! Nực lắm và phiền lắm! Vả trời này, chắc gì kiếm được một nơi có tí gió để đứng? Chi bằng nằm trong buồng, tắt đèn đi cho nó có vẻ dịu mát, mở tung hai cánh cửa chớp, rồi vặn quạt máy vù vù. Như thế, may mà bà còn chợp ngủ được tị nào chăng. Mấy hôm nay, bà lủng củng suốt đêm.

Vậy thì bà nằm đó. Nhưng thoạt trông đố ai dám bảo là một người. Nếu người ta chưa nom rõ cái mặt phị, cái cổ rụt, cái thân nung núc, và bốn chân tay ngắn chùn chùn, thì phải bảo là một đống hai ba cái chăn bông cuộn lại với nhau, sắp đem cất đi.

Thật thế, bà béo lắm, một cái béo rất hùng vĩ, ít ai có thể tưởng tượng được. Mùa hè, ai trông thấy bà mà không phát ngấy thì tôi không phải là người.

Bà bấm chuông để gọi con Đỏ con, vì đã mười giờ rồi.

Quả nhiên, con Đỏ con chưa dám ngủ. Nó thức để chờ bà gọi. Xong việc, nó mới được yên thân. Nó lừng lững lên, tay phe phẩy chiếc quạt giấy. Nó lên quạt hầu bà.

Bà cắt cho nó việc ấy, thật là bà đủ lòng nhân đạo đối với một con bé ở mười hai, mười ba tuổi đầu. Phải, còn gì nhẹ nhàng cho bằng việc ngồi yên một chỗ, cầm chiếc quạt khẽ đưa đi đưa lại. Bà đã vì thương người mà nuôi cơm không cho nó là tốt. Chứ ngữ ấy, cơm chẳng biết thổi, nước chẳng biết gánh, quần áo chẳng biết giặt, nếu chẳng xin ở công không để kiếm miếng ăn, tất chỉ có đi ăn mày. Con Đỏ con, cả ngày, chỉ có việc bế anh, rồi làm phụ dưới bếp. Rồi đến khi anh ngủ, có chuông bà gọi, thì lên quạt hầu bà. Bà có khiến nó làm việc gì nặng nhọc quá sức nó nữa đâu?

Con Đỏ con mới được bà nuôi ngót một tháng, nên nó vẫn còn gầy còm lắm.

Nó đến mé tường, rút cái núm truyền điện để tắt quạt đi. Nó thuộc chỗ và làm thạo lắm. Bà dạy nó và bắt nó thử đi thử lại hai ba lượt cho quen tay. Bà lại dạy nó rằng gió quạt điện chí độc, lỡ ra ngủ quên ở trước quạt máy, có khi thành bán thân bất toại, chứ chẳng chơi đâu. Vả bà cũng sợ để lâu thì hại quạt và tốn tiền điện.

Con Đỏ con cuộn dây quạt, đặt lên mặt bàn. Rồi nó khẽ nâng chiếc ghế đẩu, đặt thật nhẹ xuống gạch, ngay bên giường bà nằm. Nó ngồi lên, và mở to chiếc quạt giấy, phẩy phành phạch vào phía bà.

Bà nằm sấp, chân co, chân duỗi, úp mặt xuống, nhắm mắt sẵn, thỉnh thoảng giục:

– Mạnh vào một tí.

Con Đỏ con ngồi thẳng lại, như để lấy hết gân sức, để quạt phành phạch vào bà. Lưng áo lụa của bà phồng lên như cánh buồm. Nhưng nó thì nực lắm.

Trong buồng im phăng phắc. Ánh đèn phố lẳng lặng chiếu qua hai chiếc cửa sổ có chấn song sắt. Người đi ngoài đường vãn dần. Sự tĩnh mịch của đêm khuya ru người ta vào cõi mộng.

Leave a comment