NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Nguyễn Công Hoan đã dùng ngòi bút của mình vạch toạc tất cả những sự thật ấy ra, những sự thật đen tối của một chế độ xã hội tàn nhẫn và mục nát đến xương tủy, những sự thật mà nhiều người có thể biết nhưng chưa nhận thức được hết cái tính chất vô đạo, bất nhân của nó. Anh thiên về lối kể chuyện hài hước và trào phúng, do vậy ngòi bút phê phán và tố cáo của anh lại càng lợi hại hơn. Cái cười mỉa mai khinh bỉ có sức công phá mạnh hơn là những lời kêu ca than vãn, đánh mạnh vào cái chế độ độc ác, đểu cáng, nhưng lại giả đạo đức trắng trợn… Nếu như hồi đầu việc lựa chọn đề tài của anh còn có vẻ phân tán, còn nhằm vào cả những con người tuy có lố lăng buồn cười, nhưng xét ra chẳng có tội tình gì mà chỉ đáng thương hại, thì càng về sau nó càng tập trung vào những hạng người thật sự đáng khinh, đáng ghét, đáng thù trong xã hội bấy giờ. Anh đặc biệt chú ý đến bọn quan lại làm tay sai cho Pháp, mà nhờ có hoàn cảnh riêng như đã nói ở trên, anh đã có dịp quan sát nghiên cứu kỹ từ đời công đến đời tư, từ diện mạo, cử chỉ bề ngoài đến tâm lý bên trong. Qua các tác phẩm của anh, người ta có thể lập một bản liệt kê chi tiết đủ các hạng quan tham lại nhũng, đủ các hạng lớn nhỏ của các loại sâu bọ nhơ nhớp dựa vào thế đế quốc để hút máu mủ đồng bào ấy…

*

* *

Muốn đả kích, tố cáo một xã hội tàn bạo và mục nát, không phải chỉ cần có một đôi mắt quan sát tinh tường và một vốn kinh nghiệm sống phong phú đã là đủ đâu! Kinh nghiệm đã cho thấy rằng một nhà văn hiện thực phê phán sở dĩ lớn chính là nhờ có một chỗ đứng và một cách nhìn chính xác, một lý tưởng xã hội cao đẹp để có thể nhân danh đó mà đánh giá tư tưởng và hành vi của các con người xấu xa trong xã hội…

Theo những lời tự thuật của Nguyễn Công Hoan, người ta đã có thể thấy được khá rõ những yếu tố nhận thức, tư tưởng, tinh thần đã tạo thành con người nhà văn Nguyễn Công Hoan. Nhưng, có người nào đó đã nói rất đúng rằng: tiểu sử trung thành nhất về bộ mặt tinh thần của một nhà văn, chính lại là tác phẩm của nhà văn ấy.

Qua toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, người ta thấy ngay rằng để có được những trang phê phán mạnh mẽ, chua cay như vậy, nhà văn ấy phải có một lập trường nào đó làm cho anh “biết chia ranh giới giữa cái gì là đáng trọng với cái gì là đáng khinh, giữa ai đáng thương với ai đáng ghét”.

Lập trường ấy thế nào?

Nguyễn Công Hoan đã đánh rất mạnh vào bọn quan tham lại nhũng, đã lôi ra ánh sáng cái hình thù xấu xa của chúng dưới đủ dạng tàn bạo hoặc đê tiện. Nhưng người ta dường như thấy rằng anh chỉ mới đả kích vào tên quan này hoặc tên quan nọ, chứ chưa đánh thẳng vào cả tổ chức quan lại nói chung, với tính cách là một bộ máy đàn áp mà thực dân Pháp hồi ấy cũng như các vua chúa phong kiến trước kia đã tùy theo mỗi chế độ mà tuyển lựa, đào tạo, xây dựng khác nhau, nhưng cùng nhằm để khủng bố, bóc lột nhân dân. Nguyễn Công Hoan có vẻ còn muốn phân biệt trong quan trường còn có người tốt, kẻ xấu, còn có hạng tham nhũng, gian ác và hạng thanh liêm thương dân; và anh đã từng thử giải thích rằng sở dĩ như vậy là vì có những ông quan xuất thân từ khoa bảng “trung thành với đạo lý của nho giáo”, và những “thằng” quan xuất thân từ lũ vô lại, vô học được thực dân Pháp đưa lên, vốn dòng dõi hèn hạ nên chẳng có câu nệ gì, về luân lý, đạo đức, tha hồ làm điều xấu, điều ác… Nhưng… Hoàng Cao Khải chẳng phải xuất thân là cử nhân đó sao? Vũ Văn Báo (cái thằng đã báo Tây bắt cụ Nghè Giao Cù), Dương Lâm (tên quan ăn tiền và ăn chơi dâm dật có tiếng), chẳng phải là dòng dõi “thế phiệt” đó sao? Sự thật, thì quan lại là một bộ máy khủng bố và bóc lột nhân dân của đế quốc và phong kiến, do vậy mọi hành động bắt bớ, đánh đập, dọa nạt, vơ vét của nhân dân đều nằm trong chức năng chính thức của chúng; mọi thủ đoạn xoay xở ăn tiền đều được coi là quyền lợi hợp pháp của chúng… Trong một bộ máy như vậy, một vài người “tốt”, “trong sạch” có làm gì thay đổi được bản chất của bọn quan lại đâu, đấy là chưa kể trong cái thế giới yêu ma, quỷ quái ấy người “tốt”, người “trong sạch” đến đâu mà chẳng bị tha hóa! Chính vì nhận thức của Nguyễn Công Hoan về giới quan lại của đế quốc phong kiến chưa được đầy đủ như vậy, nên có lần anh đã viết tiểu thuyết “Thanh đạm”, mà bây giờ anh đã nhận ra là một sai lầm không những về văn học mà còn “về ảnh hưởng chính trị”…

Leave a comment