NGUYỄN CÔNG HOAN – TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC

Ván – cách nói đến đấy thì vừa đến giờ chịu phạt. Chú phải mặc quần áo chỉnh tề, quấn xà cạp, đeo bao đạn, bồng súng cắm lưỡi lê, đi xung quanh bờ giếng. Cách hình phạt ấy, làng “ắng đê” ta gọi là ” lập gioòng”…

*

* *

Nghe câu chuyện chú quyền Ván – cách nói, ta cũng đã hiểu tại sao chú phải phạt rồi. Vì lỗi chú đi lâu quá, đến nỗi thầy quản đồn một mình không giữ nổi cái con mẹ khôn ngoan mạnh khỏe kia, để nó xổng mất. Nhưng tưởng thầy quản đồn cũng lực lưỡng nhanh trí lắm đấy chứ. Tại sao lại để cho con đàn bà nó đánh tháo được cả người lẫn tang vật?

Nhà tiểu thuyết chẳng muốn để chỗ thủng ấy vừa chỗ cho độc giả đánh dấu hỏi. Vậy xin kể cái miếng võ nó rình đánh vào chỗ yếu của thầy quản, và mưu mẹo nó lừa ra sao.

Nguyên thầy quản trông thấy rừng tranh, có lẽ biết là hiếm dây, nhưng cũng cứ sai Ván – cách tìm. Thầy nhìn theo Ván – cách, cứ thấy anh chàng vơ vẩn kiếm quanh ở đó, nên thầy mới bắt phải sang tận rừng bên kia mà kiếm cho được cái dây chắc chắn để trói.

Lúc Ván – cách đi khuất, thầy quản mới quay lại người đàn bà, cau mặt mà gắt:

– Mày mang thuốc phiện lậu, phen này ông cho thì ngồi tù.

Con mẹ thấy lòng thầy quản thẳng như lòng súng, rắn như hòn đạn, khấn tiền cũng không thèm, thì không biết làm thế nào được. Nhưng nó cũng cứ lạy van hoài :

– Lạy quan lớn, ngài tha cho con.

– Tha! “Tăng xương”! Coi thì mày chết, con ạ. À, tao biết, mày vẫn còn nhiều đồ quốc cấm giắt ở trong mình…

– Lạy quan lớn, con là đàn bà, làm gì dám mang những thức ấy.

– Mày không đánh lừa nổi ông. Đàn bà mang những vật ấy mới dễ. Giơ hai tay lên, ông khám.

Con mụ sợ hãi, chắp hai tay lạy rối rít. Thầy quản quắc hai con mắt, dọa báng súng vào ngực nó:

– Mày có giơ tay hay không thì mày bảo?

Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.

Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.

Túi bên trái: bốn đồng trinh.

– À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?

Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

Túi trên: hai hào.

– Hào giả hay thực đây? Tao phải mang về trình quan mới được.

Con mẹ ấy toét mồm ra cười.

Túi trong: cuộn bạc giấy.

– Mày làm gì có nhiều tiền thế này? Hẳn là tiền buôn thuốc phiện lậu. Tang vật này, tao phải mang lấy. Còn đồ quốc cấm, mày giắt ở đâu? À, con này ranh quái quá! Tao phải khám cẩn thận mới được. Còn túi nào nữa không?

Thầy quản lại bắt con mẹ phải giơ thẳng tay lên, không được cựa. Thầy khám, khám mãi, mãi… Trước thì con mẹ rúc rích cười. Dần dần, thầy quản quăng cả súng ra bên đường để khám cho khỏi vướng, và cũng rúc rích cười. Rồi con mẹ cười ngặt cười nghẹo.

Ấy thế rồi thầy quản, miệng thì ha hả, đầu thì gật gật, tay thì lôi kéo, bắt con mẹ vào trong túp hàng nước, có lẽ để khám cho kỹ hơn.

Đó, nguyên do vì thế nên con mẹ mới trốn thoát. Nhưng xin các ngài giữ kín hộ, đừng nói chuyện với ai!

11- 12- 1930

<!–nextpage–>

NGƯỜI NGỰA VÀ NGỰA NGƯỜI

Đố ai biết anh phu xe đương lững thững dắt cái xe không ở đằng ngã tư đầu phố kia, đi như thế từ bao giờ đấy?

Trông anh ấy có vẻ “đói” khách lắm. Có lẽ thế thật. Vì ai lại tám giờ tối ba mươi tết rồi, còn lang thang phố nọ sang phố kia thế? Mà hàng phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa cả rồi, còn mấy ai ra ngoài đường làm gì, mà còn hòng một “cuốc” tất niên?

Ấy thế! Trả xe cho quách, về mà hú hí với vợ con có hơn không, tội gì! Vợ anh, con anh, đương chờ anh ở cửa đó nọ. Năm hết tết đến rồi. Còn mấy giờ đồng hồ nữa thôi, chứ còn lâu la gì?

Ấy, giá trong túi có nặng cái đồng tiền, thì chả phải bảo, anh ta cũng về nhà cho xong quách, việc gì còn phải vơ vẩn vẩn vơ như thế này! Khốn nhưng anh ấy vừa mới ốm dậy, ốm một trận tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền vào lúc cuối năm, mà bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả.

Bởi vậy, hôm nay, anh ấy cố vay được cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo để ăn tết.

Quái, không hiểu cái ngày này là ngày gì, mà từ chiều tới bây giờ, anh ấy mới được có hai hào chỉ! Ban chiều, khách áo gấm, áo nhung, đi nhan nhản ở đường, mà mời mỏi miệng, cũng không có một ai lên xe, nữa là bây giờ! Bực nhất là thỉnh thoảng lại lẹt đẹt tràng pháo nổ, làm cho anh ấy nóng cả ruột gan. Nghĩ đến cái cảnh tết nhà giàu mà thèm rỏ dãi. Họ quăng tiền đi về dịp tết, thi nhau tiền trăm bạc nghìn để xa phí vô ích, mà mình thì lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong.

Thỉnh thoảng anh ta dỏng tai quay cổ, xem có ai gọi ở đằng xa hay không. Thì chỉ thấy đánh đẹt, lòe một cái ở giữa đường, làm cho anh ta giật mình đánh thót. Giật mình, rồi lại thở dài, ngán cho cái đời bấp bênh, lắm lúc muốn quẳng phăng cái xe đi, làm nghề khác. Nhưng bỏ nghề này thì xoay ra nghề gì?

Anh ấy đi lững thững như thế, qua Hàng Trống, quặt ra phố Nhà Thờ, xuyên thẳng ra lối nhà thương Phủ Doãn, thì bỗng đứng dừng, quay cổ lại nhìn.

– Xe!

– Đây!

Ba chân bốn cẳng, anh ấy chạy vội lại phía người gọi, hạ hai càng xuống.

– Bà về đâu?

Một bà trạc độ ngót ba mươi tuổi, mình mặc xa tanh nâu, đầu quàng khăn bịt trắng, bỏ giọt xuống tận bụng, đứng ở đầu hè:

– Anh có đi giờ không?

– Bà đi mấy giờ?

– Một giờ.

– Xin bà sáu hào.

– Sao anh lấy đắt thế? Hai hào!

– Thưa bà, xe ngày tết vẫn thế, vả lại bây giờ còn ai kéo nữa, mà bà trả rẻ thế. Con kéo một chuyến, rồi cũng đi trả xe, về ăn Tết đây!

Bà khách thấy anh xe nói ra ý không thiết kéo, nên quay lưng đi.

– Này, bà trả bao nhiêu?

– Hai hào là đắt rồi, ngày dưng chỉ có hào rưỡi một giờ thôi.

– Thôi, năm hào rưỡi, bà có đi, không thì thôi.

– Thôi.

Bà khách lại quay lưng đi, lần này thì đi thẳng.

Anh xe vắt chân chéo kheo, chỏng càng lên trời mà nhìn theo mãi một lúc. Anh đoán có lẽ người này cũng là khách kiết, nên mới trả rẻ quá như vậy. Thôi thì, người già thì ta non. Anh chạy theo và gọi:

– Này, mời bà lên xe!…Hai…hào…! Xin bà hai hào rưỡi!

Leave a comment