NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

CÔ KẾU, GÁI TÂN THỜI

…Nhưng cô có nhận cái tên ấy nữa đâu!

Kếu là nghĩa thế nào? Nghĩ bao nhiêu, cô lại oán cha trách mẹ, không đặt cho cô cái tên mỹ miều. Mà chữ nho, nào thiếu gì tiếng hay, sao cô chịu mang cái tên nôm na xấu xí ấy mãi? Nhất là đi ngoài phố, hay là ở chỗ đông người, mà mẹ cô gọi: Kếu ơi! Thì cô đỏ mặt tía tai, hậm hực, lấy làm ngượng quá! Lại còn những chị em bạn cô mới ác làm sao! Cứ những lúc ở Bờ Hồ, hay thấy cô gặp một công tử quen nào, là nhè ngay cái tên cúng cơm của cô ra mà réo quang quác, rồi cười rúc rích.

Nhiều lần cô đã lạy van, xin rằng giữ sĩ diện cho cô mà gọi cái biệt hiệu cô mới nhờ người ta đặt hộ là Bạch Nhạn ấy, nhưng các mẹ ranh tai ngược, cứ vờ quên, để bêu cô, mới tức chứ?

Cô Bạch Nhạn – phải đấy, bởi vì cô đã thề độc đứa nào còn bêu cái tên cúng cơm của cô – cô Bạch Nhạn buồn lắm. Vì cổ hủ hết cách. Cái tên đã là “Ca Ê U sắc”, mà lại ăn mặc lối cổ! Ấy thế cũng mang tiếng là con gái Hàng Đào! Các bạn cô, cô Bích Ngọc thì đã được mặc quần trắng và áo sáu khuy. Cô Song Khê đã được cạo răng. Đến ngay như cô Mộng Lê, mà bà cụ cũng chịu để cho đánh phấn và mặc áo màu nữa là! Ấy là cô chẳng dám so kè với cô Minh Nguyệt, được mẹ chiều chuộng quá, mà cho phép đi học cả nhảy đầm ở nhà bạn trai đấy! Thế mà cô Bạch Nhạn ta, úi chà, động có chải cái tóc xòe xòe ra một tí là bị chửi liền.

Ức nhất là quanh năm cô chỉ được mặc đồ thâm như người có trở, trông tối sầm như bà cụ.

Ấy, giá cô không mua cái khăn nhung và nhờ bà mợ vờ đem lên cho, thì có lẽ bây giờ cô còn phải chít cái khăn sa tanh trông như con Sen con Nụ.

Cô bực mình quá! Sao lại có bà cụ nghiệt như mẹ cô bao giờ. Bà cụ tưởng cứ đánh phấn với mặc áo màu là đĩ cả đấy!

Bà cụ biết đâu rằng các cô gái non bây giờ, mỗi năm một mốt, thay đổi soành soạch, thi nhau mà quần nọ áo kia.

Mà có phải nhà cô nghèo kiết gì cho cam! Tiền của nhà cô tưởng có sắm ăn, sắm mặc bằng mấy người ta, cũng còn thừa nữa là. Nhưng bà cụ cứ bắt na bắt nét, bắt tập những nết ăn, ý ở, bắt học những câu nói, việc làm.

Một hôm, cô rình lúc bà mẹ ngủ, mới khẽ lấy hộp phấn Cô – ty mà cô nhờ người mua hộ, vẫn cất kỹ ở trong hòm. Cô đánh mặt cho rõ trắng, bôi cả nốt ruồi giả bên cạnh má. Cô ngồi soi gương, ngắm đi ngắm lại một mình độ nửa giờ, rồi lại phải đi rửa mặt cho thật kỹ, mới dám đi ngủ.

Năm nọ, cô có giấu mẹ, may ngầm một cái áo lam. Nhưng cô chẳng mặc thật lần nào. Đến bây giờ màu ấy lại là màu cổ mất rồi. Những lúc cô có việc đi cùng chị em bạn, thì tự cô thấy ê chệ nhất đám, vì cách ăn mặc của mình. Cô than thở, thì cô Song Khê xui rằng:

– Tội gì! Có tiền, cậu cứ sắm văng đi! Mẹ cậu có giết được cậu đâu mà cậu sợ?

Nhưng cô không dám liều thế. Vì lỡ bị mẹ chửi thì cũng khổ. Cô Bích Ngọc cũng phàn nàn hộ cô:

– Ở đời này mà cứ ăn mặc theo lối cổ thì bất quá lấy được anh giáo học là cùng! Những thằng Cao đẳng nó chỉ ưa tân thời thôi.

Thấy bạn vẽ cái tương lai, cô lại thở dài, oán cái nền nếp nhà cô. Sao trời đã sinh ra cô là con gái; con gái phố Hàng Đào; con gái phố Hàng Đào có nhan sắc; con gái phố Hàng Đào có nhan sắc của một nhà giàu; con gái phố Hàng Đào có nhan sắc của một nhà giàu đương thì đào tơ mơn mởn, mà không được sinh trưởng vào một cái gia đình được ăn mặc tự do, để được xứng đáng với từng ấy cái mà cô được hơn người.

Cô bực. Cô bực quá!

Thỉnh thoảng, cô ngồi trông hàng, ló mắt ngắm các tiểu thư đi qua nhà mà đâm ghen.

Nhiều cô thực là xấu, cái môi cong tớn, cái mắt ốc nhồi, thế nhưng hễ mà ăn mặc đúng mốt tân thời thì trông không thấy xấu nữa. Thế thì cô, tuy trẻ và đẹp, nhưng vì ăn mặc đen, thì có lẽ cái nhan sắc cũng bị tiêu đi mất chứ còn gì! Gớm! Thế thì chán thật…

Cô thèm! Cô thèm quá!

Leave a comment