NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Đi một quãng, anh chóng mặt hơn. Anh đứng lại nghỉ để thở. Rồi lúc lại sức, anh lại thong thả tiến từng bước một. Anh sờ tay lên trán, thấy vẫn mát như thường. Không hề gì. Hẳn mấy hôm nay vì anh nằm gí, nên bây giờ, mới bắt đầu cử động, anh chưa quen đó mà thôi.

Ở Cửa Nam, các bạn anh đã đứng đông cả. Họ đùa nhau một cách táo tợn, mà anh rợn cả người. Anh cho rằng trong mình không được khỏe, nên hay sợ, chứ ngày thường, chính anh cũng vẫn đùa bỡn họ như thế. Bỗng có hai người đuổi nhau, rồi người chạy trước quay lại giơ nắm nay, xói vào ngực người chạy sau một cái thực mạnh. Họ vật nhau, cười như nắc nẻ. Anh Tiêu ghê cả thịt, và cũng rạo rực như thấy quả đấm ấy uỵch vào ngực anh vậy.

Anh không dám nhìn các bạn nữa. Anh vào tuột nhà ông Cai. Nhưng tiếng cười đùa vẫn inh ỏi bên tai, khiến anh càng muốn quên đi, thế mà cái hình ảnh ấy như còn diễn ở trước mắt. Mà mỗi khi tưởng tượng đến quả phật thủ nó đấm vào ngực, anh lại thấy nao nao như buồn nôn.

*

* *

Anh Tiêu cúi xuống, nâng hai càng xe lên. Anh tiến một bước. Sao mà cái xe nặng thế. Mới ốm có bốn hôm, mà sức lực đã khác đi như thế rồi.

Anh không bước nhanh nữa. Vội gì? Chiều nay, ở Bờ Hồ rất sẵn người. Lúc nào chẳng có khách? Dù có đi rảo bước, bất quá đến trước độ mười lăm phút là cùng. Sớm mười lăm phút hay chậm mười lăm phút thì rồi cũng có khách.

Đi độ hết phố Hàng Bông đệm, anh vẫn thấy choáng váng, rồi tối tăm mặt mũi. Anh phải đứng lại để thở.

Được. Buổi mới, anh cũng cần tập đi. Chốc nữa, anh sẽ không choáng váng và thở nữa. Cái xe sẽ nhẹ nhõm như thường.

Nghỉ một lát, anh lại bước đi. Nhưng chẳng ai thụi nhau ở trước mặt anh, mà bỗng tự nhiên anh cũng nao nao như buồn nôn. Anh ho dồn một trận, cố khạc mà không ra đờm. Rạo rực, anh muốn nằm ngay ra vệ hè để thở một lát. Giá anh nôn được hẳn thì khoan khoái lắm.

Bờ Hồ là cái biển người mà các phố như các ngả sông chảy dồn người lại. Đến nơi ồn ào, tấp nập, anh Tiêu quên cả bệnh tật. Tự nhiên, anh rảo cẳng từ lúc nào mà anh không biết.

Sự làm quá sức khiến anh lại thấy trong người khó chịu. Anh váng vất và rạo rực hơn. Rồi sa sầm lại, xuýt ngã khuỵu.

Ba bốn lần, anh muốn thôi đừng tham công tiếc việc nữa. Biết thế, giá cứ nghỉ cho đến ngày thực khỏe, rồi tha hồ làm tiền. Chứ vừa mới hơi khỏi, anh đã gượng dậy, lỡ ốm thêm thì chả bõ. Nhưng trả xe? Cai nào dại mà nhận cho anh. Ai chịu mấy hào thuế ấy? Hẳn anh phải nai lưng ra mà đền sự thiệt hại này.

Mà anh đền? Anh rùng mình khi nghĩ đến tiền đền một buổi xe ngày hội. Hay là anh chịu lỗ vốn ít nhiều, gọi một người bạn nào mà bán lại xe cho người ta buổi tối nay? Nhưng đã mua xe, anh đành phải kéo để kiếm tiền cho khỏi lỗ vốn vậy.

Anh nản trí, càng như bị thần bệnh ám ảnh. Mà buồn quá. Bờ Hồ rầm rập những người thật, nhưng bọn nào đi hai người, họ cũng trèo lên xe điện cả. Anh vẩn vơ, suy nghĩ về cái nghị định nhân đạo của quan đốc lý thành phố mới ban hành. Chẳng lẽ việc quan thương dân lao động, đặt ra lệ khách không được ngồi xe đôi, lại định giá mỗi cuốc ngắn phải trả một hào, lại hóa ra làm lợi cho xe điện phải hạ giá một quãng là hai xu hay sao? Hay là bây giờ vẫn còn sớm? Phải, người sang trọng còn đương ăn cơm. Chốc nữa, có mà vứt đi cũng không hết khách.

Đèn điện đã bật.

Anh Tiêu nhìn trước nhìn sau, và đứng dưới bóng tối để nghỉ. Anh cứ thấy cổ ngứa, lờm lợm. Giá không ai để ý đến anh, mà anh được nôn ra đây, thì hay quá.

Anh thử ọe. Ngực anh càng rạo rực, nhưng không sao nôn được.

Đứng đấy chán, anh lại đi, anh tin rằng thể nào cũng được vài chuyến khách. Sao bây giờ xe nặng hơn lúc nãy. Anh thở. Thì tự nhiên anh ọe một tiếng, nhưng không được gì cả.

Nôn khan, anh không lấy làm lạ chút nào. Vì trong bụng anh có gì đâu. Hai hôm nay, mới ban nãy, anh ăn được một tí cháo.

Anh lại đi vài bước, mời những khách mà anh gặp. Nhưng chẳng ai trả lời.

Rồi bỗng cơn buồn nôn lại làm anh thấy nao nao trong người. Anh đứng lại, lấy tay vuốt ngực. Tự nhiên, anh đâm ra sợ nôn. Sao vậy, nào ai biết được.

Nhưng cơn buồn nôn càng bắt anh phải cố nôn. Anh phải đứng cạnh đường, ở chỗ tối. Anh đỡ ngực, há miệng, nhăn mặt và gò lưng xuống để ọe.

Anh ọe. Anh cố ọe. Thì bỗng miệng anh trào ra được đến một bát nước đen đen và long lỏng.

Rồi ngực anh càng rạo rực. Anh chóng mặt như say rượu. Anh ọe khan vài tiếng nữa, rồi lấy tay quệt nước ở mồm.

Quái, cái gì đặc vậy. Anh ghé ra chỗ sáng, nhìn kỹ. Thì bỗng anh giật nẩy mình. Mẹ ơi, máu!

Máu tươi toe toét quanh mồm anh, nghĩ mà ghê cả người.

Rồi một cơn ho nổi lên. Anh gò lưng, nhăn mặt, há mồm, hộc ra được một đống máu tươi nữa. Anh sợ run lên, nhìn bốn bên. Nhưng may quá, không có một người đội xếp nào trông thấy.

Lanh trí khôn, anh vội vàng lại chỗ máy nước, ấn mạnh cho nước tóe ra thực nhiều, để nó chảy tràn ra cống, rửa sạch vũng máu đi.

Vừa toan thò miệng vào vòi nước để súc, bỗng anh nghe thấy tiếng gọi: Xe!

Anh ngẩng lên nhìn. Một cô tân thời, cắp ví ở nách, đi dún dẩy từ đằng xa lại.

Không biết nên kéo hay nên không? Anh đương phân vân. Nhưng vụt anh trông thấy một vài chiếc xe không từ đằng xa chạy lại, tranh nhau cướp lấy khách. Chẳng đắn đo hơn thiệt, tự nhiên anh vội vàng quệt tay, chùi máu mép, với lấy càng xe, cũng cắm cổ chạy. Chiếc xe nhẹ nhẩy lên chồm chồm.

May làm sao, anh lại tranh được chuyến khách.

1936

<!–nextpage–>

THẰNG QUÍT

Xưa nay, người ta chỉ thường được nghe thấy bọn thằng quít con đòi kể lể ông Tham nó ác, bà Phán nó nghiệt, chứ đố ai đã nghe thấy các ông chủ bà chủ phàn nàn đứa ở ác nghiệt bao giờ.

Vậy mà đối với chủ, chúa ác nghiệt là cái giống đầy tớ đấy. Điều ấy, ai đã từng nuôi kẻ hầu người hạ, tất cũng biết. Mà có lẽ trời sinh ra cho chúng được thế, chẳng qua là cái quả báo của những câu chửi, những ngọn roi ngày thường chủ đã rộng lượng ban phát thêm vào số lương ít ỏi của chúng chăng.

Thật vậy, nào có phải chúng đã hiến ta cái cẳng tay hoặc cái bạt nhĩ, khi ta hành hạ áp chế chúng, mà tôi mới bảo chúng là ác nghiệt. Chúng nào dám động đến lông chân bọn người có tiền? Nhưng, thưa các ngài, không còn hạng người nào ác nghiệt hơn hạng đầy tớ, khi chúng gãi tai xin ta tính tiền công? Bởi vì tiền công của chúng, tháng tháng chúng có thèm lấy ra đâu. Mà một vài đồng bạc ấy, ta chỉ tiêu đánh nhoáy là hết. Thế rồi khi có việc phải cần đến tiền, như dịp Tết chẳng hạn, chúng mới xin ta cho chúng cả một thể. Thực là rầy rà to! Món ấy, có khi là một chục, có khi là hai chục, có khi tích lũy đến hàng ba bốn chục, đến nỗi trả được xong xuôi, nhiều ông chủ ngồi bó giò, thuỗn mặt ra mà tiếc ngơ tiếc ngẩn.

Sở dĩ tôi phải thay mặt các chủ lên tiếng than phiền sự ác nghiệt của bọn đầy tớ, là vì hôm hai mươi tám Tết năm ngoái, tôi được chứng kiến một ông chủ bị đầy tớ đòi tiền công.

*

* *

Ông Dự, chủ nhà trọ tôi, làm việc Nhà nước, lương mỗi tháng được hơn bẩy chục.

Ông không có vợ con, nên trọ nhà ông, tôi rất dễ chịu. Lại được một điều nữa, là hình như ông Dự thuê căn gác ấy, chỉ cốt lấy chỗ ngủ. Vì tôi chẳng thấy ông thức lâu ở nhà bao giờ. Mười hai giờ trưa đi làm về, ông ăn cơm xong, là cứ để nguyên cả quần áo lẫn giày, lăn ra giường, ngủ cho đến gần giờ làm buổi chiều. Buổi chiều cũng vậy, ông và vội vàng vài bát cơm, cốt đủ sống, rồi hấp tấp ra đi, có khi đến một hai giờ sáng mới về ngủ.

Tôi biết ông thích đánh bạc, và mới đây, lại có một cô nhân tình non. Bởi ông không thiết đến cửa nhà, nên cái tập bạc lương của ông nó phải mau mau đi gây dựng cơ đồ cho người khác.

Ông nuôi một thằng đầy tớ rất nhanh nhẩu, khỏe mạnh. Nó bảo từ thuở bé, nó vẫn tên là thằng Quít. Cái tên xấu xí ấy, nhiều lần ông Dự muốn đổi, để gọi cho đỡ có vẻ giai cấp. Vì ông khoe rất yêu chủ nghĩa bình dân. Nhưng đến tám tháng nay, có lẽ ông chưa có thì giờ nghĩ, nên tên nó vẫn nguyên văn là thằng Quít.

Nhà không có đàn bà thì đầy tớ là nội trợ. Thằng Quít không những phải gánh nước, thổi cơm, dọn dẹp cửa nhà cho tươm tất, nó còn phải vá quần áo rách, đưa thư vay tiền, kỳ lưng và bẻ bão cho chủ nữa.

Leave a comment