NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

– Kìa, cậu nói đầu đuôi ông nghe, kẻo chả mấy khi ông ra chơi, ông thấy thế này, ông lại giận.

– Bẩm ông nguyên thế này: Cháu có bốn mươi đồng bạc để vào trong cái ví. Mọi khi bao giờ trước khi đi ngủ, cháu cũng bỏ ví vào tủ có khóa. Vì hôm qua đi xem hát với ông về khuya, nên cháu không muốn vào buồng lấy thìa khóa tủ, cháu cứ để ví trong túi. Nhưng sau, thấy nằm cứ cộm lên, cháu mới lấy ví ra, kiểm lại số tiền, rồi để gối đầu giường. Lúc ấy ông cũng biết.

– Phải, rồi sao nữa?

– Rồi sáng hôm nay, cháu thấy mất.

– Phải, sao nữa?

– Bẩm, có thế thôi.

– Thế anh nghi cho ai?

– Cháu nghi cho thằng bếp, thằng xe.

– Sao anh không nghi cho con vú.

– Tại nó thực thà, xưa nay cháu biết nó.

– Anh nghĩ thế là vô lý lắm. Tôi hiểu rồi, chính anh nghi cho tôi!

Bà Tham vội nói:

– Chết! Lạy ông, con cháu nào dám thế! Sao ông nghĩ vẩn vơ làm vậy?

– Thôi, tôi xin bà đừng nói khéo. Tôi biết ông ấy từ thuở để cái chỏm chòe bằng ngần này, nên tôi hiểu cả giọng nói. Này, tôi bảo cho anh biết, tôi tuy nghèo thật, nhưng tôi lấy của anh để tôi phải tội lòi mắt ra à?

– Khổ quá! Cháu không biết nói thế nào bây giờ được. Tự ông đổ cho ông đấy.

– Không phải tôi đổ cho tôi. Vì những câu anh nói cạnh nói khóe từ nãy đến giờ, nên chẳng phải bảo đến nơi, tôi cũng hiểu ý cả. Đây, tôi cũng dằn lòng cho anh khám.

– Chết! Sao ông lại làm thế?

– Nhưng tức lắm!

Nói đoạn, ông cụ chạy đến mắc áo, giật cái áo trắng dài và cái áo the xuống, rồi rũ rõ kỹ. Rồi cởi tuột cái áo cộc ra, lộn các túi. Xong rồi, lại tháo cả thắt lưng, đưa cho ông Tham xem. Giá có tiện, có lẽ ông cụ tụt phăng cả cái quần ra nốt, cho cháu tin rằng tất cả trong mình, không giấu giếm cái ví vào đâu cả. Nhưng cụ cũng cứ lấy hai tay, nắn bóp khắp hai đùi thật kỹ, từ trên đến dưới.

Ông Tham thấy cậu làm đùng đùng sôi nổi, biết là cậu giận lắm, nên cứ ngồi yên như phỗng. Bà Tham thì lạy van hoài. Nhưng vẫn không ăn thua gì. Tự khám mình xong, ông cụ phân vua:

– Đấy nhé, anh chị đã tin chưa? Tôi không ngờ đâu bây giờ anh chị lại khinh người làm vậy. Cậu cũng như mẹ, mà anh nghi cho tôi ăn cắp, anh nghĩ đã phải chưa? Từ ngày anh đi làm, đã hơn hai năm nay, bất quá tôi đến chơi lần này là lần thứ bốn! Tôi thấy anh ở xa thì nhớ, nên đến thăm, chứ nào tôi có xin xỏ bòn đãi cái gì? Chẳng qua anh mất mấy bữa cơm và suất tàu là cùng.

Nói xong, cụ súc miệng, và rửa quàng cái mặt, rồi đội khăn, mặc áo. Ông Tham thấy vậy, hỏi:

– Thưa ông, cháu có lòng nào như thế! Ông đừng tưởng vậy mà oan cháu. Bây giờ ông đi đâu?

– Tôi đi về. Ông bà xử với tôi như thế này thì tôi còn mặt mũi nào mà ở nữa!

– Khổ lắm! Vợ chồng cháu có điều gì không phải, thì ông là người trên, ông cứ mắng chửi, sao ông lại để tâm làm vậy?

– Thôi tôi xin quan ông quan bà đừng nói khéo. Đồ đểu! Tao thề rằng từ nay tao không họ hàng gì với vợ chồng nhà mày nữa!

Nói đoạn, ông cụ hầm hầm, cắp ô đi.

Vợ chồng ông Tham nhất định nằn nèo cho ông cụ ở lại. Nhưng ông cụ nói dỗi:

– Thôi, kẻ cắp chả dám ở chung với người! Để tôi ra chợ Đồng Xuân tôi ở.

Nói xong, cút thẳng.

Vợ chồng ông Tham rầu rầu nét mặt, trở vào, im lặng nhìn nhau mà thở dài. Một lát, bà Tham ra dáng ân hận, gắt với chồng:

– Chỉ tại cậu lơ đễnh đánh mất ví tiền, nên mới sinh ra lắm cái rắc rối.

Ông Tham ung dung, tủm tỉm cười, đáp:

– Thì đã làm sao?

– Thế sao cậu lại ngờ cho ông làm vậy?

– Tôi vờ thế, chứ ví đây này, có mất đếch đâu!

Vừa nói, ông vừa móc trong túi quần, quẳng cái ví đánh bẹt xuống mặt phản.

Bà Tham trố mắt nhìn chồng:

– Rõ khéo khỉ, thế có phải ông giận không?

– Mợ không hiểu. Tôi chỉ cốt làm thế để bận sau ông đừng ra chơi nữa. Tốn kém lắm!…

21- 7- 1933

<!–nextpage–>

KÉP TƯ BỀN

Các ngài thích xem hát bội, hẳn chẳng ai là không biết tên kép Tư Bền. Ấy, anh ta chỉ nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta, các khán quan cũng đủ phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đồm độp.

Anh ở Sài Gòn ra hát ở Hà Nội đã ba năm nay. Vì anh có tài riêng mà tính lại thích tự do, nên anh chẳng chịu làm chuyên cho một rạp nào. Nhưng hễ rạp nào khéo dùng anh một độ, là cũng đông khách. Cho nên tối nào bà con Hà Thành đọc chương trình hay xem báo, thấy kép Tư Bền đóng vai giễu, là cũng nô nức đi xem. Lắm người đến chậm, phải mang tiền về không và phàn nàn rằng rạp chật quá!

Cho nên những tối hát có anh giúp, thì các hý viện đều trưng lên là buổi hát đặc biệt.

Nhưng đã hơn một tháng nay, anh ta không diễn ở đâu cả. Vì đã hơn một tháng nay, cha anh ta ốm. Đã hơn một tháng nay, lúc nào trong cái gác tối om ở gian nhà ngay đầu ngõ Sầm Công, cái tiếng rền rĩ của ông cụ cũng hòa lẫn với tiếng rầu rĩ của siêu thuốc mà làm anh Tư Bền phải rầu gan nát ruột, chẳng thiết đến sự làm ăn. Bệnh cha anh càng ngày càng nặng, thuốc thang chữa chạy, nào anh có quản ngại gì. Nhưng cái số tiền để dành của một vai kép hát, dần dần nó cũng đi bài tẩu mã, đến nỗi anh phải đi vay trước của các ông chủ rạp hát ít nhiều.

Một hôm, ông chủ rạp Kịch trường đến nhà anh chơi. Sau một vài câu hỏi thăm chiếu lệ, ông ta nghiêm sắc mặt, nhắc đến món nợ:

– Sao? Cái số tiền đó, cậu đã có để trả tôi chưa?

– Thưa ngài, xin ngài hãy thư cho ít bữa, khi nào thư thả, tôi sẽ đi làm và nộp sau.

Ông chủ bĩu môi, nói:

– Thôi, biết bao lần rồi! Cậu không trả, tôi sẽ đem ra tòa đó.

Anh Tư Bền cười lạt cho xong chuyện, nhưng lại thấy ông chủ ngọt ngào dỗ:

– Bấy lâu cậu nghỉ hát ở các rạp, khách nhắc nhở luôn đấy. Vậy cậu liệu liệu mà đi làm ăn chứ?

– Vâng, tôi vẫn định thế…

– À, này, tôi mới nhờ một nhà văn sĩ đại danh soạn cho một vở hài kịch theo lối tuồng cổ. Vậy cậu ra giúp tôi vai chính. Vì phi cậu, không còn ai xứng đáng.

– Diễn vở mới thì phải học, thưa ngài?

– Phải, phải học và tập diễn trong độ nửa tháng.

– Trong nửa tháng! Chà!

Anh Tư Bền nhắc lại ba tiếng đó, như trong óc anh lẩn vẩn nghĩ ngợi biết bao nhiêu điều: Trong nửa tháng, trong mười lăm hôm trời, mỗi ngày anh phải xa cách cha anh mấy tiếng đồng hồ để đi học diễn. Cha anh ốm, trong khi anh vắng nhà, ai trông nom săn sóc thay anh? Nghĩ vậy anh đáp phắt ngay rằng:

– Thôi, xin lỗi ông, tôi bận quá mà!

Rồi anh trỏ vào màn và nói tiếp:

– Cha tôi yếu, tôi phải ở nhà.

Lúc ấy, ở trên giường bệnh, ông cụ ho xù xụ, rồi thò tay ra cái ghế đẩu kê ở cạnh, để với lấy cái ống nhổ. Nhưng lật bật cầm không vững, đánh rơi ngay xuống sàn gác, đờm dãi nổi lên lềnh bềnh.

Anh Tư Bền giật mình, chạy lại đỡ cha và nói:

– Sao ông không gọi con?

Rồi anh lấy chổi quét chỗ nước lênh láng đi, đoạn nét mặt rầu rầu anh nói:

– Đó, ông coi, vắng tôi sao đặng?

– Không, cậu cứ nhận lời giúp tôi, tôi sẽ sai người đến trông nom hộ cậu.

– Đa tạ ông, nhưng tôi không yên tâm.

Lúc ấy, trong màn có tiếng keng keng như tiếng đũa đập vào bát sứ. Đó là cái hiệu gọi. Anh Tư Bền lật đật chạy lại gần cha. Rồi thấy giọng khàn khàn của ông cụ sai anh rót chén nước.

Nhân muốn gãi cảm anh, ông chủ rạp Kịch trường lại gần giường, mở màn, rồi hỏi:

– Chào cụ, cụ có biết tôi là ai không?

Ông già giương hai mắt lên. Rồi như đã nhận biết, bèn nhăn bộ răng ra cười, cái cười khó đăm đăm, và gật gật mấy cái, rồi run lẩy bẩy, giơ tay ra bắt.

Leave a comment