NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Cái cảnh thương tâm của anh Tư Bền, đi đôi với cái bông lơn, cứ diễn ra mãi, mà mỗi chốc lại càng thương tâm hơn lên. Mà càng thấy vắng bặt tin nhà, ruột anh càng nhầu như dưa, xót như muối!

Cái cảnh cuối cùng mà anh cho là lâu tới, thì khán giả cho là chóng quá. Cho nên khi sắp hạ màn, anh cúi chào thì cả rạp vỗ tay đôm đốp thật dài, dài mãi. Anh tưởng phen này quyết hết nợ, quyết được về cạnh giường bệnh của cha để nhìn thấy mặt cha một lượt sau cùng trước khi tắt nghỉ, thì ở chỗ ghế hạng nhất, người ta kêu ầm:

– Bis! Bis!(*)

Ông chủ rạp lại cho kéo màn lên. Anh Tư Bền lại phải giấu bộ mặt rầu rầu mà anh thích – vì nó hợp với tâm lý anh hơn, – để vui vẻ mà diễn lại đoạn cuối một lượt nữa.

Rồi khi bài kèn chào nổi lên, hồi vỗ tay sau cùng như làm vỡ rạp. Cái màn từ từ buông xuống. Anh cúi đầu thong thả chào. Nhưng bao nhiêu người chẳng để chậm thì giờ, đã tranh nhau chạy lên gần anh. Người thì tặng hoa, người thì bắt tay, người thì véo mũi, người thì khen, làm cho anh ruột càng như thiêu như đốt.

Khi không còn phải thở dài để hoan nghênh những cái hoan nghênh của công chúng, anh Tư Bền mới lật đật chạy vào buồng trò, cởi vội mũ áo và rửa quàng mặt mũi.

Lúc ấy, trong khi anh đương rối beng nghĩ đến cha anh, không biết bây giờ đã lạnh đến đâu, thì một người bạn hát chạy đến, vội vã ấn vào tay anh tập giấy bạc của ông chủ để sẵn cho anh, và nói:

– Mau mà về. Anh Tư! Hỏng từ ban nãy mất rồi! Khốn nạn thân anh quá!

27- 7- 1933

<!–nextpage–>

CÁI VỐN ĐỂ SINH NHAI

Rồi sau, nó tìm đến phố Nối là chỗ có thể dễ kiếm ăn. Thực vậy, suốt ngày, ô tô Hà Nội – Hải Phòng hay Hưng Yên, mấy chục chuyến đi chuyến về, cái nào cũng om ở đấy ít ra là mười phút. Như thế, nó có đủ thì giờ để làm công việc sinh nhai.

– Lạy cụ, lạy ông, lạy bà, thí bỏ cho con lưng cơm bát cháo!

Tay chống cái gậy, tay bưng cái rá, nó đi xung quanh thành xe mấy vòng, ngửa mặt lên, miệng nhai mãi câu ấy. Nhưng chẳng kiếm được cái chi để nhai vào miệng!

– Mày lành lặn thế này, sao không đi làm đi ăn, chỉ lười biếng quen xác thôi!

– Thừa tiền cũng không cho đến thứ mày!

Người ta mắng nó. Người ta không cho nó. Vì bộ mã của nó làm hại nó. Người ta chỉ trông thấy nó là ăn mày, mà bề ngoài không đui, què, mẻ, sứt, chứ người ta biết đâu là nó không thể làm gì được. Nó cũng là người, nó biết đi xin thế này là nhục, nhưng làm thế nào được? Khốn nạn! Nào nó có lười biếng gì cho cam? Nó có máu động kinh, lắm lúc đương yên lành tử tế, thì lăn đùng ra đất, mắt trợn lên, bọt mép sùi ngầu. Như thế một lúc, rồi, dù không có ai gọi, nó cũng tỉnh, lóp ngóp dậy, lại khỏe khoắn như thường. Trước nó đã đi ở. Nhưng thấy thế, người ta khiếp nó, đuổi nó đi, chẳng nuôi nó nữa. Cho nên cả vùng ấy biết nó hay động kinh, chẳng ai dám chứa. Vì lỡ ra nó chết quay ra đấy thì tội vạ ai mang cho?

Bởi vậy, nó phải đi ăn mày. Nhưng ai biết bề trong nó bệnh tật như thế? Người ta riếc nó. Trước mặt nó, người ta cho bà lão lòa một đồng trinh, người ta cho thằng bé cụt một xu. Mà nó thì kêu rã bọt mép, chẳng được tý gì cả. Nào có phải người ta bụng chẳng tốt. Chỉ vì số nó chẳng tốt như thằng bé cụt, như bà lão lòa.

Mỗi chuyến xe quay máy, nó nhìn cái rá nhẹ như lúc xe chưa đến, thì nó thở dài. Nó thấy các bạn nó, đứa nào cũng khoe nhau được cái nọ cái kia, thì nó thèm. Thèm bao nhiêu, nó buồn cho nó bấy nhiêu. Nó thua kém đủ bề, chẳng may trời đày nó làm kiếp ăn mày, mà lại bắt nó phải lành lặn. Gia dĩ đến cái gầy gò xấu xí cũng không được bằng ai! Rõ khổ!

Toe! Toe!

Lại một cái ô tô nữa sình sịch đến.

Cũng như mọi bận, nó ra đứng ra đón trước nhất.

– Lạy quan lớn, xin quan lớn một xu!

Ông béo phị thấy nó giúi cái rá vào lưng, mở choàng mắt dậy, nhăn nhó mặt. Muốn nó đừng làm mất giấc ngủ, ông ấy móc túi.

– Lạy quan lớn, xin quan lớn một xu!

Nó lại nhắc cái lòng từ thiện của ông “quan lớn”, nó chứa chan hy vọng, nhưng ông ấy nhìn nó, ngắm nó từ đầu đến chân, rồi lắc đầu, bĩu môi, rồi lại kề cái đầu vào thành xe, lim dim hai mắt. Kệ nó.

– Lạy quan lớn, xin quan lớn một xu!

Ông “quan lớn” nói giọng ngái ngủ:

– Đi mà làm ăn! Đừng lười thế.

Chỉ được có một câu luân lý làm phúc mà nó đã nghe nhẵn cả tai. Biết ông ấy đá lắm, nó lại gí cái rá vào lưng người bên cạnh:

– Con lạy thầy khóa, con xin thầy khóa kiếm bữa ăn!

Lúc ấy, xung quanh chiếc xe, một lũ ăn mày cũng đương làm việc. Tiếng xin nheo nhéo, đứa nào cũng cố quảng cáo cái bệnh, cái tật của mình:

– Thân con mắt mù chân chậm, làm ăn chả được, con xin ông bà thí bỏ cho con đồng trinh!

– Mùa hè bà đóng bè làm phúc, bà ơi!

– Giầu hai con mắt, đói khó hai bàn tay, con kêu van cửa ông cửa bà, thí bỏ cho con bát cháo lưng hồ!

– Ối đói ôi là đói ôi! Giời bắt tội tôi thế này! Lạy quan lớn!

Leave a comment