NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Phải, lọ là anh phải dặn, vì tôi sợ Việt Sỹ sẽ biết là chúng mình lợi dụng hắn.

Nói xong, nhà tiểu thuyết vui vẻ ra về. Mà tôi thì nhìn theo bạn, ái ngại cho mấy chục đồng bạc.

*

* *

Hôm ấy, Lê Văn Tầm kê dọn nhà cửa để đón một vị thượng khách. Vị thượng khách ấy, tức là nhà phê bình Việt Sỹ, người có ngọn bút màu nhiệm, đã cầm vận mệnh của những sách mới xuất bản.

Trên bàn, giải khăn trắng nuột, bầy la liệt những đĩa đồ ăn thơm tho, sang trọng: rượu vang, cốc pha- lê, đứng sừng sững để chực sẵn rót vào miệng các nhà “thực giả” những vị nồng nàn.

Cạnh bàn ăn, Lê Văn Tầm cố ý làm như vô tình, kê cái kỷ con, đặt một chồng sách, mà trên mặt, thì là quyển Mịt Mù bìa đỏ chóe.

– Để Việt Sỹ có nhìn vào cuốn sách ấy mà nói chuyện, thì nhân tiện mình hãy cho Việt Sỹ biết. Như vậy, tôi tránh được cái ý gợi chuyện trước.

Bạn tôi nói với tôi câu ấy rồi cười xòa, đắc chí lắm.

*

* *

Việt Sỹ đến.

Lê Văn Tầm và tôi ra đón. Việt Sỹ bắt tay chúng tôi, rồi ngồi ở buồng khách, nói chuyện mưa chuyện nắng.

Một lát, Lê Văn Tầm hất hàm, hỏi đày tớ:

– Xong chưa?

– Bẩm đã.

Lê Văn Tầm đứng dậy, giơ tay mời chúng tôi, rồi đi trước, đưa chúng tôi vào buồng ăn. Việt Sỹ nhìn các món ăn, nhăn mặt, trách:

– Ông Lê Văn Tầm bầy vẽ quá. Sao ông không cho chúng tôi ăn cơm thường, có phải thân mật hơn không?

Lê Văn Tầm cười, đáp:

– Có gì là bầy vẽ, tiên sinh dạy quá lời.

Rồi rót rượu vào cốc. Rồi cốc nghiêng vào mồm. Rượu trôi xuống cuống họng. Cả đồ ăn cũng theo lối ấy vào dạ dày.

Câu chuyện đưa đi, trước từ việc nhà, sau đến việc ăn, sau nữa đến việc văn. Nhân cơ hội, tôi nói với Việt Sỹ:

– Ông Lê Văn Tầm cũng là một nhà văn.

Lê Văn Tầm nhìn Việt Sỹ, mỉm cười, nhũn nhặn. Việt Sỹ nói:

– Thì ra cùng anh em làng ta cả. Vậy ngài vẫn hay giúp báo nào?

– Thưa tiên sinh, tôi yêu văn chương lắm, thỉnh thoảng có học đòi dăm ba bài, thì lại đưa cho bạn tôi đăng ở báo Bạn Trẻ.

– Vâng, báo ấy nhiều người đọc lắm.

Nối lời Việt Sỹ, tôi nói:

– Những bài của ông Lê Văn Tầm viết hay lắm.

Việt Sỹ gật đầu, nói:

– Có, tôi có đọc. Ngài còn ký tên là gì nữa không?

Lê Văn Tầm nhìn tôi, rồi đáp:

– Viết văn ở báo thì tôi chỉ ký tên Lê Văn Tầm mà thôi.

Việt Sỹ nói:

– Vâng, ngài viết rất hay, tôi rất ưa văn ngài. Thơ của ngài không kém gì Đỗ Phủ, tiểu thuyết của ngài thật luyện lối Paul Bourget.

Leave a comment