NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Ông nuôi tôi béo? Thế tôi có trả công ông không? Bên mua, bên bán, ông có quyền gì mà hạch? Ông nên biết, cái quyền tự do của tôi, ông đã cướp mất…

– Quyền tự do của mày? To nhỉ! Ông có nhốt mày không cho mày ra ngoài đâu mà mày bảo mất tự do?

– Phải, ông chẳng đóng cửa cấm tôi đi lại, song, cái thân tôi, ông đã nhét nó vào bốn bức tường trát bằng giấy bạc trộn với cơm, ông có biết không?

– Ai bảo mày đâm đầu vào?

– Thế ra ông không cám ơn tôi đã cho ông biết những khoái lạc mãn kiếp ông cũng không biết à? Tôi đã mở đường mở lối cho ông đi, ông không biết còn toan giở mặt. Đồ vô ơn!

– Con bé này thực không coi ai ra gì nữa!

– Tôi đã bảo ông rằng, tôi cho ông lợi dụng tôi để chóng được thăng, ông không hiểu, thế thì tôi cũng phải lợi dụng ông chứ. Ở đời này, ai không thừa cơ lợi dụng là khờ.

– Gớm thật! Mày dạy ông luân lý thế phải không?

– Tôi còn dạy ông hơn nữa. Ông đừng có lôi thôi vào tôi. Này, ngay bây giờ, tôi chạy ra trại cơ, trại lệ, ngoài phố, gõ cửa nhà từng đứa mà bảo: “Dậy mà xem. Bà phủ ngủ với trai ngay bên cạnh mũi quan phủ”.

– Ông cấm mày nói!

– Cấm thế nào được? Tôi chỉ bán cho ông cái phiến thịt của tôi, chứ có bán đâu cái tự do?

Câu nói bướng bỉnh làm tắc cơn thịnh nộ của quan ông. Cái búi tóc bí mật sau gáy, giá biết cử động, chắc cũng phải xổ ra mà ngỏng lên trời, làm thành một cái dấu ngạc nhiên.

Bà lớn được thể, nói tiếp:

– Cái sung sướng của tôi chỉ là cái vỏ, cũng như chiếc áo lụa màu này, ai biết đâu gói chặt một tấm thân nát bét. Chữ “tử tế” của ông nêu lên cho mọi người, giá viết nó là “bắt bí”, mà đọc là “bóp nặn” thì đúng hơn. Tôi cứ nói. Rồi tôi đi khắp chỗ quen thuộc, bạn bè với ông, báo với họ rằng: Mười mấy lần, bà phủ ngủ với trai, ngay trong buồng quan phủ.

Câu sau cùng, bà thong thả dằn từng tiếng, nghe chừng đã có công hiệu. Ông thì như bị từng ấy nhát búa nện vào chỗ yếu, vội vã sấn lại, lấy tay bịt miệng bà:

– Có khẽ chứ không?

– Việc gì phải nói khẽ! Người ta chỉ nói khẽ những điều nói dối, những câu ân ái thôi. Chứ những lời nói thực, phũ phàng, thì việc gì phải nói khẽ.

– Nhưng bọn người nhà nó biết thì sao?

– Thì nó sẽ bảo ông là thằng mù, thằng ngốc.

– Nỡ nào bà để chúng nó chửi tôi?

– Tại ai? Ai giở mặt trước?

Quan ông đấu dịu:

– Trong lúc nóng nẩy, nghĩ càn, bà chấp làm gì!

– Ông đã biết lỗi rồi chứ?

– Vâng, thì biết lỗi.

– Chưa xong: Ông phải chuộc lỗi mới được. Lấp mồm tôi, ông phải kiếm lấy cái nút.

– Bằng gì nào! Bằng giấy “đỉnh” nhé?

– Không thèm!

– Bằng kim cương nhé?

– Tôi thừa rồi.

– Bằng ngọc thạch nhé?

– Tôi chẳng thiếu!

– Thế biết bằng gì bây giờ?

– Ông không đoán ra à? Ông không nhớ chủ nhật trước, đi chơi Hà Nội, tôi trỏ cho ông cái ô tô “Fo” mà chê: “Vợ chồng lão phủ xoàng lắm” đấy à? Ấy, nút mồm đấy.

– Chết chửa? Bà điên rồi sao? Mong những cái ấy, đào đâu ra?

– Đào trong ruột những thằng dân của ông, chứ còn ở đâu nữa! Ông quên rằng ô tô của bọn các ông chẳng phải chạy bằng ét xăng, mà chạy bằng mồ hôi nước mắt dân đen à? Ông ngu lắm, hèn lắm!

– Chả hèn lại thua!

Nói xong, ông toan ôm lấy bà, nhưng lại bị hất ra:

– Gớm chết! Ướt như chuột thế này. Ông có ừ không đã?

– Thì ừ chứ sao?

– Được rồi. Nhưng hôm nay tôi hãy phạt ông đã. Ông để tôi một mình đêm nay. Thằng ranh ban nãy làm mình mệt lử ra… Chứ như ông ấy…

Nói xong, bà cầm tay quan ông dắt ra ngoài, đóng sập cửa lại.

Bà còn văng vẳng nghe quan ông hỏi câu sau cùng:

– Gượm đã. Ban nãy bà bảo mười mấy lần?

– Mười bảy lần.

Bà trả lời liều vậy. Chứ bà còn đương tưởng tượng đến cái xe hòm nó nhe bộ răng kền sáng nhoáng ở đằng mũi, để cười, cười ông sẽ đưa bà đến chỗ phú quý vinh hoa hơn…

2- 1934

<!–nextpage–>

TÔI CHỦ BÁO, ANH CHỦ BÁO, NÓ CHỦ BÁO…

Thưa các ngài, tôi xin tự giới thiệu với các ngài là đã một phen tôi làm chủ báo! Cái vinh dự ấy, tôi không ngờ ngẫu nhiên lại có. Bởi vì tôi tự biết sức học như tôi, còn xách dép cho những hạng viết báo mà các ngài cho là “tàng” bây giờ.

Nguyên khi tôi mới được hưởng cái gia tài năm ngàn đồng của cha tôi để lại, thì tôi ly dị ngay cái ghế lớp năm thứ nhất của một trường tư tại Hà thành.

Tôi về nhà quê ở, cũng rắp tâm xếp bút nghiên theo thú điền viên, mơ mộng muốn được như các cụ ta ngày xưa, hưởng sự thanh nhàn mà ngâm hoa vịnh nguyệt. Song, vì mình mới tuổi vào hạng cậu, nên những thơ văn tôi làm – nói vô phép các ngài – nó “khẳn” lắm! Nhưng khốn nỗi ở đời giá mình “khẳn” mà tự biết mình “khẳn” thì còn làm gì có những hạng “bò sữa” như tôi! Ngày ấy tôi tự đắc làm thơ văn mới tập mà đã nẩy tài, nên rất sính làm. Mà động làm xong bài tuyệt tác nào – bởi vì bài nào tôi cũng cho là tuyệt tác – thì gửi ngay lên báo Đời Nay, là báo tôi mua năm, khẩn khoản nhờ ông chủ báo đăng cho. Được báo đăng, tôi càng tưởng tôi là thi sĩ đến nơi rồi! Không ngày nào không đẻ ra được một bài tuyệt tác!

Tôi đang tưởng tượng tôi là một tay tai mắt trong làng thơ, mà cả nước không ai lạ gì tên và biệt hiệu, thì tình cờ, một hôm, tôi tiếp được một bức thư. Mà vì bức thư ấy, tôi càng phóng đại cái giá trị của tôi già!

Cái phong bì ấy đề tên tôi, trên có in hiệu tòa báo Đời Nay. Tôi tuy ngạc nhiên, nhưng mừng quýnh, vội bóc ra coi.

Hà Nội, ngày 18 Avril 1928

Thưa tiên sinh,

Lâu nay, tiên sinh quá yêu bản báo mà thường có cho đăng những bài nhả ngọc phun châu, bản báo lấy làm thâm tạ cái thịnh tình ấy lắm.

Vậy muốn đáp lại tấm lòng quý hóa, bản báo chủ nhiệm định đến chủ nhật này thì thân hành đến quý thự, để được hội kiến và hầu chuyện tiên sinh.

Nếu tiên sinh có bận gì, xin cho bản báo biết trước.

Kính chúc tiên sinh cùng quý quyến vạn an.

Ký tên.

Ồ! Ra tôi danh giá thế kia đấy! Thì ra ba chữ tên LÊ HÙNG DŨNG của tôi cũng to lắm, chứ nào có vừa đâu! Tiên sinh ư! Nhả ngọc phun châu ư! Thâm tạ ư! Thịnh tình ư! Tấm lòng quý hóa ư! Bản báo chủ nhiệm thân hành đến quý thự để hầu chuyện tiên sinh ư! Trời ơi! Tôi đến chết ngạt về sung sướng mất! Hãy hỏi ngay các ngài đây, các ngài thỉnh thoảng có đăng một vài bài lên báo, các ngài đã được hưởng cái hạnh phúc như tôi chưa? Tôi gọi hạnh phúc là đúng lắm, vì ngờ đâu một cậu học trò mới bỏ học, mà đã được một ông chủ nhiệm một tờ báo lớn quá yêu, tìm đến tận nhà mà “hầu chuyện”. Hẳn là chưa. Vậy tất tôi có cái gì đặc biệt hơn các ngài. Các ngài phải chịu câu nói ấy trước đã mới được. Không chịu nhau, nghe sao được chuyện của nhau.

Cho nên tôi bắt dọn dẹp nhà cửa, đường đi và vườn ao thật sạch sẽ ngay từ mấy hôm trước, để khỏi phụ lòng hạ cố của vị quý nhân. Đến hôm chủ nhật ấy, giá ai các ngay một cái gia tài năm ngàn nữa để nhờ tôi đi vắng, thì tôi cũng lắc đầu từ chối, bởi vì con người ta, chắc các ngài cũng hiểu thế, đủ lợi rồi thì phải thèm danh. Ấy, ông Hàn, ông Nghị cũng chui ở lỗ ấy mà ra cả.

Ông chủ nhiệm tử tế lắm. Tuy tôi ít tuổi hơn ông, nhưng không câu nào ông không dùng chữ tiên sinh mà gọi tôi. Khoa ngôn ngữ của ông thực là giỏi, giỏi đến nỗi lúc ông về, tôi đâm mê ông và nhớ ông.

Ông khen tôi thơ văn được công chúng rất hoan nghênh, đến nỗi nhiều độc giả phải viết thư về tòa báo hết lời ca tụng. Ừ, mà ông ấy nói có lý lắm. Chính tôi cũng tự biết là thơ văn của tôi bài nào cũng tuyệt tác; một đôi khi, tôi thấy nhiều câu còn đặc sắc bằng mấy thơ các cụ Yên Đổ, Tú Xương.

– Tiên sinh phải ra làm báo mới được, ông chủ nhiệm nói thế; nếu cứ ở nhà quê mãi, thì cái đại tài đến mai một đi mất!

Leave a comment