NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Đối với bọn địa chủ ở nông thôn và bọn tư sản ở thành phố, Nguyễn Công Hoan cũng đánh khá đau. Nhưng anh cũng chỉ mới đánh vào những biểu hiện bề ngoài của chúng như tính tham lam, keo kiệt, tàn nhẫn, lối sống lọc lừa, tính toán bất nhân, và thói ham thích hư danh, học đòi phong kiến cũng là một nét đặc biệt (nhưng cũng dễ cắt nghĩa) của bọn trọc phú nước ta. Anh chưa đánh được bao nhiêu vào những thủ đoạn, phương pháp bóc lột là những đặc tính đã quy định thành bản chất giai cấp của chúng…

Đối với những người nghèo, những người bị bóc lột hoặc những người bị xã hội ruồng bỏ, Nguyễn Công Hoan có lòng thương xót rõ ràng và thường vẽ nên những bức tranh tương phản làm nổi bật lên sự trái ngược giữa cảnh đói khổ, khốn quẫn của họ với cảnh xa hoa; phè phỡn, hợm rởm của bọn nhà giàu. Nhưng, khi tả những người nghèo, anh thường tô quá đậm những nét xấu xí, ngờ nghệch, nhất là vẻ cam chịu đần độn và u mê của họ, và có khi lại cắt nghĩa sự nghèo khổ của họ là do ngu dốt, sự sa đọa của họ là do hư hỏng, thèm khát…

Xem như vậy, người ta có thể thấy lập trường của Nguyễn Công Hoan là lập trường của một trí thức yêu nước, thù ghét quân thực dân Pháp, và bè lũ tay sai gian ác, đê tiện của chúng; căm giận thấy chúng ra sức vơ vét, bóp nặn, đục khoét của nhân dân nhưng lại giở đủ thứ mặt nạ giả đạo đức ra che đậy bộ mặt kẻ cướp của chúng: buồn lo nhìn xã hội nước nhà vì lối sống thối nát của chúng mà ngày càng nhố nhăng, hư hỏng… Sức mạnh của anh chính là sức mạnh của lòng căm giận dằn lại thành một cái cười khinh bỉ, lạnh lùng. Nhưng người ta cũng có thể thấy rằng trong sự đả kích và tố cáo xã hội của anh, anh chỉ mới đứng trên một thái độ công phẫn và một yêu cầu của đạo đức mà nhìn, lại là một thứ đạo đức còn lởn vởn ít nhiều quan niệm cũ, còn vướng vít ít nhiều trong ý thức hệ phong kiến. Tất nhiên là nhờ có một lương tri lành mạnh của một người trí thức trung thực, anh vẫn có thể nhìn ra sự thật và đánh giá được “cái gì đáng trọng và cái gì đáng khinh, ai đáng thương và ai đáng ghét”. Tuy vậy, nếu từ lòng yêu nước và mối bất bình về xã hội, nhà văn Nguyễn Công Hoan tiến lên có một ý chí đấu tranh cách mạng thật sự để cứu nước, cứu đời, có một đường lối chính trị rõ ràng quán triệt trong cách nhìn và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống, kể cả vấn đề văn học, thì sự phê phán xã hội của anh còn sắc bén, mạnh mẽ hơn nữa và, dù có bị hạn chế bởi điều kiện hoạt động dưới chế độ khe khắt của đế quốc, vẫn có thể đánh vào chúng và bọn tay sai chúng những đòn đích đáng, những đòn chí tử hơn nữa!

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1935- 1939, Nguyễn Công Hoan có dịp được gặp gỡ một số chiến sĩ cộng sản, được biết những khẩu hiệu đấu tranh cách mạng do Đảng đề ra thích hợp cho tình thế xã hội ta hồi ấy, được gần gũi phần nào với phong trào cách mạng của quần chúng đương sôi nổi khắp thành phố đến nông thôn. Ảnh hưởng của cách mạng vào sâu trong anh thế nào và gây được những biến chuyển gì về nhận thức và tư tưởng ở trong anh, chúng ta hãy để nhà văn của chúng ta tự nhận lấy. Nhưng rõ ràng là nó đã có tác dụng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của anh. Chính trong thời kỳ này, anh đã viết được tiểu thuyết “Bước đường cùng” và nhiều truyện ngắn xuất sắc. Không có khẩu hiệu đấu tranh của Đảng và không có hiện thực phong trào của nông dân lao động đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng chống địa chủ và quan tham lại nhũng trong thời kỳ cách mạng ấy thì nhà văn của chúng ta cũng khó có đầy đủ chất liệu và nhận thức để viết nên một tác phẩm có giá trị phê phán và tố cáo mạnh mẽ sâu sắc như vậy.

Leave a comment