NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Đè lời của bạn, tôi lên giọng, ngâm nga mấy dòng đầu. Lúc bấy giờ tôi mới biết là bạn tôi viết tiểu thuyết.

Nhà tiểu thuyết thấy tôi khen, thì đắc chí, ngắt tôi lại, nói:

– Thế cho nên tôi mới lấy tên là Lãng Mạn Tử. Đây là tôi tả cái tình lãng mạn của đôi trai gái ngây thơ. Trang thứ hai, thứ ba, còn nhiều đoạn hay hơn nữa kia.

Tôi lại phải đọc rất to. Nhưng may được cái sách in chữ bằng con quạ, nên tôi miệng vừa lấy giọng, óc vừa nghĩ đến truyện riêng, mà đọc cũng không sai lầm lắm.

Nhà tiểu thuyết chú ý nghe, thỉnh thoảng cao hứng, lại đọc thuộc lòng theo tôi từng đoạn, hoặc giảng cho tôi nghe những chỗ mà anh cho là hay ngấm ngầm.

Sau cùng, đọc hết trang cuối, tôi được thoát nạn. Tôi uống chén nước và ngồi thở, để mặc cho nhà tiểu thuyết tự khen mình. Song, muốn cho câu chuyện có kẻ tung người hứng, tôi nói:

– Thế này mà bán có một hào, rẻ quá.

– Phải, rẻ lắm thực. Nhưng kinh tế này, ta nên đề giá cho phải chăng. Tôi muốn cho sách tôi phổ thông, nên chỉ bán bằng cái số tiền ai cũng có thể có được.

– Anh in ra mấy nghìn?

– Hai nghìn, nhưng với người khác, tôi phải nói lớn là in năm nghìn. Rồi độ ít lâu, tôi sẽ quảng cáo là đã bán đến nghìn thứ tư. Nhưng chán quá, hai nghìn mà vẫn chưa chạy hết đấy, anh ạ.

– Vậy đã chạy được bao nhiêu rồi?

– Ít lắm.

– Bao nhiêu?

– Không khéo thì lỗ to. Chỗ bạn cầm bút với nhau, ta chả nên giấu nhau điều ấy. Anh có cách nào, cứu tôi với.

– Chạy được bao nhiêu rồi?

– Mới được có dăm quyển.

Tôi cau mặt một cách rất tự nhiên để tỏ ý ngạc nhiên về sự cố nhiên ấy. Bởi vì, khốn nạn, không biết Lê Văn Tầm đem in quyển “Mịt Mù”, vì anh phải bệnh loạn óc, hay anh cần phải thượng khẩn cưới một cô vợ thích văn chương. Chứ mà, cả vật chất lẫn tinh thần, cuốn sách ấy thật đáng để Cẩm phạt, vì nó vừa bẩn lại vừa… bẩn.

Bạn tôi nói:

– Tôi biếu anh quyển này, cốt anh đọc, để anh hiểu cho. Rồi nhờ anh đưa tôi lại chơi nhà Việt Sỹ. Có một lời của ông Việt Sỹ giới thiệu trên báo, thì tất sách chạy.

Tôi lưỡng lự, chối:

– Việt Sỹ, tôi chỉ hơi quen, chứ không lấy gì làm thân. Vả cần, anh cũng nên làm quen với Việt Sỹ thì hơn, rồi anh nói với ông ấy.

– Vâng, nhưng tôi nhờ anh giới thiệu tôi với Việt Sỹ.

Rồi nghĩ ngợi một lát, Lê Văn Tầm nói:

– Tôi có cách thân ngay với Việt Sỹ. Chỉ nhờ anh đưa tôi đến làm quen với ông ta mà thôi. Rồi tôi sẽ mời ông ta đi ăn cơm. Dần dần, ta hãy lợi dụng mượn Việt Sỹ phê bình sách.

Tôi khen:

– Nếu vậy thì kín đáo lắm.

– Nhưng hôm tôi mời Việt Sỹ ăn cơm, thế nào cũng có cả anh đấy nhé.

– Vâng, tôi không dám chối từ.

– Mà anh cũng đừng nói với Việt Sỹ rằng tôi là Lãng Mạn Tử, tác giả cuốn “Mịt Mù” vội nhé.

Leave a comment