NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Nhưng tiền trình diện quan, nó lại buộc vào trong dải yếm. Nó phải cởi ra, mới lấy được.

Nó mới lúi húi rút cái nút buộc ra. Nó sợ quan chờ lâu, nên phải vội vàng. Mà vì vội vàng, lại lo quan gắt, nên nó lóng cóng. Cái nút vừa xổ ra, thì loẻng xoẻng, cả món tiền rơi tiệt cả xuống gạch.

Năm đồng hào đôi nẩy lên mấy cái, và từng ấy tiếng kêu làm nó giật mình. Tự nhiên, nó choáng cả người và hoa cả mắt. Nó cúi nhìn chỗ nhiều hào rơi nhất, ngay bên cạnh nó. Đồng thì chui nằm ẹp gần chân nó, đồng thì xoay tít mấy vòng, đồng thì bắn ra góc buồng. Mấy đồng nữa thì thi nhau lăn ra tận chỗ xa.

Nó không thấy quan nói gì, nên cũng hơi tĩnh tâm. Nó bèn cúi ngồi xuống để nhặt tiền. Một đồng, hai đồng. Đồng thứ ba nghiêng ở mé tường. Nó tìm đồng thứ tư. Mãi nó mới thấy ở tận gần chân bàn giấy của quan. Nó tìm đồng thứ năm. Quái, nó tìm mãi, mà không thấy đâu cả.

Nó phải có năm hào đôi. Năm hào đôi mới thành đồng bạc được. Vừa ban nãy, nó giở ra cho cậu lệ xem, và lại buộc cẩn thận vào dải yếm. Không lẽ đồng hào ấy có ma, đã biến đi đâu mất chóng thế được. Vậy chỉ quanh quẩn ở trong buồng này mà thôi. Nhưng nó đã tìm kỹ lắm rồi. Mà trình đơn tám hào, tất nó bị quan chửi. Không biết làm thế nào được, nó tần ngần chắp hai tay, vái:

– Lạy quan lớn ạ.

Rồi nó lùi lùi bước ra cửa. Rồi nó đi về…

Ông Huyện Hinh cứ ngồi yên sau bàn giấy để nhìn theo con mẹ khốn nạn. Rồi khi thấy nó đã đi khuất, ông mới đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giày ra một tý. Và vẫn tự nhiên như không, ông cúi xuống, thò tay nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giày bám vào, rồi bỏ tọt vào túi.

12- 1937

<!–nextpage–>

HÉ! HÉ! HÉ!

– Này xe, cái con mẹ thắt lưng tím đang đi trước hiệu Phúc An kia, có phải là vợ Chánh tổng Đồng Quân không nhỉ?

– Bẩm cụ lớn phải ạ.

Cụ lớn – bởi người đàn bà này được diễm phúc hơn người khác ở chỗ có chồng làm quan đến chức Tuần phủ – cụ lớn nghĩ một lát, rồi hỏi:

– Tên con mẹ Chánh là gì hở?

Anh xe vừa bấm chuông, vừa đáp:

– Bẩm, Chánh Tiền ạ.

Cụ lớn mỉm cười:

– Tên nó thế không trách nó giàu. Nhưng nó ăn mặc thế kia, đố ai biết nó có hàng vạn. Đến gần nó, mày đỗ cho tao xuống nhé.

– Dạ.

Lúc ấy bà Chánh Tiền đương đi vội vàng trên hè. Bà không để ý đến đường phố, bởi vì ở nhà quê ra tỉnh, bà định sắm ít xẻng cuốc, cùng vài thứ lặt vặt, nên đi đi lại lại ở phố Khách đến mười lượt, để khảo giá các hiệu bán đồ sắt.

Bà mặc áo vải nâu dài không gài khuy, và quần sồi thâm ngắn cũn cỡn. Cánh tay bà khoác cái nón đã tầu tầu. Tất cả bộ cánh của bà chỉ hơn người nhà quê thường có cái thắt lưng tím.

Bà đương nhìn vào hiệu Phúc An, bỗng tiếng cười khanh khách giòn tan ngay bên cạnh tai, làm bà giật nẩy mình:

– Hé! Hé! Hé! Bà chị lên tỉnh từ bao giờ thế?

Cụ lớn Tuần nắm lấy cổ tay bà Chánh, và vồn vã hỏi thế. Thì không ngờ bà này, được hân hạnh bất thần, sung sướng quá, đến nỗi rú lên một tiếng “ối”, và cảm động suýt rơi nước mắt. Bà ta vội vàng chắp hai tay để vái, lùi lại một bước, cung kính chào:

– Lạy cụ lớn ạ.

Cụ lớn, nhăn mặt, xua tay:

– Không, không cụ lớn cụ bé gì, chị em mình bạn gái cả, ai hơn tuổi là chị, ai kém tuổi là em. Có các ông ấy làm việc với nhau thì muốn gọi nhau là gì thì gọi.

– Dạ, lạy cụ lớn.

– Ồ, đừng cụ lớn cụ bé gì mà! Hé! Hé! Hé!

– Lạy cụ lớn cho phép con gọi thế ạ.

– Gớm, các bà chị đến khó bảo. Thế nào, bà chị lên tỉnh từ bao giờ, sao không vào trong dinh chơi?

– Lạy cụ lớn tha tội cho, chúng con ăn mặc sồ sề, sợ vào thì làm bận mắt cụ lớn.

Cụ lớn cười xòa:

– Ồ, bà chị cứ dạy thế. Tôi trách đấy!

– Lạy cụ lớn, cụ lớn là chỗ cha mẹ, cụ lớn tha tội cho con cháu.

– Thế thì bây giờ vào chơi vậy.

– Lạy cụ lớn, dạ.

– Vào ăn cơm với tôi cho vui nhé.

– Lạy cụ lớn, chúng con đã vô phép cụ lớn rồi ạ. Nhà quê chúng con hay ăn cơm sớm.

– Thì vào chơi nói chuyện vậy. Ông Tuần tôi đổi về đây, tôi đến thăm các bà chị một lượt, thế mà các bà chị lên tỉnh, không bà nào vào chơi với tôi. Tôi giận lắm đấy.

– Lạy cụ lớn, chỗ chúng con là con cháu, chỉ sợ ăn nói thất thố, nên không dám vào đó mà thôi.

Leave a comment