NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Tôi không biết, cô hỏi thăm anh xe này cũng được. Tôi còn vội đi mời đốc tờ cho vợ tôi ốm đây!

Hai cái thở dài thất vọng theo đuôi nhau, rồi không ai nói thêm một lời nào. Anh xe lại từ từ tiến bước.

– Cô làm thế này thì tôi chết mất!

– Thôi anh bằng lòng vậy.

– Ấy cũng may cho cô, vơ vẩn mãi ở ngoài phố thế này, mà gặp mật thám hoặc đội con gái thì khốn!

– Mật thám tôi cũng chả sợ, đội con gái tôi cũng chả cần, vì tôi có “ba tăng”.

Đi một lúc lâu, chẳng gặp một ai cả, cô ả bảo anh xe:

– Này, anh đỗ xuống tôi bảo. Tôi nói thực với anh nhé. Bây giờ đã về sáng rồi, chắc anh kéo tôi mãi cũng đến thế mà thôi. Tôi thì thực không có tiền trả anh đâu. Tôi gán cho anh khăn, áo, đồng hồ mà anh không lấy, thì tôi chả biết nghĩ thế nào cho phải cả. Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì, tôi xin chịu.

– Tôi bắt gì cô mà tôi bắt!

Cô ả nắm lấy tay, vỗ vào vai anh xe, nhăn nhở cười:

– Anh này thực thà quá, nghĩa là chỉ có anh và tôi thôi, thì người tôi đây, anh muốn làm gì, tôi cũng bằng lòng.

– Ối thôi! Tôi lạy cô. Nhỡ cô đổ bệnh cho tôi thì tôi bỏ mẹ tôi.

– Không sợ, tôi mới khám bệnh hôm qua.

– Thôi, tôi chắp tay tôi van cô, cô có thương tôi thì mời cô xuống xe cho tôi về, và xin cô tiền xe!

– Thế thì anh cứ kéo tôi về nhà tôi, xem có đồ đạc gì đáng giá, thì anh cứ việc lấy.

Anh xe bụng bảo dạ, thôi thì cầm bằng như mất cả buổi đêm nay là cùng. Nhưng ta chịu khó kéo nó về, may xem có cái gì thì ta lấy, còn hơn về không. Thật là đò nát đụng nhau.

– Nhà cô ở đâu?

– Trên Hàng Bún.

Anh xe vừa kéo, vừa lẩm bẩm nói một mình:

– Không có tiền, cũng leo lên xe mà ngồi, chỉ sĩ diện hão thôi, lại còn tí tách hạt dưa, với phì phèo thuốc lá mà không biết ngượng!

Cô ả đành chịu mặt dầy cho anh xe mắng một ít câu cho bõ hờn, cứ ngồi im như phỗng.

Lúc ấy, gió bấc thổi căm căm, buốt đến tận xương. Nhà hàng phố đã thấy có người dậy. Nhưng họ dậy có phải để đi tìm gái đâu!

Đến cửa một nhà săm, cô ả bảo:

– Anh hãy ghé vào đây một tý cho tôi hỏi vay tiền người này xem có được không.

Anh xe hơi có hy vọng, đỗ lại để cho cô ả vào. Rồi vì mệt lử, anh ngồi phịch xuống sân xe, tựa lưng vào thành, vừa chờ, vừa nghĩ vơ nghĩ vẩn.

Một lúc lâu, một tràng pháo nổ vang trời, làm anh giật mình. Anh sực nghĩ đến cô ả, không biết cô ta vào đây làm gì mà lâu thế. Hay có lẽ đã có món khách nào chăng. Nhưng thế nào cũng phải trả tiền cho mình về đã chứ, lại bắt mình chờ đến sáng hay sao? Anh gõ cửa gọi.

Người bồi săm ra.

– Ông ơi, tôi hỏi thăm ông, người con gái quấn khăn quàng trắng vào đây ban nãy, nằm ở buồng nào?

– Chả có buồng nào có khách cả.

– Thế người con gái ấy đâu?

– Ra ngay từ bao giờ rồi, còn đâu mà hỏi?

– Thôi chết tôi rồi, ra cửa nào?

Người bồi lấy ngón tay cái, hất ngang về phía cổng sau.

Anh xe choáng người, như nghe tiếng sét đánh. Anh bàng hoàng như chợt tỉnh giấc chiêm bao. Người bồi săm nói xẵng:

– Đi, cho người ta đóng cửa. Ai bảo anh xông nhà cho tôi? Năm mới đừng bí beng!

– Ông ơi…!

Người bồi giúi vai anh xe, đẩy ra, rồi đóng ập cửa lại.

Anh xe nghiến răng, cau mặt, lủi thủi ra hè, cầm cái đệm quật mạnh vào hòm đánh thình một cái! Anh móc túi lấy bao diêm đốt vía, rồi khoèo bàn chân, co cái càng lên, đưa tay ra đỡ, thủng thẳng dắt xe đi.

Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch…

11- 2- 1931

<!–nextpage–>

NỖI VUI SƯỚNG CỦA THẰNG BÉ KHỐN NẠN

Từ ngày đã lâu, thằng Dần thấy không biết tại làm sao, cậu nó ngủ một giấc, mãi đến tận bây giờ chưa dậy. Trong lúc cậu nó ngủ, nó thấy người ta gói cậu nó lại, cất vào cái hòm dài, rồi túm tụm, khênh đi, bỏ xuống cái hố sâu. Mợ nó thì ăn mặc như con cào cào trắng, và không biết phải đòn hay sao, mà bù lu bù loa khóc rầm lên, rồi nhảy cả xuống hố, nằm ôm lấy cái hòm. Mấy người lôi mãi mới lên. Rồi người ta lấp đất. Ấy thế là cậu nó không về nhà với nó nữa.

Ngày ấy nó mới lên ba, chả biết gì là thương cậu nó cả. Chỉ biết thương mợ mà thôi. Vì mợ nó cứ đến tối, đứng đâu, ngồi đâu, nằm đâu cũng ti tỉ. Mỗi khi mợ nó khóc như thế, thì y như nó cũng khóc theo. Nó nghĩ chắc rằng hễ nó ăn no chóng lớn thì mợ nó nín luôn, vì nó thấy dần dần, mợ nó không hay khóc nữa. Nhưng tức quá, nó cứ lên ba mãi, nóng cả ruột.

Thế nhưng hôm tết, mợ nó bảo:

– Bây giờ Dần lên bốn rồi.

Nó mừng quá chạy lại bá cổ mợ nó, gí cái môi bé tí vào má mợ nó, rồi nũng nịu:

– Không, chả. Dần lên năm cơ!

Nói trộm bóng, từ ngày nó lên bốn, nó như con chó ấy. Hóm đáo để! Ai bảo cậu nó đâu thì nó bảo chết rồi, chứ nó không bảo cậu nó đi Tây nữa. Ai hỏi ảnh cậu nó đâu, thì nó trỏ cái ảnh dựng trên bàn thờ, chứ không trỏ bậy trỏ bạ cả vào ảnh ông Quan Công treo trên tường nữa.

Một hôm nó hỏi mợ nó:

– Cậu là ai, hở mợ?

– Cậu với mợ đẻ ra Dần chứ ai? Cũng như thầy u con Tý đẻ ra con Tý ấy mà!

Nó nghĩ đến thầy con Tý yêu con Tý, mà nó chưa được cậu nó yêu, thì nó xị mặt xuống.

– Thế cậu chết ở đâu? Bao giờ cậu về, hở mợ?

– Cậu chết ở dưới đất, không bao giờ về nữa.

– Ứ, chả thế đâu!

Thế rồi nó thấy mợ nó rầu rầu, nhìn lên ảnh cậu nó ở bàn thờ, mà nước mắt chạy quanh. Nó hiểu rằng không có cậu nó thì mợ nó không vui, nó thỏ thẻ dỗ mợ nó:

– Mợ đừng thế nữa. Không cần. Cậu không về đã có bác Phán.

– Từ rầy Dần đừng nói thế, Dần nhé.

– Dần vẫn thấy bác Phán như thầy con Tý đấy, mợ ạ.

– Mợ bảo thì Dần nghe, chóng ngoan.

Nó biết rằng hễ nó hư thì mợ nó không bằng lòng, nên nó không nói nữa.

Đến tối, nó thấy mợ nó thắp hương ở bàn thờ, rồi đứng ở trước, nói thầm như mọi khi. Nó cũng chắp tay đứng cạnh. Vì mợ nó bảo:

– Mợ nói thầm thế là khấn cậu về phù hộ cho mợ và Dần đấy.

Leave a comment