NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Bác Phán trông xung quanh, chả có cái gì quạt được. Thằng Dần vẫn giương mắt lên nhìn theo, thì thấy bác Phán lại đằng bàn thờ, với tay cầm lấy cái ảnh cậu nó dựng ở giữa:

– Lấy cái này quạt được không?

– Đừng! Phải tội chết!

– Tội lội xuống sông, không thì lấy đếch gì mà quạt!

Thằng Dần nghĩ ngay đến cậu nó, nó liền bảo bác Phán:

– Bác Phán đưa cho Dần cái ảnh cậu Dần đây, để cậu Dần ngủ với Dần nào!

Mợ nó cầm lấy cái ảnh để quạt màn, rồi đưa cho nó, khép chặt cửa màn lại.

Nó chơi ảnh chán rồi, đã hơi buồn ngủ. Nhưng cố gượng mở to mắt để nhìn ra phía ngoài. Thì chỉ thấy lờ mờ mợ nó và bác Phán ngồi kề gần với nhau, nói những chuyện gì khẽ quá. Nó không nghe rõ, nó buồn. Rồi nó lim dim đôi mắt, nó ngủ…

Nhưng trong khi nó ngủ, bỗng nó thấy rét. Nó cựa dậy thì không biết chăn ai co đi đâu mất cả. Nó sờ chăn, xê lại gần. Bỗng nó thấy cái gì kềnh kệnh làm đau má nó. Nó mở mắt ra, ngẩng cổ dậy, thì ra cái ảnh. Nó cầm, đưa mợ nó:

– Mợ ơi, mợ cất ảnh cậu đi.

Mợ nó cầm lấy ảnh. Nó hôn lưng mợ nó, và nói:

– Mợ ơi, mợ quay mặt lại đây với Dần đi!

– Mợ gì, ngoáo kia kìa!

Nó sợ, không dám đòi nữa.

Một lúc, đương thiu thiu, nó thấy tiếng kẹt cửa. Nó mở choàng mắt ra, thì thấy bác Phán đương mặc quần áo. Nó nói giọng ngái ngủ:

– Không, bác Phán đừng về.

– Bác Phán về, rồi mai bác Phán lấy ô tô cho Dần chơi.

Thấy nói đến ô tô, nó lại sực nhớ đến cậu nó. Nó hỏi:

– Thế cậu đã về chưa, hở mợ?

– Cứ ngủ yên thì cậu về.

Bác Phán ra về. Mợ nó đóng cửa rồi lên giường, nằm quay mặt lại với nó. Nó thích quá, ôm chặt lấy sườn mợ nó, rúc vào nách mợ nó. Rồi nó trùm chăn lên đầu, lại ngủ.

Nhưng một lúc lâu, mồ hôi nó ra như tắm. Nó nực quá. Không tài nào ngủ được. Nó tỉnh dậy, đạp chăn ra. Rồi nó sờ xung quanh, không thấy mợ nó. Nó gọi, không thấy mợ nó thưa. Nó nhìn, không thấy mợ nó đâu cả. Nó ngồi nhỏm dậy, trông trước trông sau, cũng chả thấy đâu.

Mợ nó đâu? Nó đứng dậy, nó tìm…Quái, không biết mợ nó đi gọi cậu nó hay đi mua quả bóng. Nó đang nghĩ, thì thấy ở bàn nước cạnh giường có cái bìa vuông. Nó vớ lấy để đến mai làm cái vợt đánh ten- nít. Nhưng nhìn mặt sau, thì là cái ảnh cậu nó. Cái ảnh cậu nó, úp mặt xuống bàn, đẫm những nước, thành ra phồng lên. Nó ngắm một lúc, vui sướng quá đến nỗi rơm rớm nước mắt. Vì nó tưởng cậu nó về thực, mà đã lên đến đấy rồi… Nó nghĩ thế nào, nó muốn cho cậu nó chóng đến nơi hơn, nó liền uốn cong thêm lên tí nữa…

Thằng Dần lúc này như được vui sướng quá chừng. Cậu nó sắp đến nơi, mợ nó được vui vẻ. Ô tô, quả bóng, như đã bí bo, bình bịch bên tai nó. Trống ngực đánh thình, nó cuộn tròn nó với ảnh cậu nó vào trong chăn như con sâu kèn. Rồi nó ngủ khì một mạch đến sáng…

25- 3- 1931

<!–nextpage–>

ÔNG CHỦ BÁO CHẲNG BẰNG LÒNG

Hễ bao giờ ông chủ nhiệm tờ Đời Mới đến tòa báo mà ngậm cái tẩu thuốc lá chệch sang một bên hàm, và hay khịt mũi, thì y như hôm ấy, ông có việc gì chẳng bằng lòng.

Sáng hôm ấy cũng thế. Cho nên từ lúc bước chân đến cửa tòa báo, ông đã gắt như mắm! Thỉnh thoảng, ông đưa tay đập vào cái túi nó ngậm chặt mấy tờ báo khác mới xuất bản. Ông vào buồng giấy, mắng loong toong để giấy bừa bãi. Ông xuống nhà in, cự cai chẳng chịu trông nom. Ông qua buồng tòa soạn, nắm quả bàng cửa, toan vào, nhưng lại quay gót tạt ngang. Ông mở cửa buồng tòa trị sự, đẩy lại đánh thình, ngồi vào ghế, lôi tập báo ở túi ra, vừa khịt mũi, vừa đập mạnh xuống bàn. Rồi ông bấm chuông gọi. Anh loong toong, mặt tái xanh như thằng ốm, khẽ đi vào. Ông hất hàm hỏi:

– Ông Thanh Tử đến chưa?

– Bẩm ông chưa.

– Anh đạp ngay đến nhà ông ấy, nói rằng mời ông ấy đến tòa báo có việc cần. Trời ơi! Chủ bút gì chủ bút thế! Ra các ông ấy giết tôi thật! Các ông ấy làm ăn thế này, thì báo đóng cửa lúc nào, không biết chừng!

Tiếng ông chủ nhiệm nói toang toang như lệnh vỡ, ai cũng nghe thấy. Nhưng chẳng ai đoán vì việc gì. Mà mới hôm kia, ông còn chuyện trò vui vẻ. Hôm qua, ông đi vắng. Đến hôm nay ông về, thì khác hẳn như thế.

Họ đều sợ hãi, ngơ ngác nhìn nhau. Kẻ đoán thế nọ, người đoán thế kia. Nhưng đều hụt lý. Ừ, đáng lẽ ông về lần này thì vui vẻ bằng ba, bằng bốn mọi ngày mới phải. Vì hôm qua, khi ông không có nhà, thì tờ báo có một tin rất quan trọng để đăng. Ông chủ bút cho chạy một vạn rưởi số. Nghĩa là gấp bốn ngày thường. Mà in đến đâu, bán hết đến đấy. Kể từ ngày tờ Đời Mới ra đời đến nay, chưa từng lần nào in bạo tay như lần này. Mà cũng chưa số nào bán mạnh như số này. Cả tòa báo mừng rỡ. Vậy cớ sao ông chủ nhiệm lại cau có thế kia? Hay ông thấy ông chủ bút lấn quyền, chẳng hỏi han gì ông, cứ tự tiện cho in nhiều thế, mà ông tức? Nhưng báo bán chạy, ông còn nên nói chi nữa? Nếu chẳng phải vì cớ ấy mà từ nãy đến giờ ông phải phát cáu, thì họ cũng chịu, không đoán được ra hơn nữa.

*

* *

Muốn các độc giả hiểu rõ câu chuyện này, tôi xin lấy một việc mới xẩy ra ở Hà thành trong ít lâu nay làm thí dụ. Sở dĩ tôi đem chuyện thực để thí dụ cho rõ câu chuyện bịa, là tôi cũng mắc phải cái bệnh dùng điển tích. Nhưng vì tôi tin là bụt chùa nhà cũng thiêng, nên tôi lấy ngay câu chuyện An nam, nhân vật An nam là đồ nội hóa, ai cũng biết.

Thí dụ sau đây, tình cờ tôi kiếm lấy, nói lạy trời, thực tôi chẳng thù hằn gì hai tay chủ động, định thổi đống tro tàn đã gần nguội, để đốt ai. Mà tôi cũng chẳng có hân hạnh quen biết họ mà mong làm quảng cáo không công cho họ. Vì cái thủ đoạn kỳ dị mà họ chủ trương đã tự thừa làm quảng cáo để khắp Trung Nam Bắc ba kỳ biết tên họ rồi vậy.

Các báo hàng ngày ít lâu nay đăng một việc, hẳn các độc giả còn nhớ:

Ông Th., bà Kh., hai người vốn là bạn học cũ. Nay tuy đã thành gia thất cả, nhưng gặp nhau, họ vẫn vồn vã bắt tay bắt chân, tự do trò chuyện. Một hôm, cách đây cũng không xa, hai người cùng biệt mặt ở đất Hà thành, làm cho dư luận xôn xao, inh ỏi. Họ cũng là hạng người có tai mắt…

(Trích An nam tạp chí số 35)

Như những việc này, thì có phải ai xem báo cũng đều chú ý, cố mong ngóng để muốn biết hai sự biến mặt ấy có liên quan với nhau không, mà ông Th. có đích là quyến rũ vợ bạn thực hay là bị ngờ oan không?

Ở xã hội mà thỉnh thoảng không xẩy ra những chuyện quái gở ấy, tờ báo hàng ngày thực là nhạt hoét, chẳng ai buồn mua để xem tin mất chó, mất ví da làm gì! Cho nên những khi các báo có những việc dễ gậm, như việc Trung – Nhật chiến tranh, việc Nhật – Nga sừng sộ, việc tranh cúp quần vợt, việc tiểu thư đi bộ, việc đánh nhau chết người, thì đều lấy làm mừng.

Leave a comment