NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Nó cần sống ngày hôm nay, về buổi chợ này. Mà chưa ăn cắp được thứ gì cả.

Mặt trời lên đến đỉnh đầu. Chẳng thừa một mẩu bóng râm nào ra ngoài.

Chợ đã vãn dần.

Đã bớt bụi. Đã bớt tanh. Đã bớt ồn ào. Đã bớt hơi người. Đã bớt chen chúc.

Thì nó liều. Liều chết để sống.

Nó thu một tay vào bọc, méo mồm, nhăn mặt để gãi quai hàm, sai mắt đi do thám. Hàng nồi: đất. Hàng lưỡi cày: sắt. Hàng thợ cạo treo cái gương tư mã trên thân cây: lách tách, tóc. Hàng thợ may, ông phó may máy “pho”: giẻ. Toàn những thứ không tiêu được.

Kìa! Hàng khoai lang. À! Khoai lang luộc! Được lắm.

Nó chòng chọc nhìn: Những củ to, béo nung núc, tròn trĩnh, nằm còng queo, ngổn ngang trên mẹt.

Khoai không bóc vỏ, ăn càng khỏi tốn. Cứ thế kia, tọt vào mồm, trôi qua họng, xuống dạ dày. Thế là no. Nó không còn ước muốn gì nữa. Nó lại lương thiện ngay.

Chân bước đi, nó nghĩ. Nhưng chỉ nghĩ được cách ăn giản dị ấy. Nó nuốt nước bọt. Nó thèm.

Đến nơi. Nó đứng lại. Chờ. Nhưng chờ gì? Bao giờ chỗ này vắng người? Vắng người thì bà hàng khoai cũng về. Thế là hốc.

Khoai không bóc vỏ, ăn càng khỏi tốn. Cứ thế kia, tọt vào mồm, trôi qua họng, xuống dạ dày. Thế là no.

Nó liếc mắt xuống, nhằm củ khoai to nhất. Bà hàng đương lúi húi cúi gục vào dải yếm, vét tí vôi ăn trầu.

Nhất định nó liều. Nó khuỵu cẳng. Ngã phịch. Một củ khoai ở mẹt biến mất.

Nhưng mà:

– Ối giời ơi! Nó ăn cắp khoai của tôi!

Thằng Canh vùng chạy.

Bà hàng nằm xoài ra, nắm ngay được nó.

Hỏng to! Bỏ trả? Khi nào! Phải tiêu thụ ngay của ăn cắp đi. Nó đưa phắt củ khoai lên mồm, ngoạm một miếng tướng đại.

– Các ông các bà bắt thằng Canh hộ tôi! Nó ăn cắp.

Người ta chạy huỳnh huỵch. Tán loạn.

Mặc kệ. Nó nuốt lấy nuốt để. Miếng khoai trôi xuống, cổ nó phình ra. Nó lại vội vàng ngoạm miếng nữa, nhai ngấu nghiến.

Bà hàng ôm chặt lấy chân nó. Nó khỏe hơn, giằng ra được.

Người ta xúm lại, tóm ngang lưng nó. Nó không chạy. Nhưng nó vẫn nhai, vẫn nuốt. Rồi biết thế nguy, nó không nhai, trợn mắt lên để nuốt chửng. Rồi lại hấp tấp ngốn luôn miếng nữa.

Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó.

Nó bị đánh túi bụi. Nhưng nó chẳng quan tâm. Không kêu. Mồm nó vẫn hăng hái làm việc. Mặc cho những chỗ khác bị đến tử hình.

Người ta đến càng đông. Vẫn đánh nó. Cả đòn càn, đòn gánh nữa. Người ta phang cho sướng tay.

Rồi người ta giữ chặt lấy nó. Nhưng nó cố cúi đầu xuống, để cắn cho mau. Người ta giằng ra. Còn những một góc củ nữa.

Người ta móc mồm nó, gang họng nó, quào chảy máu cả má nó. Nó cứ cố ghì, nhất định không nhả.

Nó ngã lăn ra. Mẩu khoai bị nắm chặt, nát bét trong tay nó.

Vẫn chửi. Vẫn kêu. Vẫn đấm. Vẫn đá. Vẫn thụi. Vẫn bịch. Vẫn cẳng chân. Vẫn cẳng tay. Vẫn đòn càn. Vẫn đòn gánh. Đáng kiếp!

– Cho nó chừa đi!

Người ta ghì chặt lấy nó. Nó oằn oài, cố cựa. Rồi gò miệng vào gần tay, co tay vào gần miệng, nó đưa bật được miếng khoai nát bét, lẫn cả đất cát vào mồm. Phóm phém, nó nhai. Rồi nuốt xong, nó nằm yên lặng, nhăn mặt để cho tiêu… trận đòn càng dữ dội.

Người ta trói nó lại. Nó không cựa được. Mồm nó hết việc làm, mới há hốc ra để ằng ặc.

À, ra nó đau.

Rồi nuốt xong nốt tí khoai lang dính bết ở hàm răng, nó mới ú ớ:

– Lạy các ông các bà, cháu thấy đau lắm rồi!

Thì ra trong khi lăn vào ăn để được bữa no bụng, nó quên rằng đương bị một trận đòn nhừ tử. Không trách được người ta, ăn xong mà lỡ ra mới bị đòn, thì đời nào tiệt được máu ăn cắp.

24 – 10 – 1934

<!–nextpage–>

THANH! DẠ!

– Thanh!

– Dạ!

Trong nhà hôm nay tấp nập như mở hội. Me cho phép cả sáu cô ra Đồ Sơn. Ngay từ bảy giờ sáng, sáu chị em đã gọi nhau choàng cả dậy. Các cô kệ cho đôi mắt đỏ gay nó bốc hỏa, các cô tranh nhau rửa mặt, rồi thi nhau trang điểm. Mùi phấn, mùi nước hoa thơm phức cả nhà. Mỗi cô chọn một màu áo, rồi ngắm hết cho mình, lại ngắm cho nhau.

Chung quy chỉ chết một mình con Thanh. Đã bận, lại thêm tíu tít. Mới gánh được một gánh nước, cô Diễm đã gọi giật:

– Thanh!

– Dạ!

– Hãy để thùng vào trong nhà, đem giấy này lại đằng cô Vân mượn cho tao quyển tiểu thuyết đã.

Nó nhặt bức thư ở bàn. Thế là tất tả chạy. Loáng một cái, nó đã mang quyển sách bìa nát nhàu về.

Vừa lúc đó, cô Tuyết sấn lại nó, và quát:

– Thanh! Mày làm ăn thế nào mà chả có giọt nước nào rửa chân thế! Muốn sống đi gánh nước về mau không?

Con Thanh chẳng nói chẳng rằng, lại đặt đòn gánh lên vai.

Rồi đến cổng, nó quay lại, thấy vắng người, bèn lẩm bẩm một mình để minh oan:

– Khốn nhưng còn phải mổ gà để nấu cháo.

Đến cửa, chưa ra thoát, nó đã thấy hai chiếc xe hòm vừa đỗ. Một “đội” người nhảy xuống, toàn quần áo tây, đầu trần. Tiếng gót giày quèn quẹt, đồng thời, tiếng cười nói vang vang.

– Ồ kìa, các anh đã đến sớm thế?

Một người giơ cổ tay, trỏ chiếc đồng hồ chữ nhật:

– Y hẹn. Đúng tám giờ. Không sai một phút.

– Thế thì chúng em xin lỗi các anh nhé. Chín giờ bắt đầu đi cũng được. Xe nhà, sợ gì. Đừng chê chúng em là rùa nhé.

Rồi tiếng cười khanh khách để nhận rằng câu pha trò ấy đậm đà.

– Thanh!

– Dạ!

Con Thanh, lạy Trời Phật, mới đi được đến vệ hè. Nghe gọi, nó quay lại, không thấy ai, lại toan đi cho xong.

– Thanh!

– Dạ!

Nó dừng bước. Cô Nguyệt ra tận hè, chỉ tay vào mặt nó, cong cớn mắng:

– Con ranh đi đâu đấy?

– Con đi gánh nước.

– Sáng sớm chẳng gánh, hễ có khách là sắp lẩn phải không?

Nó đặt gánh, nói:

– Bà sai con gánh nước, nhưng đã có lúc nào đi được đâu.

Cô Nguyệt trừng mắt, để im cho nó cãi, rồi vênh váo hỏi:

– Nhưng bà đang gọi rầm mày ở dưới bếp ấy, mày có biết không?

Bà gọi rầm! Đến cả ông bà ông vải nó ở dưới âm phủ dễ lúc nào cũng phải cố lắng tai để nghe bà gọi và nhắc nó. Vì ông bà ông vải nó muốn được yên giấc ngàn năm.

Nó tặc lưỡi, quẩy thùng không mà về.

Khách khứa nhốn nháo khắp nhà. Con Thanh len lén đi, cúi gầm mặt, tránh hết người này lại tránh người nọ. Nó không dám nhìn ai, cũng không dám nghe ai.

– Thanh!

– Dạ!

– Mày đi đâu?

– Dạ, thưa cô, bà sai con đi mua hạt tiêu.

Bỗng vành khăn nó xổ ra, rồi cả hai món tóc nó bị kéo giật. Nó ngật đầu ngoảnh lại. Một cậu đắc chí, cười hềnh hệch, nắn lại cái cà vạt, nói:

– Gớm, các cô chiêu nhà này kiệt quá, không cho nó được cái khăn nhung cũ. Chó gầy hổ mặt người nuôi!

Nó biết là việc đùa, hết trống ngực, tủm tỉm cười, vừa đi vừa quấn khăn. Nhưng vẫn không dám để tai đến những lời bàn tán về nó, sau lưng nó.

Rồi mặt trời lên cao. Ánh nắng chói lọi. Một mảng áo lưng nó bết vào với thịt. Khi trở về, qua buồng khách, nó bẽn lẽn, ngượng nghịu. Những tiếng nói cười bàn tán vẫn tranh nhau làm loạn nhà.

Leave a comment