NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Nguyệt thừ mặt ra, không đáp.

– Mợ làm sao thế?

– …

– Cho tôi bế con một tí.

– Không bế!

– Ái chà! Mẹ cu làm bộ.

– …

– Con ngủ à! Mặt giống cậu hay giống mợ?

– …

– Công tử rúc mãi vào nách mợ! Ra đây cậu yêu tí.

– Yên!

Phong mở cái lót trùm đầu thằng bé ra. Nguyệt nhắm nghiền mắt lại.

Khi nàng mở mắt, đã thấy Phong len lén cút từ bao giờ rồi.

Lúc bấy giờ, Bắc ôm một bọc to tướng đến nhà thương. Nhưng khi ở ngoài cửa kính, Bắc thấy có người đến thăm Nguyệt, thì ngờ là họ hàng, không dám vào vội. Chàng vừa đi bách bộ, vừa liếc mắt vào trong. Chàng đã hút hết điếu thuốc lá rồi, nhìn hết các nhà cửa, cây cối rồi, mà người họ vẫn chưa ra. Một lúc thấy kẹt cửa, bụng chàng mừng lắm. Chàng nhìn theo hút người ấy đến khi thấy rẽ hết phố, mới dám vào.

– Chào mợ! Trai hay gái?

– Trai.

Bắc lộ ra nét mừng rỡ, vui vẻ hỏi:

– À! Ai vừa vào đó?

– …

– Mợ mệt à?

– Không!

– Mợ có ăn được cơm không? Có mạnh khỏe không?

Nguyệt thở dài, Bắc mở bọc, lấy ra nào rượu bổ, nào sữa bò, nào vú cao su.

– Con có cứng cáp không? Mợ có nhiều sữa không?

– Yên cho tôi nằm nghỉ.

– Cho tôi bế con một tí, nó giống tôi hay giống mợ?

– Im cho nó nằm.

– Ơ hay! Mợ giận tôi đấy à?

– Không!

– Bao giờ mợ định về?

– Không biết.

Nguyệt thở dài mãi, thằng bé con ở trong bọc, cựa cạy, tiếng nhoe nhoe.

– Dậy với cậu, con!

– Yên cho nó ngủ!

Thằng bé vẫn khóc. Cái lót trùm đầu nó xê ra ngoài. Bắc lật ra xem mặt con:

– Cậu đây, nín đi!

Nguyệt nhắm nghiền đôi mắt lại, vắt tay lên trán để che mặt. Bắc nhìn kỹ cái tóc, cái mặt, cái mũi con… Rồi giở bọc ra ngắm cả người thằng bé… Ngắm xong, bọc cẩn thận trả lại, chàng từ từ lui ra, thở dài một cái rõ dài, nét mặt thất vọng.

Té ra thằng bé con chàng mà nước da lại đen như cái cột nhà cháy! Vậy nó không phải con Rồng cháu Tiên. Nó là giống “Oẳn tà rroằn” không biết chống gậy.

27- 2- 1930

<!–nextpage–>

HAI THẰNG KHỐN NẠN

– Năm 1926, nước to, đê vỡ tứ tung, nhân dân bêu rếch, khổ sở. Nhất là khi nước đã ra rồi, trông cảnh tượng mới lại càng đáng ngậm ngùi nữa.

Cỏ tàn khắp cánh đồng xa,

Bên làng hoang hủy mấy nhà lơ thơ,

Đầu đường mẹ bế con thơ,

Người tìm sang Bắc, kẻ đưa về Đoài.

Bởi thế, bác Lan luôn mấy tháng, nào nhà đổ, nào trâu chết, nào đất bán, nào ruộng cầm. Gia tài tuy chẳng được là bao, nhưng đến cái cảnh tai bay vạ gió mà sạch sành sanh, thì dẫu ông vua đời xưa mất nước, hay thằng bé bây giờ mất tiền, cái tâm lý cũng đau đớn ngang nhau vậy.

Không những thế, vợ bác lại mới chết về bệnh dịch, để cho bác một đứa con trai mới biết ngồi. Cái cảnh gà sống không còn mồi mà nuôi con mới đáng đau lòng. Bác Lan thực là một thằng khốn nạn vậy.

Đêm hôm trước, bác ngồi nghĩ mà rớt nước mắt. Của chìm của nổi đã không còn gì, nhịn cơm từ sáng nhường con đã lả cả dạ dày. Nếu mai cũng thế này nữa, thì bố chết đói, con chết đói. Âu là trong nhà còn một thứ của nổi nữa, đem bán nốt đi chăng?

Bác Lan nghĩ thế thì làm thế. Bác xin được cái thúng sứt cạp, bện đôi quang và chẻ cái đòn gánh. Sáng sớm, gánh thằng bé con đi. Một bên quang là một tảng gạch để thăng bằng thúng hàng bên kia. Một bên quang là một cái thúng đựng hàng. Trên cái thúng, tùm hum manh chiếu rách che hàng cho đỡ nắng.

Bác đi lang thang làng này, làng khác, qua chợ nọ, chợ kia. Nhưng chỉ thấy có người xem, mà không thấy có người mua.

Bác Lan đói quá, mắt đã mờ. Thằng bé con trần truồng trong thúng, nằm ngả ra, mồm miệng bê bết những dãi, mũi và vỏ khoai lang. Đi đường, bác gặp toàn bọn khóc dở mếu dở như bác cả. An ủi nhau, cũng chỉ có một câu:

– Này, bác đến nhà ông nghị Trinh, may ông ấy hiếm hoi, thì ông ấy mua cho.

Đi lần mãi mấy làng, bác mới đến nhà ông nghị Trinh. Trời đã sắp xẩm tối. Đứng ở cổng, trông vào trong nhà, bác thấy gạch tây đánh bóng lộn, sập gụ, tủ chè, gương đứng, giường tây, thật có vẻ đỉnh chung sung sướng.

Bác Lan đánh liều gọi cổng. Anh bếp ở trong chạy ra.

– Nhờ cậu vào bẩm với ông bà rằng có người bán con đương ở cổng.

Cậu bếp hỏi han một vài điều ra dáng tử tế, săn sóc, nhanh nhẹn lắm, rồi mới đi vào.

Bác Lan, vì cái đói khát nó cấp bách quá, nên tưởng tượng ngay độ dăm phút nữa thì bụng sẽ được no đầy. Nhưng tưởng tượng thế là lầm. Độ một giờ sau, bác thấy một người mặt mũi phương phi, cổ rụt, bụng phệ, môi trễ mà không râu, mặc quần áo lụa, phe phẩy cái quạt, ra vườn chơi.

Bác đoán là ông Nghị, bèn đánh tiếng. Thì quả là ông Nghị thực, vì nghe giọng hách dịch lắm:

– Sao không giật chuông gọi người nhà nó vào bẩm?

Bác Lan kể nỗi cơ cực, và ngỏ ý dạm bán đứa con. Ông Nghị nhìn qua bác, nhìn qua đứa bé, rồi nói:

– Ừ, để tôi nói chuyện với bà sẽ hay. Chờ đây, tôi ra ngay.

Nghe câu ấy, bác Lan tuy trong bụng lép kẹp, nhưng thấy như được no một nửa vậy.

Hơn nửa giờ nữa, ông bà Nghị mới ra.

Bác Lan chào, rồi cũng những câu khi nãy, bác nói với bà Nghị. Bà Nghị ra ý cảm động. Bà bế đứa bé vào lòng, ngắm nghía mãi.

Ông Nghị thấy bà có vẻ vừa ý, bèn hỏi giá:

– Anh định bán bao nhiêu, nói cho thực.

– Bẩm tùy ông bà cho.

Leave a comment