NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

NHÂN TÀI

Tôi không hiểu làm sao, một thành phố to như Hà Nội, mà sở Cẩm còn để bày ra trước mắt công chúng nhiều cái bẩn quá, lại không thẳng tay mà trừng phạt.

Mà tôi cũng lạ, không có một ông phóng viên báo hàng ngày nào than phiền và yêu cầu Cẩm phạt những cái dám ngạo mạn cả lẽ phải của đời.

Hôm nay, bất đắc dĩ tôi phải có ác tâm kể ra một vài thí dụ. Trước hết, tôi hãy xin lỗi tất cả các bạn.

Này, thưa các bạn, trong buồng khách quét vôi màu, kẻ hoa sặc sỡ, ông chủ đã bầy một bộ sa lông tối tân, lùn tịt xuống đất, mà trên tường, lại treo đôi câu đối rặt những chữ nho. Thế thì, cứ theo phép công, ông chủ ấy, đáng Cẩm phạt. Một cửa hàng to, rộng, đèn điện sáng choang, bán rặt thứ xa xỉ, mà lại có một bà cụ già, xấu, ngồi ở sau quầy, thì bà cụ ấy, Cẩm phạt. Một cái xe cao su nhà, gọng kền sáng nhoáng, sơn quang dầu, rất mới, mà người trên xe lại chỉ ngồi mớm có một tí ở đệm ngoài, hai cánh tay đặt đối rõ chọi bằng trắc lên trên hai chỗ tựa tay, nghĩa là lúc nào trông ông ấy cũng có vẻ nhấp nhổm rình nhảy xuống đất, thì ông ngồi xe, Cẩm phạt. Một cô con gái, ăn mặc tân thời từ đầu đến gót, mặt trắng, răng trắng, tóc chải lật và quấn, mà chỉ phải cái mặt thiếu vệ sinh, thì cô ấy, Cẩm phạt.

Cứ kể ra, còn bài của học trò lớn tuổi viết mà còn phạm nhiều lỗi; mặc quần áo ta mà để râu Hoa Kỳ; chồng lùn mà vợ cao; muốn đọc báo mà đi thuê, hoặc xem trộm; cô tiểu thư đẹp lại lấy chồng, vân vân, vân vân, đều đáng Cẩm phạt cả.

Sở dĩ tôi kể lể một nút những thứ Cẩm phạt, vì tôi muốn nói một lần nữa đến Lê Văn Tầm, biệt hiệu Lãng Mạn Tử, tác giả cuốn tiểu thuyết Mịt Mù.

Nếu có luật Cẩm phạt như trên kia thật, thì cái tác phẩm của Lê Văn Tầm mới in thành sách, còn đáng Cẩm phạt nặng gấp đôi. Vì hẳn các bạn chưa quên nhà phê bình Việt Sỹ đã trả nợ miệng tác giả bằng những câu thế nào ở trong bài Mánh khóe.

Hôm ấy, bữa cơm ăn thật xong, thì Việt Sỹ nhoẻn cẩn thận cái miệng giao thiệp để cười và bắt tay cảm ơn Lê Văn Tầm. Tôi cũng phải nối gót Việt Sỹ mà đi về. Vì tôi chẳng có can đảm ở lại nhà bạn nữa. Chẳng phải tôi hèn, không dám nghe những lời nhà tiểu thuyết “ấy” lại nhà phê bình, nhưng chính là tôi yếu bóng vía, vì Lê Văn Tầm, lúc bấy giờ, trông chẳng khác gì cái xác chết.

Sáng hôm sau, Việt Sỹ đến tòa soạn, vào buồng ông chủ nhiệm, đưa bài phê bình cuốn sách Mịt Mù:

– Ta phải giẫy cho sạch bọn này mới được. Thật là những cái nhơ bẩn trong vườn văn. Họ làm ta xấu hổ phải mang danh văn sĩ với họ.

Nói xong, Việt Sỹ móc túi, đưa bài cho ông chủ nhiệm.

Ông chủ nhiệm đưa mắt lên tờ giấy, thấy những chữ có gạch dưới để dặn in ngả, thì ông rung rung hai cẳng, tủm tỉm cười, ngẩng mặt lên, hỏi Việt Sỹ:

– Mịt Mù à? Nó là tên sách gì?

– Tên cuốn tiểu thuyết viết không sao ngửi được.

– Của Lãng Mạn Tử à?

– Phải.

Rồi ông chủ nhiệm cắn môi, thừ mặt ra để nghĩ, và hỏi:

– Cái tên này, ông đã thấy ký ở báo nào chưa nhỉ?

– Chưa, nó là một thằng ranh con…

– Thế thì đáng giã lắm.

Ông chủ nhiệm lại lia mắt, đọc khắp mấy trang. Bỗng ông cười sằng sặc:

– Thế này thì nó oán ông đến chết.

Rồi ông nhìn lại từng đoạn và đọc một lượt nữa.

Ai ngờ từ đầu đến cuối sách, tác giả dùng toàn một giọng bài luận của học trò thi Sơ học Yếu lược, thêm những chữ rất dốt như mục kích thì viết là mục đích, nhu cầu thì viết là nhu cần,v.v…

…Cốt chuyện như vậy nên đem ra máy nước, đầu cầu, họa chăng mấy thằng nhỏ con sen mới có thể hoan nghênh được.

…Nói tóm lại, đáng lẽ nhà phê bình không nên đếm xỉa đến những tác phẩm như loài Mịt Mù của Lãng Mạn Tử, tác phẩm nó làm nhục tác giả, làm nhục độc giả, làm nhục người in và người bán nó. Nhưng mà…

Đọc đến đấy, ông chủ nhiệm rùng mình, cười:

– Ông ác quá!

Việt Sỹ điềm nhiên, đáp:

– Kệ họ, miễn là mình cứ công bằng.

Leave a comment